Ninjutsu - nghệ thuật của các ninja
Không ai biết Ninja đầu tiên xuất hiện khi nào. Các nguồn tài liệu lịch sử còn lại đều cho rằng các kỹ năng điêu luyện của Ninja hay còn gọi là nghệ thuật Ninjutsu ra đời và phát triển vào khoảng những năm 600 - 900. Ninjutsu thường được dùng để nói đến những phương pháp và kỹ thuật đặc biệt để khống chế đối phương một cách nhẹ nhàng. Không chỉ là một môn phái võ thuật, Ninja còn là một nghệ thuật lâu đời của đất nước mặt trời mọc. Theo các lịch sử gia, Ninjutsu có nguồn gốc từ vùng Honshu.
Nơi đây hết sức gồ ghề, bị chia cắt bởi núi đồi và rất hẻo lánh. Chính địa thế hiểm trở đã tạo cho cư dân trên đảo sự nhạy bén, óc quan sát thiên nhiên tuyệt vời. Nhờ vậy, có những người còn như cảm nhận thấy được cả hơi thở của từng chiếc lá và sống hòa mình với tự nhiên. Có lẽ sau này, nó đã trở thành triết lý riêng của nghệ thuật Ninjutsu.
Ninja thường xuất hiện trong trang phục kín mít
Ninja không phải luôn thiện chiến, thế nhưng họ thường bị quấy nhiễu bởi xã hội cầm quyền đương thời của Nhật. Họ thường xuyên phải chịu những khoản thuế bất công và sự đàn áp tôn giáo. Vì thế, họ phải học cách hành động hữu hiệu để tự vệ. Họ sử dụng những hiểu biết hơn người của mình về hoạt động của thiên nhiên cũng như những kỹ thuật quân sự đặc biệt được tích lũy qua nhiều năm như là vũ khí chống lại lượng quân hùng hậu của chính phủ. Họ dùng mưu mẹo, cố tạo niềm tin không có cơ sở, và vận dụng bất kỳ chiến lược quân sự nào có thể giúp họ tự bảo vệ mình.
Khi cần thiết, họ có thể dùng đến cả những thủ đoạn lôi kéo về chính trị để bảo vệ hòa bình. Các chiến binh Ninja cứ âm thầm luyện tập và phục vụ cho Thiên hoàng và chịu sự đàn áp của các Samurai cho đến thế kỷ XII, những nhà sư ở núi Yamaloushi sử dụng kỹ thuật của môn phái này chống lại ách thống trị tàn bạo của Thiên hoàng trong nhiều trận chiến, khi đó, Ninjutsu mới được người đời vinh danh. Cuối đời vua Heian (khoảng năm 1185), nhiều võ đường đã được thành lập để truyền dạy Ninjutsu rộng rãi trong nhân dân. Trong đó, nổi bật nhất là võ đường của Yoshitsune, một Ninja có tiếng một thời.
Theo học Ninjutsu, các học viên phải trải qua quá trình tập luyện gian khổ rất dài. Tuy nhiên, ý chí và tinh thần võ sĩ không cho phép họ bỏ dở và quay lưng lại với ninjutsu. Các Ninja phải tự ép mình vào một thứ kỷ luật sắt. Giữ bí mật là điều kiện tiên quyết đối với các Ninja. Họ phải giữ kín chiến thuật của phe mình và tìm cách dò xét xem những chiến thuật đó đã bị kẻ địch biết chưa. Số mạng của kẻ phản bội được giải quyết một cách nhanh chóng và chắc chắn. Kẻ đó sẽ bị săn đuổi như một con thú và bị tiêu diệt để thủ tiêu.
Đến thời Kamakura, vào năm 1192, Ninjutsu bắt đầu phát triển mạnh và bành trướng rộng rãi. Có đến 25 võ đường được thành lập để truyền dạy Ninjutsu. Một trong những thủ lĩnh Ninja nổi tiếng của thế kỷ XVI là Sandayu Monochi từng chỉ huy một ngàn Ninja chống lại gần năm vạn quân của tướng Oda Nobunaga.
Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XX, người ta không còn quan tâm đến các ninja nữa, chỉ còn số ít người theo đuổi nghiệp này nhằm giữ lại truyền thống lâu đời của Ninjutsu, không để chết theo thời gian. Sách vở và tài liệu viết về Ninjutsu được cất giữ rất kỹ lưỡng và được xem là những thứ gia bảo truyền từ đời cha sang đời con.
Hiện nay, một số sách do vài gia đình cất giữ, một số khác được đưa vào trưng bày tại bảo tàng hay do những học giả nghiên cứu lịch sử lưu giữ. Những tài liệu này cùng những dụng cụ khi xưa các Ninja dùng thỉnh thoảng được trưng bày cho công chúng xem tại viện bảo tàng Ninja ở Meno.
Ninjutsu trở thành trào lưu, đặc biệt ở trẻ nhỏ
Trở thành huyền thoại vì bí ẩn
Có một thời gian, danh tiếng của ninja bị hạ thấp bởi những hành động đi ngược lại quy tắc của Ninjutsu. Trong bất kỳ xã hội nào cũng có những kẻ sống ngoài vòng pháp luật và thời đại của các Ninja cũng không ngoại lệ. Những tên ninja sinh sống ở vùng Koga và Iga trong suốt thời gian cao trào của Ninja đã sử dụng danh tiếng của Ninja làm lợi cho bản thân.
Chúng nhận làm gián điệp hoặc ám sát một cách công khai, trở thành những Ninja tội lỗi và bị người đời đánh giá rất thấp. Một thời gian ngắn, trước thời Tokugawa, bị tai tiếng xấu, nghệ thuật Ninja chỉ sống lặng lẽ trong trái tim của một số người. Nhưng thực tế, ngoài nhóm người này ra, các Ninja đã làm rất nhiều điều để kết nối các gia đình với cộng đồng nước Nhật.
Dần dần, Ninjutsu trở thành một nền văn hóa độc lập trong xã hội, đi ngược lại với toàn bộ văn hóa Nhật Bản và xã hội do các Samurai cai trị.
Từ lâu, ninja vẫn cố gắng xây dựng những giá trị sống như của Samurai nhưng phát triển theo hướng văn hóa khác, phục vụ đất nước vì một mục đích khác. Bởi vậy, những nhà văn tôn sùng tinh thần võ sĩ đạo thường dựng nên hình ảnh những Ninja như những tên tội phạm, những đội quân đánh thuê không có suy nghĩ. Vì Ninja chịu ảnh hưởng một tinh thần võ khác nên họ thường bị coi khinh là những người hoang dã. Đặc biệt vào thời bấy giờ, người ta thường sợ những gì người ta không biết rõ nên bất cứ thứ gì thuộc về bí ẩn, siêu nhiên đều được thêu dệt và Ninja cũng được đưa thành huyền thoại. Lúc đó, có rất nhiều chuyện truyền kỳ nói về các hiệp sĩ Ninja.
Họ được dân gian xem là có sức mạnh và khả năng siêu nhiên. Người ta kể lại rằng, họ có thể bay, đi trên mặt nước, sống dưới nước như cá, biến mất trong một ngọn khói, độn thổ, đi xuyên qua tường và có thể hóa thành rắn, ếch, chim chóc và côn trùng. Nhiều người còn cho rằng các ninja có thể chết một lúc rồi lại sống dậy. Dù đó chỉ là những chuyện truyền kỳ trong dân gian, nhưng tất cả đều có cơ sở của nó.
Thực sự, Ninja không hề bí ẩn như người ta thường nghĩ. Những khả năng phi thường của Ninja đều nhờ đến sự hỗ trợ của các phương tiện do họ tự chế. Họ có thể ở dưới nước như cá nhờ một loại ống thở nhô lên mặt nước. Việc đi trên mặt nước cũng không phải là bí mật bởi các Ninja dùng một loại giày da bơm đầy khí. Hay như việc "bay" của họ cũng có nhiều cách giải thích.
Các Ninja thường rất mạnh khỏe và tập chạy, nhảy, leo trèo rất kiên trì. Họ có thể nhảy rất cao và rất xa. Các Ninja lại còn có thể dùng một loại dù để nhảy từ trên cao xuống, do đó, người ta tưởng họ biết bay. Những hành động nhẹ nhàng, những kỹ năng ám sát, khả năng xuất quỷ nhập thần đều nhờ tập luyện và một chút mưu mẹo. Ninja học Ninjutsu chỉ nhằm mục đích tự vệ cả về thể xác và tinh thần trước những nguy hiểm phải đối mặt trên chiến trường hướng đến sự khai sáng.
Ninjutsu - trào lưu trong giới trẻ Môn võ này hiện nay cũng gần như chết hẳn, nhưng không ngờ lại gây nên một trào lưu ưa chuộng đặc biệt. Cách đây hai mươi mấy năm, một hãng phim Nhật tình cờ sản xuất một cuốn phim thuộc loại ít tốn tiền, kể lại những hành động xuất quỷ nhập thần của các Ninja thời xưa. Kết quả thật bất ngờ, ngay đến nhà sản xuất cũng không ngờ tay họ đã chạm vào núi vàng. Rồi một phong trào ưa chuộng Ninjitsu cũng nổ ra. Sách vở, phim ảnh, vô tuyến truyền hình, triển lãm dồn dập xuất hiện. Và những hiệp sĩ bí mật xưa kia hoạt động âm thầm trong bóng tối, nay được báo chí hết lời ca tụng và nhắc đến. Cơn sốt Ninja lan tràn cho đến tận châu Úc, trẻ em nơi đây thường chơi trò ninja với những chiếc gậy dài và những cây kiếm Samurai bằng gỗ hay bằng nhựa. Ở Sydney, những tiệm bán đồ chơi phải toát mồ hôi hột vì bán đồ chơi quần áo và mặt nạ Ninja. Sau khi loạt chương trình ninja trên vô tuyến truyền hình kết thúc, khán giả vẫn chưa thỏa mãn. Do sự đòi hỏi của họ quá lớn nên vô tuyến truyền hình đã cho chiếu lại chương trình ấy vào ngày chủ nhật để trẻ em cũng như người lớn đều có thể xem được. |
A.M (Theo Facts and Details/ Black belt)