Cả Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi, và anh trai Tamerlan Tsarnaecv, 26 tuổi, người đã thiệt mạng trong cuộc đọ súng ngày 19/4, đều sinh ở Kyrgystan, một người chú của hai anh em nói với các phóng viên. Bố của họ hiện đang sống ở vùng bán tự trị Dagestan thuộc Nga, nằm ngay cạnh Chechnya.
Toàn bộ khu vực này đã một thời gian dài chìm trong bất ổn vì xung đột sắc tộc, các phiến quân Hồi giáo và tình trạng tham nhũng của chính quyền. Tuy nhiên, lịch sử Chechnya vừa có thể làm rõ, lại vừa khiến động cơ của vụ đánh bom trở nên khó hiểu.
Người Chechnya là ai?
Người Chechnya là một nhóm sắc tộc gốc gác ở vùng cực nam biên giới Nga, tức vùng Bắc Caucasus. Cả lịch sử của họ là những cuộc đấu tranh bạo lực giành độc lập. Sau khi Liên Xô tan rã, những người Chechnya đã tiến hành hai chiến dịch lớn đòi độc lập, dẫn tới cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất năm 1994 (một năm sau khi Dzokhar ra đời) và chiến tranh Chechnya lần thứ hai năm 1999. Cả hai cuộc chiến đều rất đẫm máu.
Cuộc tấn công này có liên hệ gì với những cuộc chiến đó?
Có thể, theo lời Christopher Swift, một giáo sư về an ninh quốc gia ở Đại học Georgetown, Mỹ. Swift cho rằng cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai đã chuyển hóa thành một cuộc chiến tranh mang tính tôn giáo cực đoan với những nhân tố jihad của Hồi giáo.
“Cuộc chiến này ban đầu bắt đầu là một cuộc chiến của những người dân tộc chủ nghĩa, như cuộc chiến thứ nhất, nhưng rất nhanh chóng biến hình thành điều gì đó giống hơn với các phong trào Hồi giáo cực đoan Salafi-Jihadi mà chúng ta đã thấy ở những vùng khác nhau trên thế giới”, Swift nói. “Phong trào này nổi lên từ 15 năm chiến tranh và rất cực đoan, mang đậm màu sắc tôn giáo, tàn bạo, nhưng cho tới giờ, nó chỉ khu biệt ở địa phương. Ý thức hệ và luận điệu của họ cũng là chiến đấu chống lại phương Tây, nhưng hoạt động thực tế chủ yếu hạn chế ở Nga và các nước cộng hòa tự trị Chechnya, Dagestan, và Ingushetia. Nên vụ đánh bom ở Boston không thực sự tương hợp với những hoạt động của họ mà chúng ta từng thấy trong quá khứ, dù nó tương hợp với ý thức hệ cực đoan”.
Người Chechnya có liên hệ ra sao với đạo Hồi?
Phần đông người Chechnya là người Hồi giáo, và Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) cho biết có một số liên hệ giữa những phiến quân Chechnya và Al Qaeda. Nước Mỹ cũng từng công khai khẳng định Osama bin Laden “đã đổ dầu vào lửa ở Chechnya”.
Bộ ngoại giao Mỹ xác định những người bỏ tiền bảo trợ cho Al Qaeda cũng bỏ tiền cho các phiến quân Chechnya, theo CFR. Nhóm lớn nhất trong những nhóm Hồi giáo ở đây là Lữ đoàn Hồi giáo gìn giữ hòa bình quốc tế (ITPB). Một nhóm khác, Trung đoàn Hồi giáo vì các mục đích đặc biệt (SPIR) có tên trong danh sách các tổ chức khủng bố của Bộ ngoại giao Mỹ.
Viện nghiên cứu Trung Á-Caucasus của Mỹ nói những ý tưởng jihad và thành lập một nhà nước Hồi giáo đã lan rộng trong người Chechnya khi họ cũng bị cuộc chiến buộc rời quê hương lang bạc khắp Trung Đông.
Những nhóm Chechnya có từng tiến hành tấn công khủng bố trước kia?
Những nhóm Chechnya đã tuyên bố nhận trách nhiệm với nhiều vụ tấn công khủng bố lớn ở Nga trong 10 năm qua, bao gồm vụ tấn công năm 2004 vào một trường học ở Nga khiến hơn 350 người, trong đó có rất nhiều trẻ em, thiệt mạng.
Ngoài việc đánh bom các trung tâm mua sắm, căn hộ chung cư, các cuộc diễu hành và xe lửa trong những năm qua, các nhóm Chechnya cũng đã tấn công một nhà hát ở Moskva năm 2002 trong đó họ bắt giữ hơn 700 khán giả làm con tin. Các lực lượng Nga đã dùng hơi cay và hơi ngạt để giải quyết vụ bắt cóc con tin, nhưng cũng khiến nhiều con tin và cả những kẻ bắt cóc thiệt mạng.
Rất nhiều khủng bố người Chechnya là phụ nữ có chồng chết trong các cuộc chiến, họ trở nên nổi tiếng với biệt danh Những góa phụ áo đen, tạo thành một nhóm khủng bố liều chết hết sức liều lĩnh và đặc biệt nguy hiểm. Năm 2010, các phiến quân Chechnya cũng đã nhận trách nhiệm với vụ đánh bom hai nhà ga xe điện ngầm ở Moskva, khiến gần 40 người thiệt mạng.
Dagestan có liên quan gì không?
Dagestan cũng là một vùng nằm ở biên giới Nga, một phần của Bắc Caucasus và có biên giới với Chechnya. Dù Dagestan không tiến hành chiến tranh đòi ly khai với Nga sau khi Liên Xô tan rã, đây là một nhà nước tự trị ít pháp luật và tham nhũng lan tràn. Dần dần, các phiến quân Chechnya thiết lập được chỗ đứng ở Dagestan. Vùng này cũng nhanh chóng trở nên bất ổn với cứ vài ngày lại diễn ra những vụ đánh bom, nổ súng hoặc bắt cóc.
Theo Thể thao & Văn hóa