Nỗi đau trong hình hài một đứa trẻ
Bảy năm nay, hàng ngày, hình ảnh người phụ nữ đẩy chiếc xe lăn một cô bé loắt choắt đến trường đã trở nên quen thuộc với những thầy cô giáo và học sinh trường THCS Cao Xanh (TP. Hạ Long, Quảng Ninh). Đôi tay, đôi chân co quắp trong chiếc xe lăn nhưng bất cứ ai tiếp xúc với Thương đều cảm nhận một sự tự tin hiếm có toát lên trong cách nói chuyện của cô bé. Có lẽ nỗi đau thể xác, sự mất mát đi chỗ dựa là người cha và hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến từng lời nói, ánh mắt của Thương già trước tuổi.
Một tiết học bình thường của Hoài Thương trên lớp
Phạm Thị Hoài Thương bị nghi nhiễm chất độc hóa học thế hệ thứ ba. Ông ngoại em là bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam từ năm 1961 đến 1963 thuộc Lữ đoàn 374 - bộ Tư lệnh Pháo binh và bị nhiễm chất độc hóa học. Cha của Hoài Thương sinh ra hoàn toàn bình thường nhưng cả gia đình không thể ngờ, nỗi đau chiến tranh nghiệt ngã lại vận vào cuộc đời của hai đứa cháu.
Cả Thương và Hiếu (em trai Thương) đều bị dị tật bẩm sinh. Năm nay đã 18 tuổi, nhưng Thương chỉ mang hình hài của đứa trẻ ba tuổi. Cô bé không thể tự chăm sóc bản thân, cả ngày Thương chỉ có thể hết nằm lại ngồi, mọi sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào mẹ và ông bà nội đã già yếu. Nhà nghèo, bố mất sớm, ông bà già yếu. Mẹ Thương không có công ăn việc làm ổn định, ngày ngày trông vào quán nước nhỏ ven đường để nuôi cả gia đình.
Bà Phạm Thị Nhiễu (mẹ Thương) kể lại: "Ngày sinh Thương ra, vợ chồng tôi vô cùng đau đớn và xót xa khi nhìn thấy hình hài của con gái. Nhưng đó là đứa con của chúng tôi, thương con, không muốn con phải thiệt thòi về hình hài mà lại phải chịu thua thiệt về tình cảm. Vì vậy, tôi và cả nhà luôn cố gắng hết sức để chăm sóc Thương tốt nhất với hy vọng một ngày nào đó, con mình cũng sẽ có thể tự tin sống như tất cả những đứa trẻ khác dù đôi chân của cháu không thể tự đi được".
Nghẹn ngào kể về đứa con gái, mẹ Thương bảo: "Nhìn thân hình teo nhỏ, đôi chân không thể đi lại, cánh tay phải yếu ớt của con mỗi khi cố gắng làm việc gì đó, tôi hiểu được nỗi đau mà con gái đang phải chịu đựng. Ông trời vẫn còn chút thương chúng tôi, cháu bị khuyết tật vận động nhưng bù lại, cháu hoàn toàn bình thường về nhận thức".
Khi còn nhỏ, nhìn thấy bạn bè đồng trang lứa đến trường, Thương cũng khao khát được như bạn. Mẹ Thương cùng hàng xóm láng giềng bắt đầu dạy chữ cho Thương, ban đầu chỉ là những thao tác ghép vần, ghép chữ cơ bản. Dần dà, Thương cho thấy khả năng tiếp thu rất nhanh và trí nhớ tốt. Thương học chữ, tập đọc qua những cuốn sách truyện mà mẹ đi xin về cho con. Sau đó là những cuốn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2... Thương đều tự học, tự tìm hiểu một cách say mê.
Những thành tích đáng nể của Hoài Thương
Hành trình thực hiện ước mơ
Ngỡ rằng, cuộc đời cô bé sẽ phải quẩn quanh mãi trong căn nhà nhỏ nhưng mọi sự bắt đầu thay đổi sau chuyến thăm của một vị khách là bạn bà nội Thương. Vị khách rất thông cảm với hoàn cảnh của gia đình và nhận ra tố chất ham học, thông minh của Thương nên đã động viên cả nhà cho em được đi học như những đứa trẻ khác.
13 tuổi, Hoài Thương bắt đầu đến trường. Sau khi gia đình làm đơn, Thương được đặc cách vào lớp 3. Chia sẻ về những ngày đầu bước vào trường học, Thương cho biết: "Đến giờ, em vẫn nhớ những ngày chập chững đi học. Đặc biệt là sự giúp đỡ của cô giáo Đinh Thị Lan, người cô đầu tiên và cũng là người giúp em tự tin trong từng buổi học. Cô đã đặt ra cả một kế hoạch để luyện chữ cho em theo từng giai đoạn. Tháng đầu, cô chỉnh sửa độ cao, độ rộng của những chữ chưa chuẩn; tháng thứ hai cô rèn kỹ thuật nối chữ, khoảng cách giữa các con chữ trên dòng; tháng thứ ba là luyện viết chữ nghiêng; tháng thứ tư: Luyện viết bài đảm bảo tốc độ. Trong thời gian đó, cô Lan thường xuyên động viên, khích lệ, xoa tay mỗi khi em đau đớn".
Nhiều lúc luyện chữ, Thương phải viết bằng tay trái vì tay phải không cầm được bút. Bút của em cũng là loại bút đặc biệt cho tay trái. Mỗi lúc viết, cằm em tì vào bàn đến mức trầy xước, rỉ máu. Tay trái nhiều lúc nhức mỏi, Thương phải lấy tay phải của mình để tự xoa. Đau đớn về thể xác là vậy nhưng chưa khi nào bạn bè và các thầy cô thấy Thương chán nản. Không phụ công cô giáo, bạn bè và những người thân trong gia đình, Thương tiến bộ từng ngày, chữ đẹp dần lên qua mỗi trang viết. Và, chỉ sau một thời gian, Thương đã giành giải nhất chữ đẹp cấp trường.
Giờ đây, trong căn nhà nhỏ của cả gia đình năm người chung sống với hai ông bà già yếu, hai đứa con dị tật bẩm sinh thì những tấm bằng khen, sự đánh giá ghi nhận cố gắng của Thương là vật sưởi ấm cuộc sống của cả nhà. Giấy khen học sinh giỏi xuất sắc cho ba năm học; Giấy khen Cháu ngoan Bác Hồ; Giấy chứng nhận Giải đặc biệt Hội thi viết chữ đẹp toàn thành phố năm học 2008-2009; giải khuyến khích cuộc thi Toán - Văn tuổi thơ cấp thành phố năm học 2010- 2011; Giải nhất giải Toán cấp I qua mạng Internet...Khó ai có thể hình dung được những thành tích đáng nể trên là của một cô bé 18 tuổi nhưng mang hình hài teo nhỏ chỉ bằng trẻ lên ba, cao chưa tới 80cm và không thể tự đi lại trên đôi chân của mình... Cuộc sống vất vả nhưng không vì thế mà Thương ngừng cố gắng và nỗ lực.
Đôi chân khiếm khuyết không thể giúp em đi lại bình thường như mọi người, nhưng trái tim Thương luôn khao khát được sống, được vươn lên, chiến thắng số phận. Cô giáo Hoàng Thị Hải Yến, phó hiệu trưởng trường THCS Cao Xanh (TP.Hạ Long) cho biết: "Trong thời gian học tập tại trường, hội đồng sư phạm đều nhận thấy nghị lực ở Thương. Đặc biệt, là cô giáo dạy Văn, tôi thấy ở em Thương khả năng cảm thụ văn chương rất tốt. Bảy năm qua, Thương luôn là học sinh giỏi toàn diện, nhận được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành tỉnh, cấp thành phố. Sự tự tin, nghị lực và đặc biệt là một ước mơ rất giản đơn của Hoài Thương khiến cho chúng tôi khâm phục. Thương muốn được học hết đại học, để sau khi ra trường có công ăn việc làm ổn định để có thể tự nuôi sống bản thân và chăm sóc cho mẹ”.
Đỗ Thơm - Hướng Dương