Viện là… nhà
Những ngày giáp Tết, khi không khí xuân chộn rộn len lỏi trên khắp các phố phường Hà Nội, khi nhà nhà đang hân hoan chuẩn bị đón một năm mới sum vầy, vẫn có những gia đình đang chật vật từng giờ từng phút, coi bệnh viện là nhà.
Tôi đến thăm chàng trai mang trong mình bệnh máu khó đông vào một chiều se lạnh, cậu đang nằm trên chiếc giường ngay sát cửa, chiếc chăn mỏng đắp ngang eo. Đó là Đào Văn Khải (SN 1998), sinh ra và lớn lên tại vùng quê Tiền Hải, Thái Bình. Vốn là một cậu bé hiếu động, tuổi thơ của Khải là những lần nô đùa, chạy nhảy hồn nhiên. Năm 14 tuổi, Khải chơi đuổi bắt với các bạn rồi vô tình trượt ngã, gia đình đưa đi bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, các bác sĩ nghiêng về chẩn đoán ung thư vì đã hoại tử, ăn vào xương.
Sau đó, Khải được chuyển lên bệnh viện K rồi chuyển sang viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, duy trì điều trị đến nay. Ngày Khải nhập viện, mẹ Khải đang mang thai cậu em út, vì vậy, chỉ có một mình bố đồng hành mỗi ngày nơi bệnh viện. “Để tránh cho mẹ lo lắng, bố chỉ thông báo rằng tôi bị máu loãng... Vì thế đến khi tình trạng của tôi không giấu được, mẹ biết thực tình bệnh của tôi, biết tôi phải cưa chân, mẹ cũng đã khóc ngất luôn”, Khải nhớ lại.
Nhìn chàng trai 21 tuổi nằm trên giường bệnh, mọi cử động diễn ra thật nhẹ nhàng, ai cũng đủ cảm nhận sự đau đớn trên cơ thể cậu ấy. Khải bị khuyết một bên chân. Chính từ năm 14 tuổi, sau khi ngã, vì máu khó đông nên vết thương ngày càng trở nặng, hoại tử và các bác sĩ quyết định phải cưa chân.
“Hồi ấy, tôi cũng còn nhỏ nên vẫn cảm thấy sợ hãi trước thông tin “phải cưa chân”, tôi thậm chí cứ vùng vằng không muốn mất đi một bên chân. Sau đó, khi bố ghì chặt lấy tôi, vuốt nhẹ sau lưng giúp tôi bình tĩnh lại... Sau khi tỉnh dậy, biết mình đã bị tháo một bên chân, tôi không khỏi “sốc”, cộng với cơn đau khi hết thuốc tê... tôi khóc... Tôi đã khóc rất nhiều, suốt một tuần, cứ ngủ thì tạm quên, nhưng tỉnh dậy là lại khóc, lại la hét, dữ dội, cơn đau kéo đến không tả nổi...”, giọng chàng trai trẻ bỗng như nghẹn lại khi nhắc đến ký ức không vui này.
Từ đó đến nay, đã hơn 7 năm trôi qua, chàng trai Thái Bình ngày một gầy gò, xanh xao hơn, vết thương nơi chân sau khi “cắt”, vẫn chưa liền được, vận động mạnh lại chảy máu. Lại đau...
Vì vậy, Khải dường như ở lại viện suốt, cứ nằm viện 2-3 tháng thì làm thủ tục xuất viện rồi lại nhập viện luôn. “Thời gian tôi ở nhà còn ít hơn ở viện, nên đối với tôi, viện bây giờ cũng như nhà mình, các bác sĩ, các cô điều dưỡng ở đây cảm giác thân thiết như người thân trong gia đình luôn vậy.
Như năm ngoái, tính ra, cả năm tôi chỉ được về nhà khoảng một tháng… Nhớ cả nhà lắm, đặc biệt là em trai. Hồi trước, còn ở nhà, em trai tôi là người thân thiết nhất, lúc nào cũng tíu tít chuyện trò… Vậy mà, giờ cũng hơn năm tôi chưa gặp em mình…”, một nét buồn vội thoáng qua đôi mắt Khải.
Những cái Tết buồn...
Với một người vốn quen việc đón Tết trong viện như Khải, có lẽ sẽ chai dần cảm xúc và không còn cảm thấy quá trống vắng. Dẫu vậy, đôi lúc chàng trai trẻ vẫn cảm thấy “sao mà ghét Tết”…
Nhắc đến Tết, Khải khẽ thở dài: “Tết đầu tiên phải nằm lại viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, tôi buồn vô cùng, nằm nghĩ đến cảnh, ngoài kia, mọi người đang quây quần bên gia đình, tôi tủi thân đến ứa nước mắt… Những những cái Tết sau thì cũng đỡ hơn, tôi xác định phải tập quen dần…”.
Ấy vậy mà, vẫn không giấu nổi những lúc buồn “quay quắt”, chàng trai cũng mong sao cho Tết ngắn lại, vì Tết đến, cả viện vắng hoe...
“Ngày thường, viện đông là thế, mà khi Tết đến, chỉ lác đác vài bệnh nhân, vài bác sĩ, y tá, điều dưỡng trực Tết,… Dẫu sao cũng thấy có phần trống trải…”, giọng Khải có chút buồn nhòa nhạt.
Hôm nay, một cậu bạn vào thăm Khải. Đó là Nguyễn Xuân Hiếu (SN 2000), trú tại Gia Lâm, Hà Nội, đã có một năm ở lại đón Tết cùng Khải. “Năm trước, tôi phải phẫu thuật ngay trước Tết, nên đã ở lại đón Tết cùng phòng bệnh với anh Khải. Hai anh em cảm thấy thật buồn, không khí khác hẳn mấy ngày thường. Mấy ngày Tết cảm giác cứ buồn heo hắt. Năm nay, tôi may mắn không phải ở lại dịp Tết nữa…”.
Ngồi bên giường bệnh, chị Vũ Thị Khuyên (SN 1976), mẹ Khải không giấu nổi những giọt nước mắt: “Nhìn con đau đớn, mẹ cũng không khỏi chua xót trong lòng. Chỉ còn một ngày nữa là sang năm mới, nhưng nhà vẫn chưa sắm sửa được gì. Tôi đang tính tối nay sau khi thay băng cho con thì tranh thủ về quê sửa soạn một chút, nhưng con đang giữ mẹ lại đây…”.
Năm nay, gia đình chị Khuyên khó khăn muôn trùng, đầu năm thì chị, cuối năm thì chồng chị thay phiên nhau phải phẫu thuật, trở thành một gánh nặng vô cùng lớn đối với một gia đình thuần nông như vậy. Chị phải xin làm thêm ở một quán phở trước cổng viện, mỗi ngày làm hai ca, từ 6h-14h, nghỉ một chút rồi lại tiếp tục từ 16h30-21h.
Tháng trước, khi chồng chị phải điều trị ở bệnh viện Phổi Trung ương, chị Khuyên đã phải xin nghỉ làm, ban ngày trông Khải rồi tối đến lại chạy sang chăm sóc chồng.
Ánh chiều dần buông phía bên ngoài ô cửa sổ buồng bệnh, một ngày nữa sắp trôi qua, một năm mới đang chuẩn bị ghé thăm, đôi mắt thấm mệt mỏi của chị Khuyên vẫn đang dõi theo cậu con trai 21 tuổi phải chịu những cơn đau âm ỉ trên giường bệnh. Chị thầm mong, giá có phép màu để con trai khỏe lại, để gia đình có bữa cơm sum họp, có một cái Tết đoàn viên trong căn nhà ấm áp...
Chị Phạm Thị Thanh Trang (SN 1990), điều dưỡng trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân rối loạn đông máu cho biết: “Giáp Tết, bệnh nhân thường vào đông, nhưng số bệnh nhân ở lại đón Tết thì thưa hơn, năm nào cũng chỉ lèo tèo một vài người... Đa phần các bệnh nhân đều tâm trạng chung là buồn, vì nhịp sống khác với ngày thường…
Các bác sĩ và điều dưỡng thì dường như năm nào cũng trực Tết nên chúng tôi cũng quen rồi, chỉ có bệnh nhân là khắc khoải nhớ nhà, nhớ không khí sum vầy cùng gia đình thôi... ”.