Vừa quê lên, Thu Hà, đứa em gái họ tôi mặt nhăn nhúm như vừa mất sổ gạo. Hà kể lại, do không chú ý đến biển cấm (cấm xe máy, xe thô sơ) đi trên đường vành đai 3 nên Hà phi xe chạy thẳng lên cầu. Đi được một đoạn đường tự dưng thấy 4 người chạy ra dàn hàng ngang bắt dừng xe. Hai người lo lắng đang không biết có chuyện gì xảy ra thì một người đứng ra trước hỏi với giọng trịnh thượng: “Bọn mày thích mất tiền cho công an không? Hay để bọn chú chỉ đường giúp một tay?”. Lo không biết sẽ có chuyện gì xảy ra, Hà gật bừa. Bất ngờ, người xe ôm đó rút luôn chìa khóa xe máy của Hà và ngồi luôn lên xe quay lại đoạn biển cấm chừng độ 1 cây. “Mày nhìn thấy biển cấm chưa? Bây giờ cho các anh mấy đồng để uống nước?”, người này nói.
Biết là bị “xin đểu”, nhưng Hà khôn khéo nói dối là mới đi chơi ở ngoại thành về nên hết tiền và dúi luôn vào tay người xe ôm 30 nghìn đồng. Nhìn mấy chục nghìn trong tay, người này trừng mắt nạt lộ: “Chúng mày nghĩ mấy chục nghìn này mà cho từng kia người uống nước được à?”. Người xe ôm đưa giá luôn: “200 nghìn mà không có thì cứ để xe lại!”. Đến đây, Hà biết mình bị “xin đểu” nhưng không biết làm cách nào. Đành “lột” cả ví ra, được 195 nghìn đồng cô đưa tất cho gã xe ôm đó.
Tấm biển cấm là cần câu cơm của nhiều dân xe ôm.
Một số người khác bị cánh xe ôm “chém ngọt” tới mức không ngờ. Bà Nguyễn Thị Lan (Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) thuê xe ôm đi khám bệnh ở bệnh viện Y học cổ truyền. Bà Lan nghĩ đoạn đường 5 km nên bà không mặc cả. Khi đến nơi, bà mới giật mình với giá mà anh xe ôm này đưa ra: “Cháu chỉ xin 100 nghìn thôi!”.
Thắc mắc giá cao, bà được giải thích là do giá tăng. Bà Lan ngạc nhiên, thắc mắc sao quá đắt như vậy thì được anh này cho biết, giá xăng tăng, chi phí mọi thứ đều tăng nên giá xe ôm cũng phải tăng. Biết là gặp phải “Chí Phèo” nên bà trả luôn 100 nghìn đồng và đi vào viện mà trong lòng ấm ức.
Đào Hữu Liên (sinh viên năm nhất Đại học Công Đoàn) cũng bị “chém đẹp” không kém. Vì xe bus quá đông nên cô đành đi xe ôm. Đoạn đường từ Triều Khúc (Hà Đông, Hà Nội) đến trường cô khoảng 6km, anh xe ôm này thẳng thừng “chém” cô tới 70 nghìn đồng. Cô chỉ trả 40 nghìn thì anh này không nói không rằng, chạy thẳng vào trường cô lu loa chuyện cô không chịu trả tiền. Bị vu họa, cô đành để tiền ở yên xe cho yên chuyện.
Xe ôm là một nghề mang tính chất tự do và tạm thời, không cố định địa điểm nên họ thoải mái “lộng hành”. Anh Lê Hoàng Thái (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) bắt xe ôm từ bến xe Mỹ Đình cũng bị một “vố” nhớ đời. Về đúng giờ tan tầm, người xe ôm đề nghị anh Thái được đi đường tắt để nhanh tới nhà. Anh này rẽ luôn từ đường Phạm Hùng vào một ngõ hẹp và lượn vòng hai lần qua một sân bóng gần đó, rồi đi vào một con đường đất kéo dài, “cua” thêm 3 ngõ hẻm. Sau 30 phút “đánh võng” anh Thái về tới nhà mà bình thường anh chỉ đi mất nửa thời gian đó.
Xuống xe, anh xe ôm chỉ luôn vào đồng hồ xe nói: “Anh ơi, mấy chục cây cơ đấy, cho em xin 250 nghìn”. Anh Thái ngạc nhiên thì được anh này tiếp lời luôn: “Bác xem trời tối thế này, ai cũng vội về nhà còn ai muốn chở bác nữa! Xăng tăng từ đời nào rồi, công cán các thứ cũng được quyền tăng chứ bác? Bác lịch thiệp như thế này tiếc gì mấy chục với dân “đầu đường xó chợ” như thằng em”.
Anh này còn thêm vài câu dọa nạt: “Dân xe ôm bọn em đối tượng nào mà chẳng gặp qua rồi! Cái giá đó là bình thường thôi”. Sau lần ấy anh cạch đến già với dân xe ôm kiêm móc túi. “Mọi người cần cảnh giác, mặc cả giá trước khi đi. Nếu không sẽ bị xe ôm “móc túi” không thương tiếc. Nếu họ gợi í đi đường tắt thì mình phải nói trước chỉ trả số tiền như ban đầu đã mặc cả, nếu không sẽ bị bọn chúng tìm cách “cắt cổ”, anh Thái chia sẻ.
Bình Minh