Nghệ thuật ứng xử khi con bị bạn đánh

Thứ 6, 28/12/2012 00:05

Nhiều bậc phụ huynh đã từng rất bất bình và xót xa khi đứa con mà mình rất mực yêu thương hàng ngày bị bạn cùng lớp đánh không thương tiếc.

Nhìn con mình thâm tím mặt mày nhiều ông bố bà mẹ khuyên con: bạn đánh mình thì cứ việc "táng" lại cho chúng sợ, để lần sau không dám động đến mình. Cũng có ý kiến cho rằng không nên bởi bạo lực chỉ sinh bạo lực. Và câu chuyện ứng xử sao khi con bị đánh bỗng dưng thành chuyện... đau đầu với các bậc phụ huynh.

Trẻ luôn cần sự tư vấn về ứng xử của phụ huynh nếu bị bạn đánh

Nên trả đũa ?

Cháu Dương Thành Nam rất hiếu động và tinh nghịch. Ngày nào cháu cũng chạy khắp nơi và vứt tung đồ chơi ra khắp nhà mặc cho bố mẹ chạy theo nhặt đồ chơi vào rổ. Thế nhưng, khoảng một tháng nay chị Nguyễn Thư Giang, mẹ cháu Nam ở Thanh Xuân, Hà Nội vô cùng ngạc nhiên vì thấy cậu con trai duy nhất chỉ ngồi thui thủi một mình khi đi học về. Gặng hỏi mãi, cậu chỉ quay mặt vào tường phụng phịu mà không nói.

Nghĩ đó là chuyện bình thường, nên chị Giang quên mất. Bẵng cho đến một hôm, đợi con ở cổng trường chị mới được một mẹ khác có con học cùng lớp với Thành Nam cho biết Nam và một số bạn khác bị một nhóm lớp trên bắt nạt.

Lúc này cháu Nam mới lí nhí cho biết: "Mấy bạn to khỏe ở cùng lớp thường cốc vào đầu và bắt con nộp 20 nghìn mỗi ngày, nếu không nộp sẽ bị đánh và không cho Nam chơi với bạn Hồng, một bạn gái mà Nam rất quý. Các bạn ấy cũng nói, nếu cho bố mẹ hay cô giáo biết sẽ bị đánh đau hơn”. Nghe thấy thế, bố Nam tức điên bảo: "Lần sau đứa nào mà động vào người, con cứ lấy thước vụt cho một trận".

Đi làm về, chị Đào Thu Hương ở Từ Liêm, Hà Nội thấy ở sân có la liệt những món đồ chơi bị đập vỡ tan, còn cháu Minh Đức, con chị đang đấm đá vào đứa bạn hàng xóm. Chị phát hoảng kéo con ra và mắng cháu. "Con không sai, bố bảo bạn Tuấn Anh đập đồ chơi của con, đánh con thì con phải đập đồ chơi và đánh lại bạn ấy", nghe đứa con lớn tiếng cãi lại mà chị Hương phát hoảng.

Nhìn con bị bạn bè trong xóm miệt thị và đánh khi chơi cùng, chị Liên ở Hà Đông, Hà Nội cũng rất xót xa. Thằng Tùng con chị cũng to cao khỏe mạnh không kém đứa nào trong xóm nhưng cứ chơi cùng là tụi trẻ xua đi, con chị cứ vào chơi cùng thì bị bọn trẻ con nhà khác đánh tới tấp. Có những khi chỉ đi chơi một mình con chị cũng bị đám trẻ "ngứa tay ngứa chân" tạt tai vài cái. Con bị đánh ai mà không xót.

Chị Liên rất khổ tâm nói: “Không lẽ chuyện của trẻ con mà người lớn cũng can thiệp. Đánh con nhà người ta vài cái thì hả cơn giận lúc đó nhưng làm sao theo chân nối gót mà bảo vệ con mình suốt cả ngày được. Hơn thế nữa, đánh con họ thì bố mẹ chúng cũng xì xào không hay”.

Không khuyến khích sự hơn thua

Cần tạo ra không khí yêu thương nhau giữa các con trẻ

"Mọi người thích phân biệt ai phải ai trái trong một cuộc đánh nhau, thực ra đó là hành động hết sức sai lầm. Cha mẹ, thầy cô chỉ cần nói cho các cháu biết, đánh nhau là hành động không được chấp nhận và yêu cầu cả hai không được tiếp tục nữa. Mọi người phải biết tạo ra không khí hòa hoãn, thoải mái, yêu thương nhau giữa các trẻ. Không nên bênh con mình. Cần phân tích cho trẻ thấy tác động sau cuộc ẩu đả như: Làm tổn hại đến bạn ra sao, ảnh hưởng đến bạn như thế nào, và hỏi trẻ nếu mình bị rơi vào trường hợp như trên thì sẽ nghĩ ra sao. Nếu ngăn chặn được điều này thì sau này sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực học đường. Kinh nghiệm xử lý trong những trường hợp này là cần có cuộc gặp gỡ giữa hai học sinh đánh nhau và phụ huynh của hai cháu để từ đó tìm ra hướng giải quyết. Nếu chỉ giải quyết từ một phía, (bố mẹ đi đánh trẻ đánh con mình, hoặc xui con mình đánh lại bạn) thì sẽ khó đi đến cách giải quyết ổn thỏa"

(Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm)

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), có khá nhiều trẻ thích đánh bạn chỉ vì những nguyên nhân hết sức đơn giản. Và có khi những việc làm đó đã bị các thầy cô giáo khiển trách nhưng đến một thời gian, ở địa điểm khác chúng lại đánh bạn. Và hiện nay cũng có khá nhiều ông bố bà mẹ khuyên con đánh lại bạn khi bị bạn chèn ép và đánh đập.

"Hành động này chỉ đúng được một nửa. Trước một hành động không tốt thì cần khuyến khích trẻ dám đương đầu với mọi việc. Trẻ cần dũng cảm đương đầu thì lũ trẻ khác mới không dám bắt nạt. Dĩ nhiên, đương đầu ở đây không đồng nghĩa với bạo lực. Nếu anh cứ nhìn bạn rồi trốn chui trốn lủi thì sẽ chỉ làm trò cười cho đứa khác và lần sau chúng lại tiếp tục tìm đến anh để đánh. Nhưng nếu cha mẹ khuyên con đánh nhau thì sẽõ tạo cho bạo lực nối tiếp bạo lực", ông Lâm chia sẻ.

Là một ông bố lại là một bác sỹ, một chuyên gia tư vấn tâm lý, nên bác sỹ Phạm Vũ Thiên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm sự bạn trẻ khá hiểu sự khó xử của các bậc phụ huynh khi thấy con mình bị bạn đánh. ông cũng cho rằng, việc khuyến khích con đánh lại bạn là việc làm có những tiêu cực nhất định. Bởi điều đó sẽ đẩy cao sự hơn thua của trẻ.

"Bố mẹ không nhìn nhận khách quan mà lại khuyến khích nó thì sẽ đẩy sự việc đến một mức độ khác, cao hơn. Vấn đề tuy bé nhỏ thôi nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành vấn đề lớn hơn. Như câu nói: "Trẻ trộm gà, già trộm trâu" ấy, ngày bé mà khuyến khích trẻ sự hơn thua thì lớn lên sẽ có mầm mống của bạo lực. Khi lớn, cần dành sức khỏe đó để đi làm những việc lớn như bảo vệ Tổ quốc, biên cương thay vì nhằm vào chính người Việt Nam mà đánh nhau", ông Thiên nói.

Thành Huế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.