Thời gian qua, một số nghị định hướng dẫn luật đã đưa ra các quy định trái với luật. Điều đáng nói là bản dự thảo nghị định ban đầu khi đính kèm với dự thảo luật trình Quốc hội thông qua thì bám sát luật nhưng sau khi Quốc hội thông qua luật rồi thì các bộ, ngành đã “thay da đổi thịt”, đặt thêm nhiều quy định mà trong luật không có.
Đặt thêm điều kiện
Gần đây, nghị định hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân đã nhận nhiều phản ứng khi quy định cá nhân chỉ được miễn thuế khi chuyển nhượng nhà, đất duy nhất với điều kiện phải sở hữu trên 183 ngày (tương đương sáu tháng) và phải chuyển nhượng toàn bộ.
Nhiều ý kiến phản ứng từ khi quy định trên còn ở dạng dự thảo nghị định và dự thảo thông tư. Bởi lẽ Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua tháng 11-2012 không đề cập gì đến điều kiện miễn thuế với trường hợp chuyển nhượng bất động sản nói trên. Luật cũng không giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn về trường hợp này. Thế nhưng nghị định hướng dẫn đã đặt thêm điều kiện là không đúng với luật.
Đặc biệt, xét lại quá trình ban hành luật sẽ thấy vào thời điểm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, ban soạn thảo phải trình kèm bản dự thảo nghị định hướng dẫn. Bản dự thảo nghị định từng được trình kèm khá ngắn gọn, đi đúng vào những điểm mà luật giao cho Chính phủ hướng dẫn, không chệch và cũng không đặt thêm điều kiện vượt luật. Thế nhưng sau khi Quốc hội thông qua luật thì Bộ Tài chính đã sửa tới sửa lui bản dự thảo nghị định hướng dẫn, sau đó trình Chính phủ ban hành, đã đặt thêm điều kiện hưởng miễn thuế.
Đáng lo lắng là hiện nay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định về bản dự thảo nghị định hướng dẫn luật đính kèm với luật khi trình Quốc hội, cũng không bắt buộc các bản dự thảo sau đó và nghị định được ban hành phải sát sườn với bản dự thảo ban đầu trình kèm luật.
Vẽ thêm nhiều trường hợp
Không riêng gì Luật Thuế thu nhập cá nhân bị hướng dẫn xa rời, hiện nay Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) sửa đổi và Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi cũng đang chịu tình trạng bị “nghị định đè”. Cụ thể, trong bản dự thảo Luật Thuế thu nhập DN và dự thảo nghị định trình Quốc hội có nội dung liên quan đến phần chi phí hợp lý của DN. Tuy nhiên, hai bản dự thảo đều không đề cập gì đến phần khấu hao đối với ô tô dưới chín chỗ ngồi của DN tư nhân, công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ, cũng không đề cập đến phần tiền trả tiền lương, tiền công cho chủ công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ. Thế nhưng sau khi Quốc hội thông qua luật thì những bản dự thảo nghị định hướng dẫn tiếp sau đó do Bộ Tài chính xây dựng đã biến đổi không ngờ, thêm khá nhiều nội dung mà trong luật không đề cập đến, không cho khấu hao, không cho tính vào chi phí hợp lý hai khoản chi nói trên. Điều này ảnh hưởng bất lợi cho DN.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng cần xem lại việc hướng dẫn luật sao cho Chính phủ, các bộ, ngành không làm luật vượt cả Quốc hội. Các bộ thường đưa ra lý do là trong luật, Quốc hội có giao cho Chính phủ, cho bộ hướng dẫn thì bộ được quyền hướng dẫn. Tuy nhiên, phải thấy rằng Quốc hội giao hướng dẫn điều nào thì Chính phủ, bộ, ngành hướng dẫn điều ấy mà thôi, đồng thời việc hướng dẫn không được đặt thêm điều kiện mới. Ví dụ với các nghị định về thuế nói trên, nếu Bộ Tài chính thấy rằng cần phải đặt điều kiện hưởng miễn thuế thu nhập cá nhân, cần phải loại trừ các khoản chi phí không hợp lý của DN… thì cứ mạnh dạn đưa luôn vào luật, đưa vào dự thảo nghị định trình kèm luật để Quốc hội xem xét thông qua. Đằng này khi trình Quốc hội thì không có, sau đó lại thêm vào các quy định không có trong luật, thế là vượt luật, vượt mặt Quốc hội rồi còn gì!
Cần làm “sách trắng” liệt kê nghị định vượt luật Việc nghị định hướng dẫn “vượt” luật là một nguy cơ tương đối lớn, VCCI chúng tôi từng nhiều lần khuyến nghị rằng nghị định hướng dẫn cần theo sát luật và nằm trong khuôn khổ của luật mà thôi, không được đặt thêm điều kiện mới vì thường là các điều kiện này gây khó khăn cho DN. Tuy nhiên, thực trạng lâu nay là các bộ thường không chịu đưa các điều kiện vào rõ ràng trong luật mà để lại nhằm đẩy quy định vào nghị định, vì quy trình ban hành nghị định có dễ dàng hơn. Chúng tôi cũng dự định làm hẳn “sách trắng” nhằm rà soát, tập hợp những quy định hiện có trong nghị định, thông tư có nội dung trái với luật, vượt luật để cảnh báo và để cho các cơ quan có chức năng xử lý chứ không dừng ở nói chung chung hay khuyến nghị nữa. Tuy nhiên, VCCI cũng chỉ là một thành phần trong ban soạn thảo. Có những ban soạn thảo cầu thị thì khi VCCI đưa ra ý kiến, họ có tiếp thu, chỉnh sửa, thậm chí chúng tôi có thể tham gia ý kiến bất cứ lúc nào. Nhưng cũng có nhiều ban soạn thảo không cầu thị, chỉ mời tham gia soạn thảo cho đủ thành phần để sau này thông qua nghị định cho hợp pháp. (Theo ông ĐẬU ANH TUẤN, Phó ban Pháp chế VCCI) Bớt giao hướng dẫn Gần đây, khi thảo luận về dự án Luật Hải quan, ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng xu hướng hiện nay là luật càng rõ ràng càng tốt, hạn chế giao cho Chính phủ, bộ, ngành hướng dẫn thêm. Thậm chí nếu thấy dự thảo nghị định hướng dẫn trình kèm luật có hướng dẫn một điều luật nào đó mà rõ ràng rồi thì nên đưa luôn nội dung đó vào luật, rồi khỏi giao hướng dẫn nữa. |
Theo Quỳnh Như (Pháp luật TP HCM)