Không đầu hàng số phận
Nguyễn Đình Nhẫn (20 tuổi), trú xóm 10, xã Nghi Kim, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em. Tuy nhiên, trong gia đình chỉ em không may bị khuyết tật bẩm sinh.
Nhìn con bằng ánh mắt trìu mến, chị Nguyễn Thị Vinh (mẹ Nhẫn) nhớ lại lúc mang thai không có điều gì khác lạ cả, vì vậy chị cũng không đi kiểm tra. Một đêm, cơn đau bụng kéo tới, chị chỉ kịp bảo người con đầu đi gọi bố. Khi chồng về đến nhà thì chị đã hạ sinh.
Cuộc “vượt cạn” tại nhà nhanh chóng và thuận lợi đến nỗi chính chị cũng không ngờ lại nhanh đến thế. Chỉ đến khi nhìn xuống phía dưới, chị đã sốc và suýt ngất lịm khi phát hiện đứa con mới sinh không có tay.
“Thằng bé đỏ hỏn, hai cánh tay cụt đến tận vai trông như một cục thịt dài. Nhìn con tật nguyền lại có biểu hiện thở khó khăn, lúc đó tôi nói với chồng mình chắc trời không cho mình nuôi đứa con này”, chị Vinh kể.
Bế đứa trẻ trên tay, chị không kìm nỗi sự day dứt, xót xa. Chị nói: “Nhiều đêm tôi không ngủ được khi nghĩ về số phận, cuộc sống của con sau này. Bao nhiêu nỗi lo cứ thế lẩn quẩn trong đầu tôi, thương nó đứt ruột mà không biết làm sao”.
Đứa trẻ không tay sau đó trở thành một gánh nặng tâm lý đè nặng lên vợ chồng chị. Người bố của em, anh Nguyễn Đình Thuyên đặt tên cho con là Nhẫn với hi vọng con mình lớn lên sẽ đủ kiên nhẫn để vượt qua nghịch cảnh.
Thế rồi, vượt qua những khắc nghiệt của số phận, của cuộc sống và hơn hết là vượt qua sự hoài nghi của bố mẹ, cậu bé cứ lớn lên như cây cỏ, chẳng biết ốm đau là gì. Cho đến khi cậu được 8 tuổi thì người bố mất do tai nạn giao thông, mọi gánh nặng dồn hết vào đôi vai gầy của mẹ.
“Vào thời điểm Nhẫn 5 tuổi, thấy bạn bè đến trường thì Nhẫn cùng đòi đi. Thương con nhưng do con không có tay, hoàn cảnh gia đình khốn khó nên tôi ngại ngần. Nhưng Nhẫn cứ nằng nặc nên tôi chở con đến trường xin với thầy cô cho cháu học”, chị Vinh nhớ lại.
Hình ảnh người phụ nữ gầy gò chở con trên chiếc xe đạp cũ kỹ in hằn tâm trí người dân nơi đây. Lúc đầu, không ai tin cậu bé kia có thể học được chữ, thế nhưng nghị lực của Nhẫn đã khiến cho tất cả phải ngỡ ngàng.
Không có tay, cậu dùng ngón chân giữ lấy bút để tập viết. Do cúi nhiều, sử dụng toàn bộ sức lực để điều khiển đôi chân nên lưng của Nhẫn dần bị cong vẹo, vai nhô ra về phía sau.
Nhiều lúc quá mệt mỏi, khắp người tê cứng, cậu lại nằm ngửa ra nhà thế nhưng ngón chân vẫn còn kẹp chiếc bút. Cậu không dám ngơi nghỉ, cứ luyện tập hì hục, hăng say hơn. Nhẫn luôn tự nhủ, phải không ngừng cố gắng để vượt qua số phận. Nhẫn biết rằng mình không phải người bình thường, phải cố gắng gấp 2 – 3 lần.
“Dù viết bằng chân khó nhọc nhưng được mọi người động viên và khen, nên em lại có động lực tập viết chữ. Lâu dần đôi chân em cũng quen với việc thay đôi tay, từ đó chữ tròn và dễ đọc hơn”, Nhẫn nhớ lại.
Ước mơ được chắp cánh
Điều may mắn, dù khuyết đôi tay nhưng đầu óc của cậu vẫn như mọi người. Thậm chí, trong những năm học, Nhẫn đều đạt thành tích khá. Vì vậy, cậu ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, có thể làm việc, kiếm tiền nuôi sống bản thân và sống có ích cho xã hội như tấm gương của hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng.
Nhẫn cho biết, người chỉ cử động được một cánh tay như anh Hùng mà vẫn làm được nhiều chuyện đáng tự hào như vậy, huống chi bản thân mình còn cả hai chân. Vì vậy, cậu tự nhủ bất cứ hoàn cảnh nào cũng không cho phép mình đầu hàng, từ bỏ.
Song hành với đó, người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất với chàng trai không tay ấy là người mẹ Nguyễn Thị Vinh. Chị luôn luôn ở phía sau ủng hộ, động viên mỗi khi thấy con mệt mỏi. “Sinh ra khác biệt cùng bạn trang lứa, lúc đầu em cảm thấy tủi thân, buồn lắm. Nhưng nhờ có mẹ động viên, giờ đây mọi sinh hoạt hằng ngày, em đều có thể tự làm được. Em không còn phải nhờ người giúp đỡ nữa”, Nhẫn vui mừng cho hay.
Trước nghị lực đáng kinh ngạc của Nhẫn, sau khi tốt nghiệp THPT, trường ĐH Công nghiệp Vinh đã đặc cách nhận cậu vào học. Vì vậy, Nhẫn đã chọn học khoa công nghệ thông tin, để tiếp tục giấc mơ sẽ trở thành kỹ sư tin học.
Hiện Nhẫn đang là sinh viên năm 3 của trường. Câu chuyện nghị lực vượt khó đến giảng đường dù không có hai tay của nam sinh này đã khiến nhiều thầy cô, bạn bè và mọi người cảm phục.
Chàng sinh viên cho biết, hiện em cảm thấy rất hạnh phúc khi được thầy cô, bạn bè đồng hành, hỗ trợ trong học tập. Nhiều lúc thầy cô còn phân công các bạn đưa em về nhà, đến lớp, từ việc nhỏ nhặt như lấy giúp sách vở,…
Điều Nhẫn lo lắng là mình không theo kịp tiến độ học tập, vì ngành học của em đòi hỏi tính ứng dụng cao. Năm nay, Nhẫn 21 tuổi rồi nhưng chỉ có 37kg. “Sức khỏe của em không tốt, mấy năm nay ốm liên tục. Nhưng mỗi lần ốm, em không dám nghỉ học vì sợ ảnh hưởng đến việc học của mình”, Nhẫn gượng cười.
Nói về người con của mình, chị Nguyễn Thị Vinh cho hay: “Tôi giờ chỉ có một ước nguyện là con mình khi học xong có thể kiếm việc làm để tự nuôi được bản thân. Tôi giờ sức khỏe cũng không được tốt nữa, sau này cũng không thể chăm sóc Nhẫn mãi được. Vì vậy, điều đó khiến tôi vô cùng lo lắng”.
Công Dũng