Cha mẹ bận rộn làm "công tác tư tưởng"
Vừa nghỉ hè, nghe tin có khóa học tu mùa hè dành cho lứa tuổi học sinh, chị Nguyễn Yến (Tp.HCM) liền thuyết phục con đi ngay. Hè năm nay, chị quyết định cho con gái Thủy Tiên (12 tuổi) theo học một khóa tu 7 ngày tại ngôi chùa gần nhà.
Chị Yến chia sẻ, những hè trước chị gửi con cho ông bà các con chỉ toàn chăm chăm xem điện thoại, ti vi, không chịu vận động. Chưa kể, ở độ tuổi tiền dậy thì, suy nghĩ và tính cách của con có nhiều thay đổi, nhiều lần, con cáu gắt và chống đối bố mẹ. Khi cho con tham gia khóa tu, bên cạnh trải nghiệm các hoạt động vui chơi, chị hy vọng con có thể thay đổi một phần tính cách.
Theo chị Yến, gia đình bạn chị từng thành công khi có con trẻ đã tham gia khóa tu. Bởi vậy, chị hy vọng “hoàn thành khóa học, con được như vậy thì mừng quá".
Cùng quan điểm, chị Thanh Tuyền Tp.HCM cũng đang ráo riết tìm cho con môi trường vừa học tập, vừa được trải nghiệm các hoạt động tập thể. Được biết, hè năm ngoái, chị cũng cho con tham gia một khóa tu và nhận thấy con có nhiều thay đổi tích cực.
Để yên tâm hơn, trước khi đăng ký, chị Yến và chị Tuyền đều tìm hiểu rất kỹ về các hoạt động, chương trình trong khóa tu. Ngoài ra, hai gia đình còn giúp con chuẩn bị tâm lý, phân tích để con hiểu nếp sống nơi thiền tịnh trước khi cho con tu học.
Khi tìm hiểu khóa tu, chị Yến cho biết ngoài việc được vui chơi, các con phải tuân thủ chặt chẽ giờ sinh hoạt như thức dậy lúc 4h30 và đi ngủ lúc 21h, không sử dụng điện thoại, máy tính bảng, không làm việc khác trong giờ sinh hoạt theo thời khóa.
Hiểu tính cách con, trước khi đăng ký, chị thường cho con xem những video về các hoạt động vui chơi, giảng dạy của khóa tu. Chị cũng phân tích để con hiểu được nếp sinh hoạt trong chùa.
Ban đầu, con không chịu đi vì phải xa nhà mấy ngày. Sau khi bố mẹ, ông bà khuyên nhủ, lại thấy đông bạn bè, con cũng đồng ý. Cuối tháng 6 này, Thủy Tiên sẽ tham gia khóa tu kéo dài 7 ngày.
Trong khi đó, chị Thanh Tuyền tìm hiểu khóa tu cho con sau khi thấy bạn bè gửi con vào chùa dịp hè. Năm ngoái, chị đã đăng ký cho hai con (một bé 12 tuổi, bé còn lại 10 tuổi) tham gia tại nơi cách nhà đến 100 km. Năm nay, hai vợ chồng thống nhất đăng ký khóa gần nhà, vừa để gần con, vừa thuận tiện việc đưa đón.
Chị Tuyền nói thêm trước đây, khi gửi con lên chùa, chị cũng phải làm công tác tư tưởng, khơi gợi những điều lợi lạc, vui vẻ để con có thể hào hứng tham gia mà không cần ép buộc. Chị cũng cho con tìm hiểu trước các hoạt động trong khóa tu, giúp con có thể bắt kịp, hòa nhập với mọi người.
Tuy nhiên, sau khi trở về từ khóa tu năm ngoái, chị yên tâm khi con khoe được chơi trò chơi, ăn uống cùng các bạn và được nghe thầy giảng. Ngoài ra, con cũng biết để ý cảm xúc người xung quanh hơn, thậm chí còn tự giác làm việc, phụ mẹ việc nhà.
Để con tham gia trải nghiệm là điều tốt, tuy nhiên không phải bé nào cũng muốn tham gia các khóa tu tập. Bởi vậy, tùy theo sở thích các bé mà bố mẹ có thể có lựa chọn phù hợp.
Trường hợp, chị Đinh Thúy An, nhà ở Bình Thạnh, Tp.HCM từng chia sẻ với báo chí là một điển hình. Chị An kể, chị gửi con trai 11 tuổi theo một khóa tu hè tại chùa. Được hết ngày thứ hai, nhà chùa đã gọi điện mời bố mẹ lên để trao đổi. Cháu khóc lóc, đêm cháu không thể nào ngủ được, chứ nghe văng vẳng tiếng tụng kinh bên tai thấy sợ. Sau đó, chị đã phải đón con về.
Cha mẹ cần thấu hiểu con trẻ
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, chuyên khoa Tâm lý lâm sàng trẻ em chia sẻ khi lựa chọn bất kỳ hoạt động hay khóa học nào, phụ huynh phải cần tính đến tính cách, nhu cầu, sở thích khác nhau của mỗi đứa trẻ.
Nhiều đứa trẻ hiếu động, luôn tay luôn chân, cha mẹ mong gửi vào các khóa tu... để mong các em trầm lặng, ngồi nghe những bài giảng hàng giờ đồng hồ có thể gây ức chế cho trẻ. Từ đó, trẻ có thể gây ảnh hưởng, phiền hà đến người xung quanh.
Ông Khanh khuyến cáo, phụ huynh cần phải hiểu về tính cách, nhu cầu và cả mong muốn của trẻ, đừng chỉ vì mong muốn của mình mà làm mất niềm vui ngày hè của các các con.
Phụ huynh cần hỏi ý kiến của trẻ tránh cho trẻ cảm giác ức chế vì bị bắt buộc, bỏ rơi. Ngoài ra, nói cho con về những nguyên tắc khi tham gia các khóa tu để tránh dang dở, thất vọng.
Đặc biệt, ông Khanh nhấn mạnh việc cho con tham gia vào các khóa tu với kỳ vọng tham gia hoạt động tích cực con mình sẽ thay đổi, sẽ ngoan, linh hoạt hơn, thậm chí "hết hư"... là điều quá sức.
Một chuyên gia tâm lý ở TPHCM thẳng thắn, cha mẹ gửi con đến các khóa học kỹ năng sống như học kỳ quân đội, các khóa tu hè... thường vì nhu cầu của chính mình nhiều hơn là của con trẻ.
Có thể xem đó là một khóa để có những trải nghiệm sẽ nhẹ nhàng hơn cho tất cả, còn không hãy để trẻ về thăm ông bà nội ngoại và sống ở đó có khi còn tốt hơn là "đẩy" trẻ vào các chương trình này với đủ thứ kỳ vọng "trút" lên đầu con trẻ.
Hồng Anh (T/h theo Zing, Dân trí)