Ý tưởng táo bạo
Hơn 20 ngôi làng bên sông Hoài Hà thuộc địa bàn huyện Trầm Khâu, tỉnh Hà Nam được coi là “làng ung thư”. Theo thống kê của một tổ chức phi chính phủ địa phương, giai đoạn 1990-2005, hơn 40% dân làng mắc một số dạng ung thư. Thực trạng này bắt đầu được nhắc đến từ năm 2004. “Ô nhiễm sông Hoài Hà là một chủ đề nóng tại thời điểm đó. Sau một thời gian, chúng tôi nghĩ việc tìm hiểu những gì đang diễn ra và điều kiện sống của người dân ở đó thay đổi thế nào rất quan trọng”, Thôi Nhị, người sáng lập dự án của nhóm sinh viên Khoa học công nghệ hồi năm 2007 cho biết. Thôi Nhị đề xuất ý tưởng, có 10 sinh viên ở các ngành học đăng ký tham gia.
Nhiều dân làng ở Trầm Khâu, Hà Nam, Trung Quốc buộc phải dùng nước giếng khoan bẩn
Tháng 6-2007, lần đầu tiên đến các ngôi làng ở Trầm Khâu đối với nhóm sinh viên là những ký ức kinh hoàng. Họ tới làng Hoàng Mạnh Doanh đầu tiên, nơi bệnh ung thư đường tiêu hóa đang hoành hành. Khoảng một nửa số ca tử vong trong vòng 10 năm ở làng này liên quan đến ung thư. Nạn nhân ít tuổi nhất, một em bé 1 tuổi đã chết vì ung thư đường ruột. Thôi Nhị nhớ họ đi qua một con đường lát gạch màu đỏ gọi là “ngõ ung thư”, ít nhất 8 dân làng trong một đoạn ngõ 100m đã chết vì ung thư trong vòng 2 tháng. Những người còn sống phải bỏ đi nơi khác. ”Đi bộ trong làng, chúng tôi có cảm giác nặng nề. Nhiều bệnh nhân ung thư đang sống trong đau đớn và chờ chết vì họ không có tiền chữa bệnh”, Thôi Nhị thở dài.
Nhìn thấy các sinh viên, dân làng Hoàng Mạnh Doanh bảo phải cố cứu sống họ. Nhưng ở làng Dongsunlou Đông Tôn Lâu, ban đầu nhóm sinh viên không được chào đón. “Dân làng đứng ở cửa, nhìn chằm chằm vào chúng tôi đầy nghi ngờ. Khi chúng tôi đến gần, họ lập tức né tránh”, Lý Kim Cương kể. Các sinh viên đại học đã xua tan mối ngờ vực ban đầu bằng cách đến từng nhà thu thập thông tin và tuyên truyền cách phòng ngừa bệnh ung thư.
Âm thầm để được… thừa nhận
Trong vòng 1 tháng, các sinh viên bận rộn đến hầu khắp tất cả các ngôi làng ở huyện Trầm Khâu, theo dõi chất lượng nước, nói chuyện với người dân địa phương và ghi lại điều kiện sống của họ. Họ tổ chức hội nghị chuyên đề với các cơ quan bảo vệ môi trường và nước về chống ô nhiễm nguồn nước, cập nhật các thông tin về tỷ lệ ung thư. Cứ thế mỗi năm một tháng hè, các sinh viên tập trung chủ yếu vào việc thanh lọc nước, cải thiện môi trường sống và giúp đỡ dân làng.
Nguyên nhân tử vong của cư dân vùng này liên quan đến hiện tượng ô nhiễm tràn lan của sông Hoài Hà và nhánh của nó, sông Sa Dĩnh do sự “bủa vây” các nhà máy hóa chất, thuộc da, nhà máy giấy và nhà máy sản xuất mì chính. Những ngôi làng càng gần sông thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao.
Các sinh viên nghĩ cần phải làm điều gì đó, nhưng khi họ đề nghị phạt hay đóng cửa các nhà máy ô nhiễm nặng, một số quan chức địa phương không muốn để lộ vấn đề, thậm chí gây cản trở điều tra. Các sinh viên sau đó nhận ra rằng họ phải tìm được đồng minh. Họ liên lạc với cơ quan bảo vệ sông Hoài Hà chuyên thanh lọc nước uống cho khu vực môi trường bị ô nhiễm, hỗ trợ y tế cho nạn nhân ung thư và giám sát ô nhiễm sông. Nhóm đã thành công trong việc đóng cửa một nhà máy sản xuất mì chính.
Thực ra chính quyền trung ương có kế hoạch đào giếng sâu hơn để người dân có nước sinh hoạt an toàn nhưng việc này tốn thời gian cũng như tiền của. Dần dà, các sinh viên đã thuyết phục để có được khoản tiền khởi động cần thiết là 220.000 nhân dân tệ để lắp đặt máy lọc nước ở một số làng. “Tiền tài trợ cho dự án lọc nước rất cần thiết nhưng quan trọng hơn là chính phủ thừa nhận sự tham gia của công chúng trong việc bảo vệ môi trường và giám sát ô nhiễm”, Thôi Nhị nói.
Cuộc sống hồi sinh
Lý Kim Cương nhớ lại lần đầu tiên đến thăm làng Hoàng Mạnh Doanh, học sinh ở đây đeo khẩu trang trong lớp học để ngăn mùi hôi của nước ô nhiễm, nhưng từ năm 2009, thói quen này đã bị từ bỏ. Trong khi đó, tỷ lệ mắc ung thư giảm dần nhờ các dự án lọc nước được sinh viên tham gia cũng như giếng khoan sâu do chính quyền đầu tư.
Cuối tháng 6 này, các sinh viên đã lên kế hoạch cho chuyến tình nguyện hè năm nay. Họ sẽ mở một trang web để cập nhật thông tin về các ngôi làng này cũng như cách kiểm soát và bí quyết phòng ngừa ung thư. Các sinh viên cũng đã kêu gọi lập quỹ học bổng giúp trẻ em nghèo tại đây, mỗi năm ít nhất 10 gia đình được hỗ trợ số tiền lên tới hàng nghìn nhân dân tệ. Có những cựu sinh viên tiếc nuối không thể tham gia cuộc điều tra khảo sát năm nay vì phải sang Mỹ học cao học ngành xử lý nước nhưng tin rằng một ngày nào đó họ sẽ trở lại để giúp người dân những làng ung thư được nhiều hơn.
Theo An Ninh Thủ Đô