Cuộc tình đẹp thời binh nghiệp
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, hoàn cảnh khó khăn và đông anh chị em ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, năm 1985, ông Nguyễn Văn Chà quyết định đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau 3 tháng quân trường tại tỉnh Sóc Trăng, người lính trẻ Nguyễn Văn Chà được điều sang chiến trường Camphuchia giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Khmer Đỏ dưới sự cầm quyền của Pol Pot. Tại đây, ông giữ chức Trung đội trưởng tiểu đoàn F330 D14 Công binh sư.
Tuy sống trong cảnh “mưa bom, lửa đạn”, người lính trẻ Nguyễn Văn Chà và đồng đội vẫn vững tay súng cùng nhân dân Camphuchia vượt qua thời khắc đen tối của lịch sử. Năm 1987, trong một trận càn ác liệt, ông bị thương nặng phải cắt bỏ một chân. Sau đó, ông được đưa về điều trị tại sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu).
Khi sức khỏe ổn định, ông trở lại quê nhà ở huyện Cái Nước. Cứ ngỡ thân thể không còn lành lặn thì mối tình giữa ông và cô thiếu nữ cùng xóm sẽ thay đổi. Tuy nhiên, cuộc tình đẹp ấy đã vượt qua những rào cản, biến cố để đi đến hôn nhân.
“Tôi và vợ thường xuyên gặp nhau do ở cùng xóm rồi nảy sinh tình cảm trước ngày nhập ngũ. Sau 2 năm binh nghiệp, tôi trở về khi cơ thể không còn lành lặn mà bà ấy vẫn thương và chấp nhận tôi. Với tôi đó là niềm vui, là động lực để phấn đấu”, ông Chà cười tươi khi nhớ lại.
Hướng ánh mắt về ông Chà, bà Hương nói trong hạnh phúc: “Đời binh nghiệp thời lửa đạn, mưa bom mà ổng có thể trở về đã là may mắn”. Sau khi tiến tới hôn nhân, hai vợ chồng ông Chà phải làm thuê, làm mướn đủ nghề để có tiền trang trải cuộc sống. Tuy vất vả là thế nhưng cái nghèo vẫn đeo bám.
Rời nơi “chôn nhau cắt rốn” lập nghiệp
Với chính sách ưu đãi cho thương binh có hoàn cảnh khó khăn, năm 1990, sau nhiều đêm trăn trở, ông Chà quyết định rời “nơi chôn nhau cắt rốn” sang ấp 10, xã Nguyễn Phích nhận 7ha đất rừng làm kinh tế.
Hay tin vợ chồng ông Chà cụt có ý định trên, người thân nhất quyết can ngăn bởi vùng đất U Minh thời điểm đó còn nhiều khó khăn. Trong đó, cha ông Chà là người phản đối quyết liệt nhất, ông còn cảnh báo: “Hai vợ chồng mày khi đi được cái thúng khi về cái thúng cũng chẳng còn”. Bởi, đất U Minh thời điểm đó nhiễm phèn nặng, cây trồng chẳng thể phát triển.
Nhận thấy không thể thay đổi quyết định của con, người thân chuyển sang động viên để tiếp thêm động lực. Sau 2 năm làm việc quần quật không quản khó khăn, vợ chồng ông Chà cơ bản đã chinh phục thành công mảnh đất đầy cỏ dại ở U Minh Hạ để trồng rừng, rau màu...
Song, vận may một lần nữa ngoảnh mặt khiến cho cuộc sống của vợ chồng ông lâm vào cảnh “thiếu trước hụt sau”. Gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai đã khiến vợ chồng người cựu chiến binh này không ít lần nản chí. Tuy nhiên, được sự động viên của cán bộ địa phương và đồng đội ông đã quyết định bám trụ với mảnh đất rừng U Minh Hạ.
Chỉ tay về khu đất canh tác của gia đình, ông Chà cho biết trước đó nơi đây đầy sậy và cỏ dại cộng với đất trũng, nhiễm phèn nặng làm kinh tế không đem lại hiệu quả. Còn giờ thì mảnh đất ấy giúp gia đình ông thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm từ việc trồng rừng, trồng rau màu, trồng tre lấy măng và nuôi thêm các loại cá đồng.
“Trước đó, nơi đây dân cư thua thớt, điện, đường, trường, trạm chẳng có gì nên nhiều người bỏ đi để tìm vùng đất hứa. Vài năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, xóm làng trở nên đông vui hơn”, ông Chà nói.
Đến năm 2015, khi được nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà tình nghĩa, vợ chồng ông Chà bỏ vào thêm hàng trăm triệu đồng để xây dựng căn nhà khang trang hơn. Giờ đây, nghị lực và tinh thần vươn lên trong lao động cựu chiến binh Nguyễn Văn Chà vươn lên thoát nghèo trên vùng đất mỗi khi nhắc đến ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm đã khiến nhiều người thán phục.
Ông Trần Quốc Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau nhận xét: “Ông Nguyễn Văn Chà là người chịu khó, siêng năng, cần cù với công việc. Bản thân chú và gia đình thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; luôn thể hiện rõ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ”.