“Teo tóp” vì thiếu lao động
Trong câu chuyện với Người Đưa Tin, ông Lưu Đình Dũng, ở số nhà 105 phố Nguyễn Hữu Cầu, phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng- Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Ngọc Hải, nhiều lần nói về điều nhức nhối nhất trong nghề cá ở địa phương, đặc biệt đối với vươn khơi, là tình trạng thiếu lao động.
Theo lời kể của ông Dũng, từ năm 2007, khi khu công nghiệp Đồ Sơn được thành lập, lớp trẻ ở Đồ Sơn đua nhau bỏ nghề đi biển để tới làm tại các nhà máy, xí nghiệp. “Khoảng 5 năm nay, nghề vươn khơi ở Đồ Sơn hầu như không có thêm lao động mới người địa phương trong khi lượng lao động hiện có liên tục giảm do tuổi tác. Để có đủ lao động ra khơi, cùng với vận động các lao động lớn tuổi kéo dài độ tuổi “nghỉ hưu”, trong thời gian tàu nằm bờ, chủ các tàu phải liên tục đến các tỉnh khác, nhất là Nghệ An, Thanh Hóa, tìm lao động”, ông Dũng than thở.
Hiện toàn quận Đồ Sơn chỉ còn khoảng 50 lao động người địa phương làm việc tại các tàu lớn vươn khơi. Trong đó, chủ yếu ở độ tuổi 50-55 (chiếm hơn 60%). Lao động trẻ nhất cũng đã gần 40 tuổi (sinh năm 1982). Còn ông Hoàng Đình Dũng, ở phường Hải Sơn, vẫn miệt mài đi biển dù sắp đến tuổi “thất thập cổ lai hi” (ông Dũng sinh năm 1955).
Thiếu lao động khiến nghề đi biển ở Đồ Sơn ngày càng “teo tóp”. Hơn 10 năm trước, toàn quận Đồ Sơn có gần 200 tàu, thuyền các loại, trong đó có 22 tàu vươn khơi. Đến nay, còn chưa tới 100 chiếc. Trong số 5 tàu vươn khơi còn lại, tàu của anh Lưu Đình Thành, ở phường Hải Sơn, nằm bờ dài ngày.
Trước kia, câu chuyện người đi biển ở Đồ Sơn thường hay nhắc tới khi gặp nhau là chủ tàu này, tàu nọ đóng mới, nâng cấp tàu. Còn nay, họ thông báo cho nhau tàu này đã bán, tàu kia đang rao bán hoặc sắp phải rao bán. Trong đó, từ đầu năm đến nay, có tới 3 chủ tàu vươn khơi ở Đồ Sơn bán tàu “rửa tay gác kiếm”. Trường hợp mới nhất phải bán tàu do thiếu lao động là anh Lưu Đình Mạnh, ở phường Hải Sơn.
Chẳng lẽ “bó tay”?
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lưu Đình Dũng- Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, cho biết, đi biển là nghề truyền thống có tính chất cha truyền con nối ở địa phương. Trước đây, lao động biển dồi dào vì lớp trẻ ít có sự lựa chọn. Nay, họ có nhiều lựa chọn, nhất là đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc làm du lịch- ngành kinh tế mũi nhọn của Đồ Sơn. Vì thế, lớp trẻ không mấy thiết tha với nghề đi biển vốn rất cực khổ, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trước thực trạng này, cùng với vận động, tuyên truyền lao động địa phương quay lại với nghề đi biển, hằng năm chính quyền phường Hải Sơn- địa phương chiếm hơn 90% tổng số tàu, thuyền hiện có của quận Đồ Sơn, phối hợp các cơ quan chức năng của Tp.Hải Phòng, quận Đồ Sơn mở các lớp đào tạo chức danh, như: thuyền trưởng, máy trưởng… Tuy nhiên, không mấy khả quan bởi lực lượng lao động ở địa phương vẫn tiếp tục “quay lưng” với nghề đi biển. Ông Lưu Đình Dũng- Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, thừa nhận địa phương “bó tay” trước thực trạng thiếu lao động biển.
Tuy nhiên, các chủ tàu vươn khơi ở Đồ Sơn cho rằng, sự việc không đến mức quá bi quan. Theo họ, nguyên nhân mấu chốt là thu nhập từ nghề đi biển không thực sự cao như nhiều người nghĩ. Đối với nghề vươn khơi, chính vụ từ tháng 8 âm lịch đến tháng 4 năm sau, mỗi tháng trung bình 12-15 triệu đồng/người. Thời gian còn lại, chỉ chừng 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Để kéo lao động trở lại với nghề đi biển, chính quyền Tp.Hải Phòng, Trung ương cần có kế hoạch dài hơi, như quy hoạch vùng đánh bắt, hỗ trợ ngư dân công nghệ, phương tiện đánh bắt hiện đại để khai thác hiệu quả kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, bảo đảm nguồn đầu ra để nâng cao và giữ thu thập ổn định cho lao động biển.
Ông Lưu Đình Dũng- Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Ngọc Hải, cho biết, khoảng 5-10 năm nữa, hơn 60% lao động địa phương đang làm việc tại các tàu vươn khơi ở quận Đồ Sơn, trong đó có tàu của gia đình ông, nghỉ việc do tuổi cao, sức yếu. Nếu không có nguồn lao động trẻ bổ sung thay thế, nghề vươn khơi ở Đồ Sơn sẽ sớm bị xóa sổ.