Mấy ngày hôm nay, câu chuyện về những người có tuổi làm nghề xe ôm truyền thống đang mất dần kế mưu sinh vì sự phát triển mạnh mẽ của GrabBike và Uber – những loại hình xe ôm tính phí theo giờ nhận được khá nhiều sự quan tâm. Qua chia sẻ của cư dân mạng cũng như nhìn vào thực tế xe ôm truyền thống hiện nay, chúng ta không khỏi cảm thấy thương cảm, xót xa. Bởi phần lớn các tài xế hành nghề xe ôm truyền thống là những người nghèo và có tuổi, họ không kiếm được việc gì làm do sức khỏe yếu hoặc hoàn cảnh ngặt nghèo. Họ cũng không có đủ điều kiện để xin vào GrabBike hay Uber. Biết được câu chuyện của họ, nhiều người đã khẳng định sẽ “ủng hộ” những người lái xe truyền thống khi họ có nhu cầu đi lại như một cách san sẻ khó khăn.
Nhưng, liệu rằng, sự “san sẻ” có tồn tại được mãi?
Thời gian trước, khi người nông dân lâm vào tình cảnh khốn cùng khi nông sản rớt giá thảm hại, chúng ta đã chung tay giúp đỡ đồng bào bằng cách mua dưa, mua hoa, chuối,... ủng hộ. Song, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, không một nghề nào có thể sống bằng “tình thương” hay “sự thương hại”!
Bởi, dù đó là một người nhiều tuổi có hoàn cảnh đáng thương đi chạy xe ôm nhưng lại chặt chém, chất lượng phục vụ kém thì khách hàng khó mà “quay lại” lần hai. Ủng hộ như vậy chính là một kiểu từ thiện “chỉ cho con cá chứ không cho cần câu”.
Mấy ngày trước, clip một thanh niên chạy xe ôm của GrabBike bị nhóm “xe ôm truyền thống” đe dọa, chửi bới vì cho rằng thanh niên này đã giành khách của họ cũng gây xôn xao trên mạng. Trong trường hợp này, rõ ràng không ai tranh, cướp khách của ai cả, đó đơn giản là một quy luật tất yếu của cuộc sống. Thử hỏi, có ai lại không muốn chọn cái tốt hơn, chất lượng hơn mà lại có giá rẻ hơn? Thêm vào đó, những người làm ở GrabBike, họ cũng lao động và hơn hết, họ đã biết hòa mình vào dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Họ chịu chạy xe mức giá rẻ nhưng thường xuyên có việc hơn là cứ giữ khư khư cái giá cao ngất và bị động ngồi cả ngày ở một vài chỗ, chờ khách tới là “chém” một nhát chí mạng.
Đại bàng là một loài có thể sống tới 70 tuổi. Có điều, để có thể sống tới tuổi đó, vào tuổi 40, chúng buộc phải lựa chọn: Hoặc là chết trong sự già nua hoặc là thay đổi để có cơ thể mới mạnh khỏe hơn. Nếu thay đổi, nó sẽ phải trải qua cuộc lột xác trong 150 ngày đầy đau đớn: tự đập vỡ mỏ, tự bẻ móng vuốt, tự nhổ lông. Khi công cuộc ấy qua đi, nó sẽ tung mình trở lại bầu trời với tất cả uy quyền và sức mạnh vĩ đại của cơ thể mới. Nhóm “xe ôm truyền thống” cũng vậy. Họ phải lựa chọn, hoặc là than vãn hay tiêu cực hơn là dọa dẫm xe ôm công nghệ – và "chết", hoặc là tự “đập vỡ mỏ” của mình – và "sống".
Tại sao chợ truyền thống vẫn tồn tại mặc dù các siêu thị lớn nhỏ mọc lên như nấm sau mưa? Tại sao áo dài truyền thống vẫn có sức hút và tồn tại tới ngày nay và qua mặt hàng trăm kiểu quần áo thời thượng? Đó là bởi “truyền thống” sở hữu những ưu điểm mà “hiện đại” không thay thế, bù đắp được. Tương tự với xe ôm truyền thống, khách hàng nào chẳng thích gặp xe khi vừa bước xuống đường hơn là phải ngồi chờ, thậm chí là không bắt được xe trong giờ cao điểm. Nhưng để chiều lòng thượng đế, những người lái xe ôm truyền thống cần phải có thái độ thân thiện, không chèo kéo, không vẽ đường để thêm tiền, sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Giá của xe ôm truyền thống có thể cao hơn xe ôm công nghệ song không thể tùy tiện “chặt chém” được.
Đành rằng, thay đổi cũng có cái giá của nó nhưng, giữa thay đổi và chết, ta sẽ chọn cái nào, thưa các bác xe ôm truyền thống?
Lê Chinh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả