Trước các ý kiến cho rằng, quy định xử phạt đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 71, trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Anh Sơn (Văn phòng Luật sư Việt Thái – Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nói:
“Nghị định 71 ban hành ra để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngăn ngừa, xử lý các hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông. Như vậy, chỉ những hành vi nào mà gây mất trật tự, an toàn giao thông thì mới nên đưa vào Nghị định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông”.
Theo LS. Sơn, nếu không sang tên đổi chủ thì phạt người có tên trong đăng ký xe (Ảnh: Tiến Dũng)
Theo LS. Sơn, “hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” không phải là hành vi gây mất trật tự an, an toàn giao thông. Người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông chỉ cần đáp ứng được các điều kiện về bằng lái xe và khi mượn xe, thuê xe thì cần có đầy đủ các giấy tờ mà pháp luật quy định là được. Vì vậy, theo quan điểm cá nhân việc “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” nên quy định tại các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí”.
LS. Nguyễn Anh Sơn cũng cho rằng: “Nếu có căn cứ chứng minh hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định thì chủ phương tiện sẽ là người bị phạt. Chủ phương tiện ở đây chính là người được ghi tên trên đăng ký xe.
Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng mà người dân, đặc biệt là chủ sở hữu phương tiện chưa quan tâm lưu ý. Bởi lẽ, khi chưa thực hiện các thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu thì về nguyên tắc phương tiện đó vẫn là thuộc quyền sở hữu của người có tên ghi trong giấy đăng ký xe.
Vấn đề hậu quả pháp lý phát sinh sau này là người chủ phương tiện sẽ có trách nhiệm đối với mọi việc phát sinh khi người điều khiển xe vi phạm pháp luật, hoặc gây tai nạn... Người chủ phương tiện sẽ là người trực tiếp liên quan. Người nhận chuyển nhượng trên thực tế cũng sẽ gặp nhiều rủi ro khi chưa sang tên mình.
Do đó, để tránh phiền phức và những thiệt hại về sau thì các bên nên chuyển nhượng quyền sở hữu xe để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên và người thứ ba”.
Khi được hỏi về quy định có phải bắt buộc mang các giấy tờ chứng minh là đã đóng Quỹ bảo trì đường bộ được quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ban hành ngày 13/3/2012 hay không, ông Sơn cho rằng:
“Nghị định 18/2012/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 01/6/2012, tuy nhiên, do hiện tại tình hình kinh tế đang gặp khó khăn nên nếu áp dụng ngay quy định này trên thực tế thì sẽ gây áp lực lớn đến đời sống nhân dân nên thời hạn áp dụng Nghị định trên đã được lùi lại đến ngày 01/01/2013 mới chính thức áp dụng.
Mặc dù vậy, có một vấn đề pháp lý đặt ra đó là theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 8 Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định hành vi không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Ông Sơn nói tiếp: “Theo quy định của pháp luật thì khi tham gia giao thông người điều khiển phương tiện phải mang đầy đủ và xuất trình được các giấy tờ như Giấy phép lái xe; Đăng ký xe; Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Nếu không có thì người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị xử phạt về hành vi này.
Trong các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không có quy định nào bắt buộc hoặc xử phạt trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông phải mang giấy tờ chứng minh mình đã đóng Quỹ bảo trì đường bộ.
Do đó, về nguyên tắc thì người điều khiển phương tiện không bắt buộc phải mang và xuất trình trước cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, quy định này cũng có thể được quy định trong dự thảo hướng dẫn Nghị định 18/2012/NĐ-CP hoặc văn bản pháp luật khác có liên quan”.
“Nếu các quy định về đóng phí bảo trì đường bộ được thực thi trên thực tế thì nên mang theo các giấy tờ chứng minh việc mình đã đóng đầy đủ các khoản phí trên theo quy định của pháp luật”, ông Sơn đưa ra lời khuyên.
Khi Nghị định 71 của Chính phủ được áp dụng vào cuộc sống, dù có nhiều ý kiến được đăng tải trên các trang báo, nhưng các trang mạng xã hội vẫn là nơi quy tụ một lượng ý kiến khổng lồ. Thậm chí có những nhóm hội được lập ra chỉ nhằm mục đích… bàn luận về Nghị định. “Sức nóng của Nghị định 71 trên các trang mạng xã hội mà đặc biệt là facebook, người viết có thể hơi đi quá một chút nhưng đó là văn hóa Facebook của một bộ phận dân cư” – Tiến sĩ Vũ Cao Đàm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách cho biết. Xác định rõ đối tượng điều chỉnh của Nghị định. “Từ khi ban hành, đối tượng điều chỉnh mà Nghị định hướng tới là không đúng. Để quản lý việc mua bán xe không sang tên đổi chủ thì phải quản lý người mua bán xe chứ không phải quản lý người đi đường. Xuất phát từ việc xác định đối tượng điều chỉnh không đúng dẫn tới “làn sóng” phản đối mạnh mẽ của cư dân mạng trong những ngày qua” – Tiến sỹ Vũ Cao Đàm nêu lên quan điểm của mình. Cũng là một người “theo sát” những dòng dư luận trên các trang mạng xã hội về Nghị định, ông Đàm nhận thấy: “Trên Facebook cũng như các trang mạng xã hội, việc cư dân mạng phản đối như thế không có gì là quá đáng. Đó là nơi tự do bày tỏ suy nghĩ của mọi người, là nơi giao lưu nên bản thân tôi không có phản cảm gì với những ý kiến trong đó có cả phản đối, có cả đóng góp và cả sự đồng tình. Người viết có thể hơi đi quá một chút nhưng đó là văn hóa Facebook của một bộ phận dân cư”. Tiến sĩ Vũ Cam Đàm bày tỏ: “Chúng ta không thể đổ lỗi cho khâu tuyên truyền. Việc tuyên truyền để định hướng dư luận theo một hướng nào đó, tôi cho là không đúng. Không phải vì thiếu tuyên truyền mà dân không biết luật, đó là coi thường dân. Lẽ ra ngay từ khi ban hành Nghị định 71 nói riêng hay bất kì văn bản Pháp luật nào, cơ quan chức năng cũng phải xác định thật rõ đối tượng điều chỉnh thì mới thuyết phục được dân và không tạo nên những sự phản đối gay gắt như thế”. |
Theo GDVN