Năm 1883, vua Dục Đức bị phế và chết trong tù. Các quan sai lính đến xóm Kim Long đón Hồng Dật về cung để đưa lên làm vua mới. Hồng Dật thoái thác, nhưng bị ép lên ngôi ngày 30 tháng 7 năm 1883, lấy hiệu Hiệp Hoà. Do có ý thân Pháp, vua Hiệp Hòa lên ngôi chưa được bao lâu thì bị hai đại thần Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế bỏ và bắt uống thuốc độc tự vẫn vào ngày 30 tháng 10 năm Quý Mùi, tức 29 tháng 11 năm 1883.
Việt sử Tân Biên, quyển 5 tập thượng có ghi: "Vua Hiệp Hoà thấy ông Tường và ông Thuyết có lập trường chính trị trái ngược mình, liền viết một bức thư giao cho Hồng Sâm, vừa là Bí thư vừa là anh em thúc bá của mình, mang qua toà Khâm để nhờ tay Pháp hạ hai quan Phụ chính trên. Việc lén lút này, bị Nội giám Đạt biết được, mách với ông Tường. Và ông Tường bắt được lá thư nằm trong chiếc hộp sơn, có đóng dấu của nhà vua. Ngay trưa hôm ấy (29/11/1883), sau khi truyền đóng hết tất cả các cửa Hoàng thành lại, triều thần nhóm họp bất thường hạch tội vua Hiệp Hoà. Nhà vua bị buộc ba tội: Thâm lạm công nhu; -Không chịu nghe lời khuyến cáo của các quan Phụ chính; Tư thông với đại diện của Pháp. Vua Hiệp Hoà không cãi được, triều đình buộc ông phải thoái vị... Sau khi ông vua vừa bị phế do dự một lát rồi chọn chén độc dược. Vào khoảng 4h, người ta khiêng ông về đến tư thất, rồi trút hơi tàn vào khoảng mặt trời lặn".
Dưới thời Thành Thái vào năm 1891, ông được truy phong là Văn Lãng Quận vương.
Luật nay: Phải chứng minh được vua Hiệp Hòa phạm tội hay không
Nói về cái chết của ông thì nhiều người đã phản đối cách làm của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, cho đến ngày nay việc làm đó cũng bị lên án. Ông bị những người này ép uống thuốc độc đến chết. Một hành động nhẫn tâm, không đáng có. Lúc đó, thế lực của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường rất mạnh nên vua Hiệp Hòa không thể chống cự được. Bằng chứng là nhiều người phản đối cũng bị xử theo ông.
Cách xử tội của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chiếu theo luật pháp ngày nay thì không thể chấp nhận được và người làm sai phải bị xử theo quy định của luật.
Dựa vào những gì mà sử sách ghi lại thì hành động của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường ra tay giết vua Hiệp Hòa vì họ cho rằng ông có ý thân với địch nên phải giết. Nhưng họ lại tự ý giết ông mà không thông qua một quá trình định tội nào cả. Việc làm đó hoàn toàn trái với pháp luật ngày nay. Theo quy định của pháp luật ngày nay, muốn kết tội ai hay xử tội thì phải chứng minh được người đó phạm tội đồng thời phải đưa vụ án ra xét xử công khai (trừ trường hợp phải yêu cầu xét xử kín). Theo Điều 9 BLTTHS thì: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Ngay trong những quy định của BLTTHS thì đã chỉ rõ những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự (Điều 63). Theo đó, khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; Có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; Có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; Mục đích, động cơ phạm tội; Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Như vậy, muốn kết tội được vua Hiệp Hòa thì Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phải chứng minh được ông có tội bằng chứng cứ rõ ràng.
Khi đó, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường không chứng minh được thì những người đó phải chịu trách nhiệm của mình về việc làm sai trái đó. Hành vi ép người khác uống thuốc độc đến chết nếu có đủ chứng cứ thì sẽ bị buộc vào tội giết người (Điều 93 BLHS). Hình phạt cao nhất của tội này là tử hình.
TƯỜNG LINH