Nghi án vị Tổng thống đồng tính đầu tiên của Mỹ

Nghi án vị Tổng thống đồng tính đầu tiên của Mỹ

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho rằng trong tương lai gần, Mỹ sẽ phải chấp nhận một Tổng thống đồng tính.

Cựu Tổng thống là người đồng tính!?

Các nguyên thủ quốc gia luôn phải là người nghiêm túc về mọi mặt, ngay cả trong tình cảm riêng tư. Mọi vấn đề về đời tư của các vị lãnh đạo đều được đặt trong vòng bí mật và không bao giờ được tiết lộ. Mặc dù vậy, các phương tiện thông tin đại chúng ở Mỹ vẫn thường xuyên xuất hiện những tin tức về đời sống riêng tư của các chủ nhân của Nhà Trắng.

Chẳng hạn như Tổng thống thứ 15 của Hoa Kỳ, ông James Buchanan (1857–1861) là một vị Tổng thống nghi bị đồng tính. Ông cũng vị Tổng thống duy nhất của Hoa Kỳ đến từ tiểu bang Pennsylvania có bằng đại học và chưa bao giờ kết hôn.

Thế giới - Nghi án vị Tổng thống đồng tính đầu tiên của Mỹ

Cựu Tổng thống James Buchanan và “người tình” được đồn đoán là William Rufus King

Sử gia James W. Loewen đã thực hiện một cuộc nghiên cứu sâu rộng về đời sống cá nhân của ông Buchanan, và Loewen đã đưa ra nhiều bằng chứng, chứng minh Buchanan là người đồng tính. Tác giả cuốn sách nổi tiếng “Lies Across America” (Nước Mỹ và những lời nói dối), sử gia Loewen khẳng định: “Tôi nắm trong tay nhiều manh mối, chứng minh ông Buchanan là một người đồng tính, kể cả việc ông quan hệ với người đồng giới”.

Theo Loewen, Buchanan đã ở chung với William Rufus King, một thượng nghị sĩ Bắc Carolina đến từ Alabama và là Phó tổng thống tương lai của Franklin Pierce, suốt 15 năm ở Washington, DC… King được biết đến như một vị Phó tổng thống “đồng tính luyến ái” nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Ông King không hề có ý phản đối những lời đàm tiếu hay lời đồn đồng tính về mình. Ông vẫn tiếp tục đội bộ tóc giả khi chúng đã trở nên lỗi thời. Ông được tả như là “một kẻ ăn diện, với khăn lụa, kẹp ca-vát sáng và quần áo lòe loẹt” với cái tên mỹ miều: “Dì Nancy”.

Từ khi chuyển vào sống trong Nhà Trắng, hai người luôn “dính” lấy nhau như một cặp “tình nhân” điển hình khiến nhiều người đặt ra nghi vấn về mối quan hệ bất chính giữa hai người.

Có người còn gọi hai người là: “Cặp sinh đôi người Xiêm” (cách gọi lóng chỉ những người đồng tính kết hôn với nhau), thậm chí ông King còn bị gắn với biệt danh: “Phu nhân Buchanan”.

Năm 1844, khi King được bổ nhiệm làm công sứ ở Paris (Pháp), trung tâm thời trang của thế giới, ông đã rất vui mừng và thích thú bởi đây là mơ ước từ nhỏ của mình.

Nhưng một thời gian sau, ông bắt đầu thấy “nhớ” Buchanan nên đã viết một bức thư gửi về nhà, trong đó có đoạn: “Tôi đã thực sự ích kỷ khi hy vọng rằng ông không thể kiếm được một ai đó thay thế tôi, nhưng điều này đã làm tôi cảm thấy hối tiếc và không muốn có sự chia xa này. Tôi cảm thấy cô đơn vô cùng khi ở giữa Paris vì thiếu vắng một người…”.

Nhưng King không nhận được hồi âm nào của ông Buchanan. Cuối cùng, thấy cô đơn và bị tổn thương, King đã đề nghị được về nước và yêu cầu một ai đó “có tâm hồn của một người đàn ông” thay thế ông làm công sứ ở Pháp.

Tình yêu hay tình bạn?

Vào cuối những năm 1990, Loewen thăm lại Wheatland, căn biệt thự ở Lancaster, bang Pennsylvania, nơi Buchanan dành những năm còn lại cuộc đời tại đây, ông đã hỏi một nhân viên lâu năm về giới tính thật sự của chủ nhân căn biệt thự, người này khẳng định: “Ông ấy là người hoàn toàn bình thường”.

Sau đó, các nhân viên đã đưa Loewen đến trước bức chân dung được cất kỹ của bà Ann Coleman, con gái của một nhà sản xuất sắt giàu có Robert Coleman ở Philadelphia.

Coleman là một người phụ nữ đáng yêu, hơi nhút nhát, nhạy cảm và khá hấp dẫn. Hai người đã làm lễ đính hôn nhưng cặp đôi này thường xuyên cãi vã và bất đồng.

Ngay trước lễ cưới vài tuần, Coleman đã hủy lễ đính hôn với Buchanan, trở về Philadelphia sống với gia đình. Đến năm 1819, Buchanan nhận được tin báo Coleman đã chết. Nguyên nhân cái chết được gia đình cô giữ kín nhưng theo các nhà sử học, Coleman đã tự tử.

Gia đình cô đổ lỗi cho Buchanan và không cho ông tham dự tang lễ của Coleman. Nhiều lời đồn đại về nguyên nhân tự tử của cô, trong đó chủ yếu là giả thiết cô phát hiện ra chồng sắp cưới là một người đồng tính và đang có quan hệ với một người đàn ông khác.

Vì quá đau khổ nên cô đã chọn con đường chết để thoát khỏi những lời đàm tiếu và tủi nhục. Trước những phủ nhận của nhân viên biệt thự, Loewen đã khẳng định Buchanan đính hôn với bà Coleman không phải vì tình yêu mà là vì tài sản thừa kế kếch xù của cô.

Patrick Clarke, giám đốc của Wheatland ngày nay cho biết, nhân viên làm việc tại Wheatland bắt buộc phải có ý kiến trung lập về vấn đề giới tính của ông Buchanan bởi đời tư của Tổng thống là bí mật quốc gia. Mặc dù vậy, Clarke cũng không phản đối việc một tình nguyện viên cung cấp bằng chứng chứng minh ông Buchanan là người đồng tính.

Năm 1857, Buchanan trúng cử vị trí Tổng thống và chuyển vào Nhà Trắng. Do vị trí phu nhân Tổng thống bị trống nên cô cháu gái Harriet Lane đã đảm nhận mọi nhiệm vụ xã hội của một đệ nhất phu nhân. Các sử gia cũng từng đưa ra giả thiết việc Tổng thống Buchanan và ông King không thể tiến xa hơn là do sự phản đối và chen ngang của cô cháu gái Harriet.

Sau bốn năm làm việc trong Nhà Trắng, định hướng giới tính của ông đã gây xôn xao Nhà Trắng và lan dần ra toàn Washington. Dù những biểu hiện bệnh đồng tính đã rất rõ ràng nhưng Buchanan vẫn không thừa nhận mối quan hệ đồng giới của mình, ông chỉ giải thích: “Tôi và King là những người bạn thân, không thể có chuyện đi quá giới hạn được. Đến giờ, tôi không kết hôn là do vị hôn thê của tôi đã qua đời và tôi không thể quên được chuyện đó”.

Thổ lộ thầm kín của ngài Tổng Thống

Trên cương vị Tổng thống, Buchanan có biệt danh "doughface" (người nhu nhược), ông đấu tranh với Stephen A. Douglas giành quyền kiểm soát đảng Dân chủ. Các học giả Mỹ thường xuyên xếp ông là một trong hai hoặc ba tổng thống tồi tệ nhất của Hoa Kỳ. Sử gia Loewen cũng công bố một lá thư Tổng thống Buchanan gửi một người bạn sau khi King đi Pháp làm công sứ. Bức thư thể hiện rõ cảm giác nhớ nhung của Buchanan dành cho King: “Tôi thật sự rất cô độc và chỉ có một mình, không ai có thể làm bạn đồng hành với tôi từ khi người ấy đi xa. Tôi đã từng theo đuổi nhiều người đàn ông nhưng đều thất bại. Một người đàn ông cô đơn cũng tốt nhưng tôi cần một người bầu bạn hơn là một người vợ chăm sóc mỗi khi tôi ốm, chuẩn bị bữa tối mỗi khi về nhà và tôi cũng không mong đợi gì một tình cảm nồng nàn và lãng mạn ở một người phụ nữ”. Mối quan hệ của kết thúc hoàn toàn vào năm 1853, khi King qua đời.

Hồng Nhung (Theo Washingtonblade)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.