Ám ảnh quá khứ kinh hoàng
Chị Lữ Thị Tím (36 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo tại bản Pủng, xã Mường Ải, huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Không được ăn học đầy đủ bởi từ nhỏ chị đã phải theo cha mẹ lên núi cao làm nương rẫy.
Vì vậy, chị khát khao có một cuộc sống no đủ, không phải chạy ăn từng bữa. Cũng vì ước mơ giản dị, đơn sơ đó mà chị bị những kẻ buôn người lừa bán sang Trung Quốc.
“Tôi còn nhớ vào cuối tháng 12/2011, có một phụ nữ trong huyện đến nhà gặp và hứa sẽ tìm cho tôi một công việc ổn định. Bà ấy nói rằng khi có việc làm thì tôi có thể gửi tiền giúp đỡ cho gia đình. Nghe thấy vậy nên tôi thích lắm. Sau khi bàn với cha mẹ thì tôi theo chân người này luôn”, chị Tím kể.
Theo lời kể của Tím, khi lên xe xuống đến TP.Vinh, người phụ nữ này đưa cho chị một cốc nước ngọt và bảo uống để chuẩn bị lên đường. Không ngờ rằng sau khi uống xong thì chị mê mệt ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy mới biết mình bị đưa sang Trung Quốc lúc nào chẳng hay.
“Tôi bị nhốt với rất nhiều phụ nữ khác. Họ cũng bị lừa như tôi. Những kẻ này nói với tôi là một vài ngày nữa sẽ có vài người đàn ông Trung Quốc đến “xem mắt”. Họ nói phải nghe lời nếu không sẽ đánh. Lúc này tôi rất sợ nhưng nghĩ rằng mình phải chạy trốn thôi nếu không thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội nữa”, chị Tím nhớ lại.
Vì vậy, lúc đầu chị giả vờ ngoan ngoãn nghe theo. Tuy nhiên, lợi dụng vào đêm tối khi bọn chúng sơ hở thì chị vượt tường trèo ra ngoài. Mặc dù chẳng biết đây là đâu nhưng với suy nghĩ bị chúng bắt được chỉ có con đường chết, nên chị cắm đầu cắm cổ bỏ chạy mà không hề ngoảnh lại.
Điều chị không ngờ đến nơi đây rất lạnh, lại có cả băng tuyết. Trong khi chị chỉ mặc một bộ quần áo mỏng, chân không giày dép. Đi trong rừng nhiều ngày, chị ngất đi vì đói và lạnh. May mắn thay, có 2 cụ già người bản địa đi qua thấy chị nằm trong tuyết đã đưa về nhà. Tử thần không đánh gục được chị nhưng cũng vì thế chị mất đi 2 chân.
“Các bác sĩ đã chẩn đoán chân tôi bị đông cứng lại như đá, máu không lưu thông được trong một thời gian dài. Và họ quyết định cưa đôi chân để bảo toàn tính mạng của tôi”, chị Tím rầu rĩ nói.
Sau đó, chị được đưa đến sống trong một khu trại dành cho người cơ nhỡ. Trong một lần các cơ quan chức năng Trung Quốc truy quét những người nhập cư trái phép, họ phát hiện ra Tím. Biết được nơi cô sinh sống, phía Trung Quốc đã báo lại với cơ quan chức năng Việt Nam đồng thời tìm cách đưa Tím về nước.
Tháng 8/2017, chị được cơ quan chức năng đưa về sau 6 năm bị bọn buôn bán người lừa bán. Không thể nói hết được niềm vui pha lẫn tủi thân khi chị gặp lại cha mẹ. Giây phút đó, mọi người chỉ biết ôm nhau khóc mà không thể nói nên lời.
Vượt qua hoàn cảnh, làm lại cuộc đời
Bước sang năm thứ 4, chị Lữ Thị Tím vẫn cho rằng việc mình trở về là điều kỳ diệu. Vì vậy, chị phải sống hết mình không không phí phạm cơ hội được tái sinh lần 2.
“Thực ra, vào những ngày đầu tiên trở về tôi rất tự ti. Bởi giờ đây tôi đã bị cụt 2 chân thì còn làm được gì nữa. Thế nhưng vòng tay ấm áp của cha mẹ đã giang rộng giúp tôi thay đổi suy nghĩ, quyết tâm phải sống thật tốt”, chị Tím cười.
Với nghị lực của mình, chị đã tìm được một công việc thích hợp không phải di chuyển nhiều, đó là thêu áo váy thổ cẩm cho người Thái. Khéo tay cộng thêm sự chăm chỉ, mặt hàng của chị vừa làm ra là đã được đặt mua. Vì vậy, không những tự nuôi sống mình, mỗi tháng chị còn dư giả tích lũy một số tiền phòng những lúc ốm đau.
Đặc biệt hơn, sau khi thay đổi chính cuộc sống của mình, chị đã quyết tâm làm “diễn giả” để giúp những nạn nhân bị buôn bán người. “Có ai hiểu hoàn cảnh của các phụ nữ bị bán hơn tôi. Vì vậy, tôi muốn chị em cũng thay đổi suy nghĩ, làm lại cuộc đời”, chị khẳng định.
Mỗi lần CLB phòng chống buôn bán người sinh hoạt, Hội phụ nữ huyện đề nghị chị thuật lại chuyện “người thật, việc thật” của mình khi bị lừa bán. Câu chuyện của chị đã trở thành truyền kỳ và là tấm gương cho rất nhiều người là nạn nhân.
Trao đổi về việc này, bà Vi Thị Quyên – Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, qua nhiều lần làm “diễn giả” với cách kể chuyện súc tích và lôi cuốn, chị Lữ Thị Tím trở thành truyên truyền viên tích cực, là tấm gương cho các CLB trong việc truyên truyền phòng chống nạn buôn người trên địa bàn “nóng” vấn nạn này.
“Thực tế dẫn chứng của chị Tím góp phần nâng cao tầm nhận thức của chị em phụ nữ vùng cao, từ đó rất nhiều người đã không còn bị lừa gạt, làm giảm vụ án buôn bán người qua biên giới trên địa bàn”, bà Quyên nói.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2016 – 2020), có 2.912 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán. Trong số này, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đối tượng nam giới, trẻ em trai cũng có thể là nạn nhân mua bán người vì mục đích bóc lột lao động, mua bán nội tạng…
Riêng tại Nghệ An, giai đoạn 2016 – 2020, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, xử lý 3 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến mua bán bào thai.