Cục Cảnh sát biển Việt Nam nhận tin báo từ ông Bạch Lứa vừa xảy ra một vụ cướp tàu trên biển, có nhiều nạn nhân gặp nạn. Cùng lúc, đơn vị này nhận tin báo từ trung tâm Thông báo cướp biển (cục Hàng hải quốc tế, đóng tại Kuala Lumpur, Malaysia) thông báo không liên lạc được với tàu chở dầu Zafirah khi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rất có thể chiếc tàu đã gặp phải cướp biển.
Trước thông tin bất ngờ trên, Cục Cảnh sát biển Việt Nam liền chỉ đạo Cảnh sát biển vùng 3 tổ chức điều tra làm rõ.
Cảnh sát biển áp giải 11 tên cướp biển lên bờ. Ảnh: QĐND
Truy tìm chiếc tàu bị hải tặc cướp
Vào lúc 14h chiều 16/11, tàu chở dầu Zafirah do thuyền trưởng Sann Winnung (56 tuổi, quốc tịch Myanmar) cầm lái bắt đầu rời cảng Pasir Gudong để đến cảng Miri (đều của Malaysia).
Đến 3h sáng 18/11, khi đến vùng biển Indonesia, bất ngờ xuất hiện 11 đối tượng bịt mặt nhảy lên tàu uy hiếp thuyền trưởng và các thuyền viên để cướp tàu. Tại đây, các đối tượng bịt mặt lộ rõ chân tướng là những tên cướp biển sừng sỏ khi được trang bị súng ngắn, dao nhọn... Sau khi khống chế, nhóm cướp nhốt các thủy thủ trên cabin tàu và tiếp tục cho tàu chạy.
Đến đêm 20/11, nhóm cướp biển nhẫn tâm thả 9 thủy thủ xuống xuồng cứu sinh lênh đênh trên biển. Rất may, các thủy thủ đã được 2 tàu cá của Việt Nam ứng cứu.
Trong thời điểm cho tàu Sar 413 của trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 đưa 9 thuyền viên của tàu bị cướp biển vào bờ. Cục Cảnh sát biển Việt Nam lệnh cho cảnh sát biển vùng 3 triển khai lực lượng truy lùng con tàu bị cướp và quyết tâm phải bắt gọn 11 tên cướp biển có trang bị vũ khí nóng. Đại tá Đinh Văn Nghiêm, Phó chỉ huy cảnh sát biển vùng 3 liền cử nhiều tàu cảnh sát biển tuần tra tìm kiếm.
Đến chiều 21/11, lực lượng cảnh sát biển phát hiện một tàu cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 50 hải lý có nhiều biểu hiện nghi vấn, lực lượng cảnh sát biển tiến hành đuổi theo nhưng chỉ được một lúc, con tàu bỗng biến mất một cách bí ẩn. Ở một mũi khác, tàu cảnh sát biển chia thành 2 biên đội tổ chức truy tìm tàu Zafirah.
Sau nhiều giờ quần thảo trên biển, đến khoảng 2h sáng 22/11, biên đội tàu cảnh sát biển phát hiện một chiếc tàu lạ có tên là Sea Horse, tuy nhiên màu sắc khác với mô tả của các thủy thủ. Phán đoán, có thể bọn cướp biển thay đổi màu sơn con tàu nên lực lượng cảnh sát biển dùng ống nhòm quan sát kỹ thì phát hiện dòng chữ Zafirah đã bị bôi mờ nằm trên thân tàu.
Sau đó, lực lượng cảnh sát biển liền yêu cầu đưa ông Sann Winnaung, thuyền trưởng của tàu ra vị trí tàu Sea Horse neo đậu để nhận dạng tàu. Đến 16h cùng ngày, ông Sann Winnaung xác định tàu Sea Horse chính xác là tàu Zafirah bị cướp biển chiếm giữ. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam liền tiến hành tổ chức vây ráp, phát loa yêu cầu những người trên tàu đầu hàng.
Cuộc đấu sung trên biển
Trao đổi với PV, đại tá Đinh Văn Nghiêm cho biết: "Trước sự vây ráp của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, nhóm cướp biển ngoan cố tìm cách nhổ neo bỏ chạy. Trước tình huống này, chúng tôi bắt buộc bắn súng chỉ thiên yêu cầu con tàu dừng lại.
Tuy nhiên, nhóm cướp biển vẫn ngông cuồng chạy trốn. Chỉ đến khi, nghe chúng tôi răn đe, nếu tiếp tục bỏ chạy, cảnh sát biển sẽ bắn tiêu diệt tất cả, bọn chúng mới chịu thả neo cho dừng con tàu.
Ngay sau đó, lực lượng cảnh sát biển đồng loạt ập lên tàu tổ chức trấn áp nhóm cướp biển. Tuy nhiên, một nhóm cướp biển vẫn ngoan cố chạy ra mũi tàu để chống cự. Sau nhiều lần phát loa yêu cầu hàng, biết không thể cầm cự lâu, nhóm cướp biển đã ra hiệu xin đầu hàng.
Theo tìm hiểu của PV, sau gần 50 phút trấn áp, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã bắt giữ toàn bộ 11 tên cướp biển nguy hiểm. Để phòng tránh trường hợp chúng chạy trốn, tất cả được chuyển sang tàu CSB 4034. Các đối tượng được dẫn giải vào bờ an toàn và bàn giao cho bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lấy lời khai để điều tra.
Sau khi tiếp nhận các đối tượng, bộ đội biên phòng đã đưa chúng về giam giữ tại trại giam Phước Cơ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tại buổi làm việc với bộ đội biên phòng, do bất đồng ngôn ngữ, đa số bọn cướp không biết tiếng Anh nên việc lấy lời khai gặp rất nhiều khó khăn.
Chiếc tàu Zafirah bị cướp biển chiếm giữ đã được lực lượng cảnh sát biển lai dắt vào bờ (cách bờ khoảng 20 hải lý) và được bố trí neo đậu tại khu vực biển Bãi Trước (TP.Vũng Tàu) để phục vụ công tác điều tra. Hơn 320 ngàn lít dầu MGO trên tàu bị lực lượng Cảnh sát biển niêm phong.
Trao đổi với PV, đại tá Đinh Văn Nghiêm cho biết: "Trận chiến trấn áp 11 tên cướp biển lần này là chiến dịch khá thành công của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Hiện vụ việc vẫn đang được gấp rút điều tra làm rõ".
Chưa xác định được nghi can cướp biển là người nước nào? Trao đổi với PV, ông Sann Winnung, thuyền trưởng tàu chở dầu Zafirah cho biết trong vụ việc này rất khó phân biệt được 11 nghi can cướp biển là người Indonesia hay Malaysia. Bởi khi thực hiện vụ cướp tàu, đa số các tên cướp biển nói tiếng Melayu, đây là ngôn ngữ mà người Indonesia và Malaysia đều sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Theo ông Sann Winnung, để xác định chính xác, phải có cơ quan chức năng của các nước trên vào cuộc. |
H.Sen - T. Trần