Tôi quá bất ngờ về những chuyện con người ta đã hành xử với nhau. Họ ca ngợi nhau lên mây xanh để rồi dìm nhau xuống tận bùn. Họ yêu nhau đến nỗi, ngồi cả đêm uống với nhau một chén rượu, đọc một bài thơ, nghe một câu hát... sau một chuyên án nhiều trăn trở.
Thế rồi, khi cơ sự diễn ra, họ lại nói, đó là quả báo. Tại cái miệng sao? Tôi gặp người nhà của những tên tội phạm "máu mặt", gặp chính những tử tù ở phòng biệt giam để hỏi về người đó. Tôi cảm nhận được sự nể phục của tội phạm đối với người đã chấp nhận mất tất cả vì tình thân.
Chuyện tử tù...
Tôi không cổ suý cho chuyện vi phạm nhưng tôi hiểu cái sự thật khó khăn, đau đớn khi đứng giữa cái tình của người thân và cái lý của sự nghiệp. Với người bình thường thôi, người ta vẫn nói: "Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình", còn với tình thân, máu mủ ruột rà thì cái lý bị nhường chỗ cho cái tình là điều đương nhiên. Nếu cái lý mà thắng tình thân, máu mủ thì sự nghiệp rực rỡ bao nhiêu cũng... vậy thôi.
Tử tù Nguyễn Văn Phú.
Lần đầu tiên tôi gặp tử tù Lê Xuân Trường (ở trại tạm giam Công an TP. Hải Phòng), cách đây bốn năm. Ngày đó, Trường là tử tù ít tuổi nhất trong các tử tù đất Cảng, luôn cười, để lộ ra hàm răng trắng muốt. Nước da trắng mái, Trường kể về thời "dọc ngang" của mình với nhiều "chiến tích" và sự "tự hào", vì: "Em có tới hai vợ. Đang trốn nã cũng có người con gái muốn khăn gói theo em, dù biết em đã có vợ, con...".
Trường quê ở huyện Thuỷ Nguyên nhưng ngay từ lúc mới lớn, khu vực chợ Sắt, bến tàu, nhà ga, nơi đông người là nhà của Trường. Mới hơn 20 tuổi nhưng Trường đã có băng nhóm đàn em lên tới hơn 20 người, trong đó có những kẻ đã từng vào tù, ra tội, lưu manh chuyên nghiệp, cờ bạc có tiếng, tuổi đời thì có thể sinh ra được Trường. Trường kể, để "điều trị" được đám đàn em đó, Trường chỉ cười và hành động. Đòn mà Trường thực hiện thường rất tàn khốc, lạnh lùng... Thế nên, bọn đàn em mới khiếp, mới răm rắp làm theo.
Bị bắt, Trường chỉ cười, không khai, cũng chẳng chống đối, chẳng nhận, không nói. Thế rồi, người hùng của H88 phải trực tiếp lấy khẩu cung của Trường. Trường kể: "Chẳng hiểu sao, buổi lấy khẩu cung hôm đó, em có linh cảm khác lạ. Gặp vị cán bộ ấy, em như bị "tắt điện".
Vị ấy nói chuyện rất "dễ chịu", không hỏi gì về tội trạng của em mà em cứ muốn tâm sự. Vị cán bộ ấy bảo, nhìn em thế này, các cô gái mới lớn thích là phải. Mà rất đúng chị nhé, em yêu rất mãnh liệt, tìm mọi cách che chở cho người con gái mình yêu". Tôi hỏi: "Thế sao không đem vợ chính thức đi mà lại yêu cô khác ở dọc đường phạm tội?". Trường cười mà rằng: "Cô ấy là do bố mẹ em thích. Em cũng chẳng chê cô ấy. Nhưng, em không muốn cô ấy biết em đang làm gì? Hàng tháng, em có đảo qua nhà, gửi tiền về cho cô ấy. Cô ấy ở cùng với bố mẹ em. Lúc em chạy trốn, cô ấy mang bầu, không thể mang cô ấy theo được".
Quay lại chuyện vị cán bộ hỏi cung, Trường kể: "Em cứ khai nhận tuồn tuột, nói xong, ký biên bản xong mới thấy mình bị làm sao ấy. Vị cán bộ cười, để biên bản em đã ký trước mặt, nói rằng, thấy chưa thoải mái thì có quyền viết lại, khai lại... Vị cán bộ ấy nói chuyện để em cười, hỏi chuyện tình yêu. Trước khi ra về, vị cán bộ ấy bảo, vợ em sắp sinh rồi, là con trai. Tinh thần của cô ấy rất vững vàng, không oán trách em. Em trào nước mắt, lâu lắm rồi, em mới khóc. Vị ấy còn bảo, có nhắn, viết gì gửi cho cha mẹ, vợ con không? Em nhờ vị cán bộ ấy là, dặn vợ đặt tên con là Lê Xuân Ánh Sáng. Đặt tên đó với ngụ ý, đời con em sẽ cứ theo ánh sáng mà đi, mà sống, đừng sống trong bóng tối như em".
Tử tù Lê Xuân Trường.
... và nhân tình, thế thái
Khi người hùng của H88 bị bắt, người ta bắt đầu lật tung những đống hồ sơ công việc của ông ta lên. Có người còn nói, ông ta dung túng cho toàn giang hồ cộm cán, có công triệt phá băng nhóm này, tên kia nhưng cũng "có thành tích" "xây dựng" băng nhóm mới. Thôi thì đủ thứ dư luận, chẳng còn thiếu thứ gì mà người ta không gán cho ông ta. Tôi thì cho rằng, ra khỏi vòng lao lý, người này sẽ có những tập thơ để đời.
Phải mất khá nhiều công, cần nhiều sự trợ giúp, tôi mới tìm gặp được vợ một giang hồ xưa của Hải Phòng. Khi người hùng của H88 bị bắt, thấy bảo, bà là người được dư luận "săn đón" nhiều nhất. Tôi may mắn gặp được bà ấy qua một vài người bạn là con trai của bà. Bà nói rằng: "Chuyện trò chơi thôi, chứ ai có phận của người đó. Đau hay buồn, sướng hay khổ, tội lỗi hay tha thứ... đều do cách hành xử của con người với nhau mà thôi. Họ tìm tôi, mong tôi kể về ông ta”.
Chuyện đã qua, tôi chẳng bao giờ nhắc lại. Chỉ có điều, gặp được ông ta là cơ duyên cho gia đình tôi. Bọn trẻ đã lớn, chúng hiểu biết và tôn trọng cái cốt cách của ông ta". Trong câu chuyện, bà nhắc nhở tôi rằng, đạo làm người là phải biết yêu thương, giận hờn, thù hận và cả... tha thứ; rằng, thấy người ngã thì nâng mà không nâng thì kệ họ, đừng dùng chân gí thêm vào người họ".
Trong lần lang thang này, tôi gặp được người thân một giang hồ hết thời, ông đã ngoài 70 tuổi. Trải qua biết bao nhiêu "sự cố" trong đời cùng con trai, ông bảo: "Cũng có người tìm đến tôi hỏi rằng, lúc làm chuyên án con trai tôi, ông ta có đòi gì gia đình không? Có hạch sách gì không? Tôi hiểu nhưng làm bộ không hiểu gì hết. Tôi biết tin nên cứ cười cái thói đời đen bạc". Người bố này nói với tôi rằng, họ chỉ hỏi chuyện ông ta có vòi vĩnh gì khi làm án không? Rồi thì, thái độ với gia đình, vợ con tội phạm thế nào?
Hỏi đến mức người cha này phát chán lên và người hỏi cũng chán luôn. Theo lời kể của người cha này, thì họ còn bảo với ông rằng, ông ta ác lắm, khi bắt được tội phạm là ngầm hướng cho nhân viên "xử lý" (tức đánh phủ đầu để đau mà phải nhận, phải khai cho chuyên án nhanh khép lại - PV). "Tôi bảo rằng, hư thì phải đánh". Họ chép miệng: "Định giúp ông rửa hận, thế mà không hợp tác, sau này đừng khóc...", người cha của một giang hồ cộm cán tâm sự.
Tử tù Nguyễn Văn Phú (ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), khi vào buồng biệt giam mới hơn 20 tuổi. Phú chưa có người yêu, chỉ còn mẹ già và chị gái. Phú túng tiền, đánh chết bạn gái hàng xóm để lấy tài sản. Mẹ Phú ở lại làng, sống rất cơ cực vì mang tiếng con trai giết người. Bà đã từng suy sụp đến mức tưởng "ra đi" trước con. Thế rồi, trong một lần vào thăm con trai, bà kể rằng: "Mọi thứ đã yên ắng. Hàng xóm, láng giềng đã cảm thông và mong muốn con được tha tội chết để có cơ hội làm lại cuộc đời. Có ai đó là cán bộ thành phố tác động để bà con không hiểu nhầm, có cái nhìn thân thiện với mẹ hơn...".
Còn lại cái tình Gặp lại tử tù Lê Xuân Trường sau gần bốn năm, trong câu chuyện, tôi nói, vị cán bộ đã cảm hóa được em đó vì tình thân, máu mủ đã phạm tội, có nhớ không? Trường khá ngạc nhiên, bần thần và nói rằng: "Có thêm mấy tử tù như em, đều do vị ấy "gom", sao lại thế được". Cái thằng "nhãi nhép" tên Vượng "tộ tích" ấy, ngày xưa, em đang "nổi", nó ở đâu ấy, "sủi mấy lần tăm". Nó cũng vào đây rồi (trại tạm giam - PV). Hôm trước, em thấy nó hét lên, chắc là vậy. Nó sung sướng hay giận dữ... em không hiểu. Bị bắt, bị trừng phạt nhưng em vẫn nể vị ấy. Ông ta có cái uy nhưng cũng rất đời. Tôi nói: "Em không hận ông ta à? Vì ông ta mà em bị bắt, giờ ông ta như vậy, em thấy thích không?". Trường cười mà rằng: "Em không biết chuyện gì liên quan đến vị ấy nhưng qua tiếp xúc, em nể, phục vị ấy. Có tội thì phải chịu, em cũng đang vậy mà. Em thấy xúc động, vì vị ấy rất ân cần, tình cảm. Trong những lúc gay cấn nhất, vị ấy chu đáo lắm, còn chỉ đạo người ngầm bảo vệ vợ em, tránh chuyện bị trả thù...". |
Vũ Hoàng