Nửa thế kỷ gian nan tìm con
Những ngày tháng Tư rực lửa, con đường dài vào quê nhà xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, treo dày cờ Tổ quốc cùng với hàng trăm người đứng chờ liệt sĩ Nguyễn Công Hoà (SN 1951), được cất bốc từ Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị đưa về an nghỉ tại quê nhà.

Rất đông người thân và hàng xóm, láng giềng tập trung đón liệt sĩ Nguyễn Công Hoà.
Từ sớm, cụ Phạm Thị Lài, mẹ liệt sĩ Nguyễn Công Hòa, được con cháu đưa ra ngõ. Mẹ chân yếu, ngồi trên chiếc xe lăn, hướng đôi mắt mờ đục ra phía trước, chờ đợi đứa con thân yêu trở về. Mẹ năm nay đã 104 tuổi, nhiều chuyện đã quên, nhưng ký ức về người con thì không bao giờ xoá nhoà.
Mẹ sinh được 7 người con (4 trai, 3 gái), anh Hòa là thứ ba. Năm 1969, tròn 18 tuổi, anh nhập ngũ, thuộc biên chế của Quân khu 4. Năm 1973, khi đang là Trung đội trưởng Sư đoàn 968, anh tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và hy sinh.
Cùng năm, gia đình nhận được giấy báo tử của anh Hòa, song không ghi địa điểm hy sinh, an táng. Cũng từ đó là chuỗi ngày đằng đẵng mẹ anh gian nan tìm kiếm mộ con trai. Thế nhưng, việc tìm kiếm mộ liệt sĩ Hòa như "mò kim đáy biển" khi gia đình chẳng có bất kỳ manh mối nào về anh.
Khi cuộc tìm kiếm chưa có kết quả, cụ Lài lần lượt phải chịu nỗi đau tang thương chồng mất, con qua đời do bệnh tật và đặc biệt là sự day dứt khi chưa thể đưa anh Hoà trở về. Mỗi lần đến ngày giỗ con trai, người mẹ già lại cầm bó hương, đứng trước bàn thờ cầu nguyện.

Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, người con trai nhỏ của mẹ Lài đã được trở về với quê hương.
Bà Phạm Thị Vinh (con dâu cụ Lài) cho biết, thấy mẹ chồng luôn thương nhớ, mong ngóng con trai đã hi sinh khiến bà cũng không đành lòng. Thương mẹ, bà đạp xe tìm đến các nghĩa trang, viết thư gửi ban quản lý các nghĩa trang ở các địa phương nhờ tìm kiếm liệt sĩ Hòa. Mỗi lần nhận được thông tin quy tập hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang, bà lại lên đường song không có kết quả.
"Cuối cùng mẹ cũng đã chờ được con về"
Rồi sức khỏe cụ Phạm Thị Lài ngày một yếu, người con dâu cũng không còn đủ sức đạp xe đi khắp nơi như hồi còn trẻ, hành trình tìm mộ được giao lại cho cháu nội trong nhà.
Ít năm trước, thông qua sự kết nối của nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sĩ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sĩ tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, gia đình tìm thấy một phần mộ mang tên Nguyễn Công Hòa ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).
Phần mộ liệt sĩ Hòa được quy tập từ Lào, đưa về đây an táng cùng 5 hài cốt liệt sĩ khác từ trước năm 1990. Tuy nhiên, đối chiếu các thông tin lưu trữ tại đơn vị thì chưa thể khẳng định đây là phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Công Hòa, vì vậy gia đình đã làm đơn xin được giám định ADN.

Từ nay, liệt sĩ Hoà đã trở về với vòng tay của người mẹ Việt Nam anh hùng.
Hơn nửa thế kỷ qua, cụ Lài không ngừng hi vọng về ngày đoàn tụ này. Đặc biệt, khi nghe được thông tin về việc có thể phần mộ của con trai đã được tìm thấy thì mẹ càng thêm phấn chấn.
Gia đình đã dự định đưa cụ vào thăm nơi yên nghỉ của liệt sĩ Hòa cùng các đồng đội, nhưng do tuổi cao sức yếu, đường lại xa nên dự định không thể thực hiện được. Cũng vì tình hình như thế nên kế hoạch xin chuyển hài cốt liệt sĩ Hòa về quê được gia đình triển khai nhanh hơn, để người mẹ già có thể sớm được gặp lại con sau hơn 50 năm mòn mỏi đợi chờ.
Ngày con trai trở về, dẫu âm dương cách trở, nhưng mẹ cũng đã khép lại nỗi day dứt kéo dài hơn nửa thế kỷ qua. Khoảnh khắc nhìn thấy người con trai mình trông ngóng bao lâu nay trở về, cụ Lài òa khóc: "Hòa ơi! Cuối cùng mẹ cũng đã chờ được con về".
Từ đôi mắt già nua của mẹ, 2 hàng nước mắt ứa ra. Cụ liên tục đưa đôi tay nhăn nheo miết mãi lá cờ đỏ sao vàng đang bọc lấy hài cốt, như thể đang vỗ về con trai sau nhiều năm xa cách. Mẹ nói rằng, có lẽ ông trời cho mình sống, minh mẫn đến hôm nay là để đón con trai trở về.

Ước nguyện cuối cùng của mẹ Lài đã thành sự thật sau 50 năm chờ đợi.
Lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Công Hòa được chính quyền địa phương và gia đình tổ chức trang nghiêm tại nhà. Hài cốt liệt sĩ Nguyễn Công Hòa được an táng ở nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Ông Nguyễn Thế Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, thay mặt chính quyền địa phương và gia đình cảm ơn sự hỗ trợ của các ban, ngành và nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sĩ. "Đây là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, chia sẻ nỗi mất mát với thân nhân liệt sĩ, tri ân những người đã chiến đấu và hi sinh cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và hòa bình hôm nay", ông Tú xúc động nói.
Theo thống kê của Phòng Nội vụ, toàn huyện Thanh Chương có 4.539 liệt sĩ, trong đó, có đến 2.647 liệt sĩ vẫn chưa biết phần mộ ở đâu. Hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ còn 35 mẹ liệt sĩ còn sống, trong đó 12 mẹ đã trên 100 tuổi. Mẹ liệt sĩ cao tuổi nhất năm nay là 105 tuổi.