Số lượng người mắc bệnh tăng cao
Tại thời điểm này, hầu như tất cả các quận huyện trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội đều ghi nhận có người mắc bệnh đau mắt đỏ.
Chị Thúy, nhân viên văn phòng, nhà ở quận 6, cho biết cuối tuần trước thấy mắt mình cộm cộm, nên nghĩ chỉ là đau mắt thông thường nên không để ý, cứ nghĩ ngủ một giấc dậy sẽ hết. “Nhưng đến hôm sau đã phát bệnh, phải đi vào bệnh viện khám. Hôm sau nữa thì lây hết cho cả 4 đứa em ở nhà. Giờ trong nhà mỗi người đeo một cặp kính, chẳng dám đi đâu vì sợ lây nhiễm cho người khác. Mấy ngày nay phải xin sếp cho nghỉ, làm việc ở nhà chứ đến cơ quan mà phải mang kính như “xã hội đen” thì ghê lắm”, chị Thúy kể về “cái sự khổ” từ dịch đau mắt đỏ.
Người lớn, trẻ em ngồi chờ đến lượt khám, chữa bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt TP.HCM sáng 24/9.
Tại Hà Nội, cho đến hết ngày 24/9 số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ ở Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn không giảm. Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 1.000 đến 2.000 bệnh nhân, trong đó 20% bị đau mắt đỏ. Số bệnh nhân đau mắt đỏ chiếm từ 20 % tổng số bệnh nhân đến khám về mắt. Bác sĩ Cương cho biết, theo kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị bệnh đau mắt đỏ, đợt không khí lạnh về miền bắc từ ngày hôm nay sẽ giúp tình hình bệnh đau mắt đỏ được kiểm soát tốt hơn. Theo BS Cương, kinh nghiệm cho thấy, cứ mỗi đợt không khí lạnh, thời tiết khô hanh hơn, độ ẩm không khí thấp, virus lây bệnh phát tán chậm hơn. Thời gian qua, bệnh phát tán nhanh, lan rộng là do thời tiết mưa nắng thất thường, hai cơn bão số 8 và số 9 ập đến liên tục càng khiến bệnh lan nhanh trong cả nước. D.Thu |
Tương tự, anh Hân, nhà ở quận 5 kể, cách đây hơn tuần, trong cơ quan anh có một chị bị đau mắt đỏ, rồi từ từ lây sang nhiều người, giờ vào phòng làm việc, chẳng ai dám nhìn vào mặt ai vì sợ lây bệnh cho nhau. “Đau mắt đỏ anh hưởng đến công việc rất nhiều, vì cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở mắt. Chỉ cần nhìn vào màn hình máy tính một chút là mắt cay xè, chảy nước không thể nào chịu được nữa. Nhiều đồng nghiệp trong công ty đã phải xin nghỉ 3-5 ngày để “dưỡng thương””, anh Hân trần tình.
Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt TP.HCM, trong tháng 8/2013, bệnh viện đã khám và điều trị cho 3.906 bệnh nhân bị bệnh viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ), tăng 11,7% so với năm 2012. Đặc biệt, chỉ tính riêng từ ngày 2/9 đến 22/9, số bệnh nhân tới khám là 3.641 bệnh nhân, tăng 83,9% so với năm ngoái.
Ths.BS Bùi Thị Thu Hương – trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, cứ vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm không khí thay đổi, virut gây bệnh đau mắt đỏ lại phát triển nhanh chóng. Thêm vào đó, do sự dịch chuyển liên tục của dân cư, từ khu vực này sang khu vực khác nên mầm bệnh nhanh chóng được lây lan, dẫn tới số người mắc bệnh ngày càng nhiều.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, BS Nguyễn Thành Danh, cho biết, trung bình mỗi ngày tại Khoa mắt có từ 250 - 280 bệnh nhi bị đau mắt đỏ đến khám, có ngày số bệnh nhân lên tới hơn 360 cháu. Theo BS Danh, so với những năm trước, năm nay số lượng bệnh nhân tăng cao hơn, mùa dịch cũng kéo dài nhưng tình trạng bệnh không nặng và phức tạp, bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc nhỏ mắt, tùy trường hợp có thể kết hợp cả thuốc uống là có thể khỏi trong vài ngày. Mặc dù vậy, hiện tại vẫn có hàng chục ca biến chứng tổn thương giác mạc gây giảm thị lực do bệnh nhân chưa có kinh nghiệm, tự sử dụng thuốc không đúng cách.
Trường học “đau đầu” vì đau mắt đỏ
Hàng trăm người chờ khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt TP.HCM.
Không chỉ các cơ quan, công sở, bệnh đau mắt đỏ đã “tấn công” vào nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM. Cô Hồ Thị Trúc Linh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (Tân Bình) cho biết, tuần vừa qua, trường có 32 em học sinh xin nghỉ học vì bị đau mắt đỏ, dự kiến tuần này số em nghỉ học sẽ còn tăng lên. Hiện nhà trường đã thông báo cho phụ huynh do đang trong mùa dịch nếu phát hiện hay nghi vấn trẻ bị đau mắt đỏ thì chủ động cho con em nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời, giáo viên phải báo cáo số lượng trẻ nghỉ học thường xuyên để nhà trường thống kê và báo cho trạm y tế phường xử lý.
Tương tự, một số trường mầm non ở các quận 6, Gò Vấp như Họa Mi, Lạc Long Quân…, số lượng học sinh xin nghỉ học vì đau mắt đỏ ngày càng nhiều.
Trước tình hình bệnh dịch ngày càng tăng cao, vừa qua, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM ban hành văn bản khẩn về việc phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ xảy ra trong trường học.
Ông Trần Khắc Huy, trưởng Phòng Công tác Học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết Sở đã thông báo cho ban giám hiệu các trường, đồng thời tập huấn cho giáo viên khi phát hiện học sinh bị đau mắt đỏ phải báo ngay cho cha mẹ học sinh để chữa trị đồng thời cho các em nghỉ học để tránh lây lan rộng. Nhà trường phải phối hợp cùng trạm y tế phường để nắm số lượng trẻ bị bệnh này và tiến hành khử khuẩn thường xuyên trường lớp và dụng cụ học tập. Ngay từ đầu năm, Sở đã quán triệt các trường phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe học sinh và chú ý nhiều khi có những đợt dịch bệnh để tránh lây lan. Hiện nay, các trường đều có phòng y tế và nhân viên y tế thường xuyên kiểm tra, xử lý để phát hiện sớm nhất trẻ bị bệnh khi đang ở trường.
Theo ThS.BS Nguyễn Thành Danh – Bệnh viện Nhi đồng 2, đau mắt đỏ thường do virut Adenovirus gây nên. Các virut này có nhiều trong nước mắt, ghèn, nước bọt… của người bệnh. Trong quá trình dùng chung các dụng cụ cá nhân như ly, tách, khăn mặt…, các vi khuẩn này lây lan sang cho người khác một cách nhanh chóng. Đối với người chưa bị bệnh, cần thường xuyên rửa tay chân sạch sẽ, súc miệng nước muối thường xuyên. Tránh đến những nơi đông người, đặc biệt là nguồn dịch. Không dùng chung đồ, dụng cụ với người bệnh, uống thật nhiều nước để cơ thể có thể thải được độc tố trong cơ thể. Khi đi ra ngoài, cần đeo kính chắn bụi, chắn virut. Đối với người bệnh, cần rửa mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý, đồng thời tới ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và cho thuốc. Trước khi vệ sinh mắt, cần vệ sinh tay chân thật sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn có tác dụng tốt hạn chế virut đau mắt đỏ cho người khác. Nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Với trẻ nhỏ, cần cho nghỉ ngơi ở nhà, tránh đến những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học để tránh lây bệnh. |
Theo Khám phá