Vùng đất của những đôi tay tài hoa
Làng Bảo Hà xưa gọi là làng Linh Động, thuộc địa phận xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ngôi miếu nổi tiếng Bảo Hà trước đây thuộc ba thôn: Bảo Động, Hà Cầu và Mai An nên còn có tên là Linh từ tam xã. Sau khi tách ra, miếu trở thành nơi thờ cúng linh thiêng của người dân thôn Bảo Hà. Trong miếu thờ Đức Linh Lang, một vị tướng thời Trần có công truyền dạy cho người dân nơi đây bốn nghề: Dệt, y (bài thuốc từ cây ngải chữa được nhiều bệnh), điêu khắc và múa rối nước.
Ngoài ra, nơi đây còn thờ tổ nghề tạc tượng của làng là Nguyễn Công Huệ, người được thờ chung miếu với thành hoàng làng, là nghệ nhân tạc tượng giỏi nức tiếng từng bị nhà Minh bắt đi phục dịch. Trong thời gian phục dịch cho nhà Minh, ông đã học được nhiều từ các bạn thợ của mình. Sau ngày quân dân ta đánh thắng giặc Minh, nghệ nhân Nguyễn Công Huệ về làng và bắt đầu phục hồi, phát triển nghề tạc tượng Linh Động bị tàn phá trong chiến tranh. Sau này, người dân Linh Động nhớ ơn cụ tổ nghề nên thờ cụ cùng miếu với thành hoàng làng. Các học trò và hậu duệ của cụ như Tô Phú Vượng, Hoàng Đình Ức tiếp tục phát triển nghề này và biến Linh Động trở thành làng nghề tạc tượng nổi tiếng khắp vùng.
Cụ Nguyễn Văn Nghĩa người làm công tác quản lý miếu Bảo Hà đã 22 năm
Các nghệ nhân tạc tượng làng Bảo Hà đã đi nhiều nơi trong và ngoài vùng như: Ninh Giang (Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng), làng Nguyễn (Đông Hưng- Thái Bình) để làm tượng chùa, làm quân rối cho các phường rối… Những tác phẩm tạc tượng do những nghệ nhân làng Bảo Hà làm ra mang phong cách nghệ thuật riêng, độc đáo và có uy tín, chiếm được cảm tình của nhiều nơi. Hiện nay, cụm di tích lịch sử văn hoá Linh từ tam xã và chùa Mưỡu còn gìn giữ rất nhiều pho tượng đẹp, là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tiêu biểu cho phong cách tạc tượng Việt Nam. Các tác phẩm điêu khắc ở đây mang một sắc thái riêng, gần gũi với cuộc sống đời thường. Đó là những pho tượng mỹ nữ chúm chím môi trái đào, tóc buông dài, vạt áo cài lệch. Rồi những pho tượng quan văn mặt đăm chiêu tư lự... Đặc biệt, trong số đó có pho tượng đức thánh - hoàng tử - Linh Lang do đức tổ nghề tạo tác, có thể đứng lên, ngồi xuống, dang tay, duỗi chân như người thật.
Cụ Nguyễn Văn Nghĩa (80 tuổi), Trưởng ban quản lý di tích miếu Bảo Hà cho biết: “Nhiều khách Tây đến đây tỏ ra rất tò mò và ngạc nhiên vì không hiểu tại sao pho tượng lại biết đứng, ngồi. Khi được tôi giải thích, họ đều bày tỏ sự cảm phục đối với bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Việt".
Tới cung thờ Đức thánh Linh Lang, khi cụ Nghĩa tra khóa mở cánh cửa bên phải cung, tôi và anh bạn đi cùng đều không giấu được sự ngạc nhiên khi pho tượng đang ngồi uy nghiêm trên cao, tay cầm văn tự bỗng khoan thai đứng dậy; khi khép cửa, pho tượng lại từ từ nhẹ nhàng ngồi xuống. Cụ Nghĩa giải thích: "Bức tượng Đức thánh Linh Lang tính đến nay đã gần 700 tuổi rồi. Bức tượng này là sự sáng tạo độc nhất vô nhị của tổ tiên làng nghề Bảo Hà, là sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối. Sở dĩ pho tượng có thể đứng lên, ngồi xuống như vậy là bởi các nghệ nhân xưa đã sử dụng cách chuyển động trong múa rối "thổi hồn" vào bức tượng để trở nên kỳ lạ, huyền bí. Dân làng chúng tôi luôn coi đây là một báu vật, biểu tượng văn hóa, lịch sử của quê hương.
Pho tượng Đức thánh Linh Lang khi mở cửa ra thì khoan thai đứng lên. Ảnh Nhung Đinh
Báu vật của làng
Pho tượng Đức thánh Linh Lang từ lâu đã trở thành báu vật của dân làng Bảo Hà, được mọi người giữ gìn và bảo vệ từ đời này sang đời khác. Cụ Nghĩa cho biết, pho tượng biết đứng ngồi nguyên tác đã bị phá hỏng trong kháng chiến chống Pháp. Pho tượng Đức thánh Linh Lang hiện tại được các nghệ nhân giỏi nhất của làng phục chế từ nguyên tác để du khách gần xa có thể chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc kết hợp múa rối độc đáo có một không hai này. Hai bên tượng Đức thánh Linh Lang còn có bốn tượng mỹ nữ đứng hầu thuộc nhóm tượng tuyệt khéo do các bậc thợ tài hoa xưa của Bảo Hà tạo dựng.
Miếu Bảo Hà được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991, không chỉ bởi nơi đây có pho tượng độc nhất vô nhị mà còn được coi là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa làng nghề. Cùng với làng nghề tạc tượng, múa rối truyền thống, ngôi miếu do chính bàn tay của những người thợ tài hoa thế kỷ XIII chạm trổ hoa văn tinh xảo nhiều năm nay đã trở thành một địa điểm tham quan thú vị trong tuyến du lịch du khảo đồng quê của Hải Phòng. "Tổ tiên chúng tôi đã để lại một nghề quý cho con cháu, vừa giúp dân làng có thu nhập vừa lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Từ khi trở thành một điểm đến trong tuyến du lịch đồng quê của tỉnh, chúng tôi đã đón tiếp rất nhiều lượt du khách đến tham quan, cả trong và ngoài nước. Điều này đã làm đời sống tinh thần của dân làng phong phú hơn rất nhiều. Đây cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục giữ gìn và phát triển những ngành nghề truyền thống do ông cha để lại”, cụ Nghĩa cho hay.
Tạc tượng là nguồn cảm hứng của nhiều trò chơi cổ truyền Bên cạnh nghề tạc tượng, Bảo Hà còn có nghề chạm khắc và biểu diễn quân rối cạn. Các cụ cao niên trong làng cho biết: Sự ra đời của nghệ thuật rối cạn cổ truyền làng Bảo Hà bắt nguồn từ chính nghề chạm khắc tượng. Do nhận các đơn đặt hàng làm quân rối cho các phường rối mà các nghệ nhân đã nghĩ đến việc xây dựng một phường rối cạn. Cũng từ đó, nghề rối ra đời. Hơn nữa, các trò chơi cổ truyền của làng còn được lưu giữ đến nay như: Tổ tôm điếm, tam cúc điếm, thả đèn trờ, thả diều, làm con giống… cũng đều ít nhiều liên quan đến nghề tạc tượng. |
Nhung Đinh