Tình cờ tôi biết đến hoàn cảnh của Nguyễn Như Tuấn Đức, 25 tuổi (quê ở thôn An Thịnh, xã Long Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) qua một nhóm từ thiện. Cùng một lúc, Đức mang trong mình hai căn bệnh là suy thận mãn và suy tim.
Hiện, Đức đang sống tại “xóm chạy thận” ở ngõ 126 Lê Thanh Nghị, Hà Nội. Đức thuê nhà ở đây để tiện cho việc chạy thận hàng tuần tại bệnh viện Bạch Mai.
Sáng Chủ nhật, tôi tìm đến “xóm chạy thận” gặp Đức khi em vừa phải điều trị tích cực 1 tuần ở viện Bạch Mai. Mặc dù vẫn còn mệt nhưng em vẫn cố gắng gượng dậy trò chuyện. Đức kể rằng, em đã chạy thận được 7 năm rồi, đều đặn tuần 3 buổi vào thứ 2, 4, 6 và mỗi buổi chạy thận mất 3 tiếng rưỡi. Để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, ngoài thời gian chạy thận, Đức phải đi đánh giày kiếm sống.
“Khổ lắm chị ạ, "bệnh nhà giàu" rơi vào nhà nghèo. Gia đình em thuộc hộ nghèo, bố mẹ đều làm nông nghiệp, ai thuê gì làm nấy, tằn tiện cũng chẳng đủ ăn. Từ ngày em bị suy thận, gia đình em lại càng thêm khốn khó”, Đức nói.
Trò chuyện với PV, chị Nguyễn Thị Vân Anh (mẹ của Đức) mắt ngấn lệ, vừa nói vừa cố nén tiếng thở dài. Chị Vân Anh chia sẻ: “Cháu bị ho ra máu liên tục phải vào viện cấp cứu, điều trị 1 tuần. Bình thường, cháu ở xóm trọ một mình, tự lo liệu mọi thứ, tôi ở quê đi làm thuê kiếm tiền phụ cháu chữa bệnh. Nhìn con bệnh tật, thương lắm cô ạ, ruột gan tôi như thắt lại”.
Theo lời kể của chị Vân Anh, một tháng gia đình chu cấp cho Đức 500.000 đồng, còn lại mọi chi phí sinh hoạt em phải tự xoay xở. Căn phòng Đức thuê trọ chỉ vỏn vẹn 5m2 với giá 800.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước.
“Cũng may, BHYT chi trả toàn bộ chi phí chạy thận, nếu không gia đình tôi đành nước mắt chảy xuôi đưa con về nhà chờ chết. Chi phí thuốc thang mỗi tháng cũng hết chừng 4-5 triệu đồng. Tháng nào có tiền từ các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ và kiếm thêm dư dả thì cháu mua thuốc uống, không có thì cũng đành chịu”, chị Vân Anh ngậm ngùi.
Thấy mẹ nghẹn ngào, Đức tiếp lời: “Em chạy thận một tuần mất 3 buổi rồi nên thời gian đi đánh giày cũng không được nhiều. Bình quân mỗi ngày, em kiếm được 100.000 đồng nhưng chi phí ăn uống, sinh hoạt cũng phải co kéo lắm mới đủ. Bố mẹ ở nhà vất vả, em trai em mới 5 tuổi, đi khám bác sĩ chẩn đoán bị tiểu đường và hay tiểu ra máu. Em ấy bị bệnh nhưng gia đình cũng không có tiền đưa đi chữa bệnh”.
Nói về căn bệnh của mình, Đức coi đó là số phận. Đức nói: “Biết làm sao được, bệnh này phải chữa trị suốt đời, nếu cứ bi lụy thì bệnh càng nặng. Nhiều người vẫn hỏi em, chạy thận có đau không nhưng nói thật, em chạy thận nhiều cũng thành quen, mất cảm giác đau đớn. Tay chi chít nốt kim tiêm và giờ thì em phải mổ cầu tay để tiêm truyền cho dễ”.
Nhìn chàng trai gầy nhom nhưng tôi cảm nhận được tận sâu trong con người ấy vẫn đầy nghị lực. Đức ý thức được căn bệnh của mình, em biết bản thân sẽ phải gắn bó với chiếc máy chạy thận đến hết đời nhưng không cho phép mình lơ là chữa trị bệnh.
Tết Nguyên đán đang cận kề, Đức chỉ mong có thể đoàn viên bên gia đình nhưng năm nay em có lịch chạy thận vào mùng 1 Tết, em sẽ không được đón giao thừa với gia đình. Đức ngậm ngùi, em chỉ mong sao mọi việc suôn sẻ để mùng 2 Tết em được về bên gia đình- nơi tiếp thêm cho em nghị lực chiến đấu với bệnh tật.
Hương Lan