Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay người lao động được nghỉ 4 ngày, đây là dịp để người dân lựa chọn du lịch hoặc về quê thăm người thân.
Gia đình anh Tuyến (Hà Tĩnh) chia sẻ gia đình anh có 3 con nhỏ nên nghỉ lễ năm nay gia đình anh lựa chọn về quê thăm bố mẹ.
"Trước khi về quê tôi cũng chuẩn bị sẵn những vật dụng cần thiết, tuy nhiên về các loại thuốc cần phải mang theo thì chưa có nhiều kinh nghiệm", anh Tuyến cho biết.
Khác với nhiều gia đình lựa chọn về quê, chị Nguyễn Hồng (Hà Nội) lựa chọn đi du lịch cùng gia đình dịp lễ này. Năm nay gia đình chị chọn Phú Quốc là điểm đến.
"Tôi có hai con nhỏ nên khi đi du lịch tôi cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng các đồ dùng sinh hoạt cá nhân, thuốc hạ sốt cho con phòng khi con ốm do thay đổi thời tiết đột ngột", chị Hồng chia sẻ và cho biết việc chuẩn bị kỹ lưỡng khi đi chơi sẽ giúp chuyến đi được vui vẻ, an toàn.
Trước băn khoăn về việc nên chuẩn bị thuốc gì khi đi du lịch hoặc về quê, trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết có 6 nhóm thuốc cần mang theo khi đi du lịch bao gồm: Đầu tiên là các thuốc điều trị các bệnh mãn tính mà vẫn thường dùng như thuốc tiểu đường, huyết áp;
Hai là các thuốc chống say tàu xe (dạng viên hoặc dạng cao dán); ba là các loại thuốc dùng ngoài như thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, kem bôi chống muỗi hoặc chống nắng, chống ẩm…;
Thứ tư là các thuốc hạ sốt, an thần và giảm đau; năm là các loại thuốc về tiêu hóa để phòng khi ăn khó tiêu, ợ hơi, táo bón; cuối cùng là các thuốc chống dị ứng, các thuốc kháng histamine để giải quyết tình trạng dị ứng.
Bên cạnh đó, BS. Huy Hoàng cũng chỉ ra những lý do khiến không ít người dễ bị đau bụng khi đi du lịch đó là có xu hướng thử nhiều loại đồ ăn mới, đặc sản ở vùng đất nơi đến du lịch. Hai là do hệ miễn dịch không quen đối với hệ vi khuẩn trong đồ ăn thức uống.
Ba là, sức đề kháng có thể giảm do sử dụng rượu bia, ăn ngủ không điều độ, đúng giờ cũng có thể khiến sức đề kháng kém.
Trong trường hợp đau bụng, tiêu chảy khi đi du lịch, BS. Huy Hoàng đưa ra lời khuyên, đầu tiên cần phải bù dịch bằng cách uống nước cháo, nước hoa quả, pha dung dịch oresol. Nếu tiêu chảy nhiều cần uống thuốc cầm đi ngoài. Thêm nữa, cần dùng các thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa.
"Trong trường hợp cơn đau tăng, sốt cao, các dấu hiệu mất nước như mạch nhanh, huyết áp tụt, lơ mơ thì cần nhập viện để xử trí kịp thời ngay, không nên chủ quan", BS.Huy Hoàng nhấn mạnh.
Trước đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; y tế các Bộ, ngành về việc đảm bảo công tác khám, chữa bệnh trong dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm trực đầy đủ theo 4 cấp: Trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.
Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu.
Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư y tế để bảo đảm khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông.
Phân công thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm họa tập trung đông người… nếu có tại địa phương.
Đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, đuối nước, cảnh bảo tai nạn tại các địa điểm tập trung đông khách du lịch.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm thường trực Đường dây nóng 24/24 để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết.