Nghề xe ôm đưa khách lên đỉnh núi

Nghề xe ôm đưa khách lên đỉnh núi

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Tại chân núi Cấm thuộc địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có một đội ngũ xe ôm đông đảo túc trực sẵn sàng đưa du khách lên núi.

Qua mặt "tử thần"

Trên núi Cấm, người dân sống tập trung trong ấp Vồ Bà trải dài khắp núi. Để phục vụ sinh hoạt, người dân đã xây dựng một con đường để lên xuống núi. Hàng ngày, những người đàn ông khỏe mạnh, vững tay lái vận chuyển đồ đạc lên núi. Đây có thể coi là một trong những con đường hiểm trở nhất Việt Nam.

Nhìn những dốc núi dựng đứng, những du khách yếu bóng vía đã toát hết mồ hôi chưa nói cả cung đường với nhiều ổ gà, xung quanh toàn là những tảng đá lớn, nhỏ, rất nguy hiểm. Những chiếc xe gắn máy ì ạch lách bánh chen qua những tảng đá trên con đường với bề rộng chỉ đủ cho một chiếc xe lưu thông. Nếu hai chiếc đi ngược chiều gặp nhau, một chiếc phải dừng lại nhường đường cho xe kia đi.

Lên dốc đã là một khó khăn nhưng khi xuống dốc lại là một thử thách. Chỉ cần nghe tiếng phanh xe kêu két két và tiếng chân của người lái xe chà xát xuống mặt đường, bất cứ ai cũng phải rùng mình sợ hãi.

Xã hội - Nghề xe ôm đưa khách lên đỉnh núi

Đường lên núi Cấm

Ông Hồ Văn Tam, đã ngoài 50 tuổi, có thâm niên leo núi Cấm bằng xe máy gần 10 năm nay. Ông Tam kể, trước kia ông theo đoàn cải lương đi biểu diễn khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bỏ mặc vợ con ở nhà một mình. Sau một thời gian ngao du chán chường, ông trở về quê hương. Lúc này ruộng vườn không có, cuộc sống vợ con ông chỉ trông chờ vào công việc làm thuê làm mướn.

Chính cuộc sống khó khăn đã đưa đẩy ông đến với nghề chạy xe ôm. Chưa quen lao động vất vả, lại phải cạnh tranh với những người hành nghề lâu năm vốn đã quen địa bàn là một điều khó khăn đối với ông.

Qua người quen, ông được giới thiệu vào hiệp hội xe ôm ở núi Cấm để mưu sinh. Thấm thoát đã gần 10 năm hành nghề, ông tâm sự: "Trước kia việc chạy xe ôm ở đây cũng không mấy vất vả, chỉ cần chở khách theo con đường nhựa lên núi. Nhưng từ khi xảy ra vụ lở đá, các phương tiện không được lưu thông trên đường đó nữa, du khách cũng giảm nhiều. Chúng tôi phải đưa khách đi theo đường núi rất hiểm trở và vất vả. Ngày nào may mắn thì có được một hai người khách, còn xui thì coi như trắng tay ngày đó.

Ông Tam còn cho biết thêm, làm nghề này ngoài tay lái vững còn phải có đức tính cẩn thận và tâm lý ổn định. Những đoạn dốc khó vượt, người cầm lái phải biết trấn an hành khách, làm cho họ yên tâm, vững tin thì mới vượt dốc an toàn được.

Với kinh nghiệm 10 năm làm nghề, ông bảo, lái xe trên đường núi là một công việc nguy hiểm và vất vả. Người có tay lái cứng mà không quen địa hình đường xá trên núi thì cũng không thể chạy được. Ngoài ra còn cần thêm sự tinh tường, nhanh nhẹn và tỉnh táo khi điều khiển xe. Khi leo dốc phải biết lúc nào cần trả số, rà phanh, không phải cứ để số lớn rồi tăng ga là qua được.

Trong quá trình leo núi, những tay lái phải liên tục nhắc nhở hành khách bám chặt vào thanh cầm phía sau yên xe. Nếu không, khi đi qua những đoạn dằn xóc hoặc dốc cao khách sẽ bị tuột khỏi xe, rất nguy hiểm.

Sau vài lần thử cảm giác làm hàng khách, tôi có cảm giác như đang được ngồi trên một toa tàu lượn siêu tốc với những cú quăng vật không thương tiếc. Đó thực sự là một trải nghiệm thú vị cho những người thích cảm giác mạnh nhưng cũng vô cùng nguy hiểm nếu chẳng may xảy ra sự cố.

Xã hội - Nghề xe ôm đưa khách lên đỉnh núi (Hình 2).

Ông Tam đưa khách lên núi

Những "chiến mã sắt" gan lỳ

Không phải người nào cũng điều khiển được xe gắn máy lên núi và không phải chiếc xe nào cũng leo được lên núi mà không chỉnh sửa, "độ” lại một vài thiết bị. Anh Nguyễn Phương Tây, 25 tuổi vào nghiệp đoàn xe ôm núi Cấm được 2 năm cho chúng tôi biết: "Thường thì người ta chuộng xe gắn máy của Honda để leo núi vì độ bền cao, ít hư lặt vặt, ít phải trùng tu máy. Mỗi chiếc xe để leo núi cần phải thay bộ phận nhông xích cho phù hợp với kích thước phần đĩa lớn hơn để tăng thêm sức cho máy.

Với độ dốc cao như vậy, xe chạy chừng một năm phải thay nhông xích mới, còn riêng phanh xe thì cứ khoảng 2 tháng phải thay một lần vì mỗi lần xuống dốc bộ phận này phải hoạt động gần như hết công suất.

Anh Tây còn cho biết thêm, mỗi người chỉ quen điều khiển xe của mình, phải hiểu xe đến từng chi tiết nhỏ thì mới leo núi thành công. Nếu thay đổi xe khác thì khó mà làm chủ được tay lái.

Để "chiến đấu" với cung đường hiểm trở này, những chú chiến mã sắt cứ hai năm lại được đi làm lại máy một lần vì sau những chuyến leo núi trường kì theo thời gian, phần máy của xe gần như rệu rã. Ngoài ra những bộ phận khác như phuộc, giảm xóc, hay phần khung của xe đều được kiểm tra định kì để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi leo núi.

Nhiều năm lăn lộn với nghề, những vất vả của họ chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết được. Ông Tam chia sẻ: "Ngày nào được hai người khách là mừng lắm rồi, vậy nhưng sau hai chuyến lên xuống núi, về nhà cầm chén cơm ăn không nổi, hai tay run không kìm được. Mệt nhất là khi xuống núi, những đoạn dốc cao phải gồng tay để giữ vững lái, xuống tới núi là cả mình lẫn khách đều toát hết cả mồ hôi. Ngoài công việc đưa khách lên núi Cấm, ông Tam còn kiêm thêm cả hướng dẫn viên cho du khách.

Đến địa điểm nào ông cũng tranh thủ giới thiệu cho du khách những địa danh cũng như những di tích ở đó. Dù vất vả nhưng ông luôn vui vẻ với mọi người. Đôi lúc với những chuyến đi bất ngờ công khai khi đưa khách lên núi, lúc thì ăn tạm gói mì, lúc thì hộp cơm, rồi lại tiếp tục với công việc của mình.

"Năm học mới đến rồi, tôi phải cố gắng kiếm tiền mua cho đứa cháu nội bộ sách giáo khoa mới", ông nói và cười thật tươi trong khi tay vẫn mải đếm đi đếm lại những tờ giấy bạc cũ.

"Cuộc chiến" của hơn 1.000 xe ôm

Tại núi Cấm, An Giang có đến hơn 1.000 người hành nghề xe ôm, trong đó chỉ có khoảng hơn 500 người là tham gia vào nghiệp đoàn. Những người tham gia vào nghiệp đoàn được quyền chở khách lên núi và chở ngược lại, còn những người không tham gia chỉ được quyền chở khách từ trên núi xuống. Với những người lái xe ôm trong nghiệp đoàn, mỗi tua chở khách lên xuống núi họ phải mua vé của nghiệp đoàn với giá 2.000 đồng. Số tiền này được sung vào quỹ để giúp đỡ những anh em gặp khó khăn hoặc những chi tiêu khác trong nghiệp đoàn.

Nguyễn Việt


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.