Lấp đầy những khiếm khuyết cơ thể bằng tình yêu
Sau nhiều dịp lỡ hẹn, tôi có cơ hội gặp được vợ chồng chị Hoan tại căn phòng trọ trên một con phố nhỏ ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Trông thấy khách từ đằng xa, người đàn bà tý hon nở nụ cười rạng rỡ đón tôi vào phòng. Căn phòng trọ mà gia đình anh chị đang sống chỉ hơn 10 mét vuông. Tổ ấm tuy đơn sơ, cũ kỹ nhưng chứa chan niềm hạnh phúc giản dị giữa dòng đời bề bộn.
Anh Đặng Văn Quản bị teo cơ chân sau một cơn sốt bại liệt thập tử nhất sinh, còn chị là Hoàng Thị Hoan là cô gái tý hon kiên cường với chiều cao chỉ vỏn vẹn 1m30. Khi gặp gỡ anh chị, chúng tôi mới thực sự tin, hạnh phúc không chỉ được gắn kết bởi những mảnh ghép hoàn hảo, đẹp đẽ mà đôi khi còn được góp nhặt từ những mảnh đời khiếm khuyết để vẽ nên bức tranh ngập màu yêu thương.
Anh Quản sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 anh chị em ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Cơn sốt co giật năm 3 tuổi khiến anh bị teo một chân, từ đó việc đi lại hết sức khó khăn. Bố mẹ anh là những người nông dân ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đến cơm ăn từng bữa còn chưa đủ nên dù muốn lo tiền thuốc men, chạy chữa cho đứa con cũng đành lực bất tòng tâm.
Thương cha mẹ và các em thơ dại, cậu bé teo chân đã quyết định rời xa mái trường cấp 2 đầy ắp những kỷ niệm để tìm việc làm giúp cha mẹ. Nhưng, mọi chuyện không đơn giản như anh nghĩ. Nỗ lực tìm kiếm việc làm của chàng trai khuyết tật đều nhận cái lắc đầu ái ngại từ người tuyển dụng. Năm 2014, anh theo một người bạn cùng quê tìm đến trung tâm Bảo trợ người khuyết tật Vì ngày mai (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) để xin việc. Đây cũng là nơi ươm mầm xanh cho tình yêu của cặp đôi khuyết tật đâm chồi, bén rễ.
Chị Hoan sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông anh em ở Lạng Sơn. Càng lớn chị càng nhận ra mình là đứa trẻ kém may mắn duy nhất trong gia đình. Cũng giống như anh Quản, chị rời quê hương xuống Hà Nội đăng ký học và làm việc tại trung tâm với hy vọng hoà nhập cộng đồng và tự kiếm tiền để trang trải cuộc sống.
Hạnh phúc như mơ khi anh Quản gặp được cô gái tý hon có gương mặt tươi tắn trong một buổi học may thủ công. Lần đầu tiên nhìn thấy chị Hoan, anh đã bị thu hút bởi cô gái nhỏ nhắn có tính cách hoạt bát, hoà đồng. Chính những tin nhắn thăm hỏi, những cuộc gọi trò chuyện xuyên đêm đã gắn kết hai tâm hồn đồng điệu với nhau.
Nở nụ cười rạng rỡ khi nhắc đến buổi hẹn hò đầu tiên, chị Hoan hạnh phúc kể lại: “Những ngày đầu chị chẳng chú ý đến anh, vì trong lớp ai cũng có hoàn cảnh và ngoại hình đặc biệt. Sau vài lần tiếp xúc thấy tính cách anh cũng hiền lành, chu đáo nên dần dần có cảm tình hơn”.
Cũng giống như những cặp đôi khuyết tật khác, họ tìm đến nhau với hai cơ thể khiếm khuyết nhưng bằng một trái tim lành lặn và chân thành. Kỷ niệm trong thời gian yêu nhau chẳng có gì nhiều, không hoa, không quà cũng không có những chuyến du lịch đó đây nhưng tình cảm của cặp đôi vẫn gắn bó, bền chặt. Có lẽ, sự đồng cảm về hoàn cảnh và những khiếm khuyết trên cơ thể vô tình trở thành lý do để họ thấu hiểu và đồng cảm với nhau nhiều hơn.
Sau gần 3 năm quen biết, họ tổ chức lễ cưới tại quê nhà. Đám cưới ấy không mâm cao cỗ đầy, không trang phục lộng lẫy mà chỉ là những trang phục cưới giản dị nhưng chẳng thể làm mờ đi nụ cười rạng ngời hạnh phúc của đôi trẻ.
Gian nan hành trình “tìm con” của cặp đôi khuyết tật
Sau đám cưới, chị Hoan tiếp tục công việc ở trung tâm, nhưng do sức khoẻ yếu nên chỉ làm được những công việc đơn giản như may quần áo, thú nhồi bông,… Tuỳ theo từng sản phẩm và từng lô hàng mà tiền công cũng khác nhau. Anh Quản hiện đang làm công nhân tại một xưởng đóng giày ở Nhổn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), ngày làm việc của anh bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối.
Chị Hoan chia sẻ, thu nhập của hai vợ chồng gồm cả tiền lương và trợ cấp người khuyết tật góp lại chỉ khoảng 6 triệu đồng. Tuy cuộc sống còn khó khăn, chật vật nhưng đôi vợ chồng trẻ luôn suy nghĩ lạc quan, tích cực. “Chị tự thấy mình là người may mắn trong trung tâm vì luôn có chồng làm chỗ dựa, hết mực yêu thương chăm sóc. Vợ chồng chị luôn nghĩ, đồng vợ đồng lòng tát biển Đông cũng cạn nên chỉ cần cùng nhau san sẻ thì mọi khó khăn sẽ vượt qua”, chị Hoan vui vẻ chia sẻ.
Với anh chị, nỗi lo cơm áo gạo tiền không thể bằng hành trình “tìm con” mòn mỏi trong suốt 3 năm nay. Anh chị vẫn luôn “mong ngóng” có tiếng nói cười của trẻ thơ trong căn nhà nhỏ. Trừ tiền chi tiêu sinh hoạt, số tiền dành dụm của hai vợ chồng dồn hết vào thuốc men. Chỉ cần có người mách nơi có thuốc tốt, anh Quản lập tức đến tận nơi lấy thuốc mà không quản ngại đường sá xa xôi, chân tay đau yếu.
Đến năm 2018, anh chị gom góp được 20 triệu đồng để thực hiện phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung với niềm hy vọng sẽ “đậu” được một mụn con. Nhưng, niềm tin mãnh liệt của đôi vợ chồng trẻ vẫn không được đền đáp xứng đáng, bác sỹ cho biết, nguyên nhân có thể do hai vợ chồng chị là người khuyết tật nên sức khỏe yếu, quá trình thụ thai lâu và khó khăn hơn người bình thường.
Thất vọng tràn trề nhưng nhất định không từ bỏ, sau hai năm tích góp tiền chị Hoan quyết định bơm tinh trùng thêm một lần nữa. Sau nhiều ngày chờ đợi mòn mỏi, anh chị vẫn không nhận được kết quả như mong muốn. Suốt 3 năm mong ngóng tin vui, thất vọng có, đau lòng có nhưng đôi vợ chồng khuyết tật chưa một lần từ bỏ mong mỏi được làm cha, làm mẹ. Hy vọng dù mong manh nhưng nỗi khát khao có con luôn thôi thúc anh chị cố gắng từng ngày.
Cố gắng có con bao lần không thành, chị Hoan bàn với chồng xin con về nuôi. Có lần nghe tin ở Thanh Hoá có một người đàn bà đang mang bầu muốn cho con, chị Hoan liền bàn bạc với chồng và lập tức tìm đến tận nhà người cho con để thưa chuyện.
“Khoảng thời gian chị ấy sắp sinh, chị háo hức sắm sửa mọi thứ từ bỉm sữa, tã lót, quần áo, tự may tất tay, may cho đứa con gái yêu chuẩn bị chào đời. Nghĩ đến việc gia đình sắp có thêm thành viên mới, căn nhà trống sẽ đầy ắp tiếng cười trẻ thơ vợ chồng chị mừng rơi nước mắt. Chị luôn tự nhủ là duyên trời đã đưa bé đến, nhất định chị sẽ yêu thương và coi như con ruột của mình”, chị Hoan nghẹn ngào nói.
Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với gia đình nhỏ, nhưng trước ngày sinh khoảng 1 tháng người đàn bà ấy bất ngờ chặn hết mọi liên lạc, bỏ đi không một lời từ biệt. Đến bây giờ, vợ chồng chị vẫn ngỡ ngàng, không hiểu tại sao người ta lại đối xử với gia đình chị như vậy.
Hành trình tìm con tuy gian nan, vất vả nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn luôn tin, cả hai sẽ sớm nhận được tin vui, sẽ sớm được bế bồng đứa con nhỏ trên tay. “Hiện tại, anh chị vẫn đang tiếp tục uống thuốc, cả 2 vợ chồng đều có niềm tin là nhất định sẽ có em bé, chỉ là quá trình đến muộn hơn người thường nên cần kiên nhẫn hơn thôi”, anh Quản lạc quan chia sẻ.
Tháng 7 vừa rồi, bệnh viện Nam học và Hỗ trợ Sinh sản Đức Phúc tổ chức chương trình tài trợ cho 5 suất thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, vợ chồng chị Hoan may mắn nhận được một suất hỗ trợ. Chị Hoan nghẹn ngào không nói nên lời: “Chị lại sắp có cơ hội được làm mẹ rồi em ạ”.
Rời căn nhà nhỏ, chia tay anh chị nhưng nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của đôi vợ chồng ấy vẫn in sâu trong tâm trí tôi. Trong ánh mắt ấy chứa chan niềm hy vọng, khát khao mãnh liệt về một tương lai tương sáng, một gia đình trọn vẹn hạnh phúc.