Bi kịch cuộc đời
Trong những ngày giữa tháng Tư, từ lời giới thiệu của một người bạn, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với anh Đỗ Trọng Minh (SN 1984), phường Cảm Thành, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, người đàn ông bằng nghị lực sống phi thường đã vượt qua nghịch cảnh để có cuộc sống tốt đẹp .
Hình ảnh đầu tiên PV thấy là anh ngồi trên chiếc xe lăn, gương mặt có chút buồn. Anh Minh kể rằng anh vốn là một người bình thường như bao người khác trong gia đình có 5 người, bố mẹ làm công nhân mỏ than và 2 anh em trai, cuộc sống tuy bình dị, nhưng hạnh phúc.
“Hạnh phúc ấy kéo dài không được bao lâu thì năm 2003, bố tôi mắc bệnh ung thư gan, mất sức lao động. Kể từ ngày ấy, bao vất vả cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của mẹ.
Gia đình tôi mỗi lúc mỗi khánh kiệt vì phải lo thuốc thang điều trị, viện phí cho bố. Vì vậy, khi học hết THPT, tôi và anh trai vừa đi học nghề vừa kiếm việc làm thêm phụ mẹ lo cho bố trị bệnh và em út được đi học”, anh Đỗ Minh chia sẻ.
Anh Minh cùng anh trai làm đủ mọi việc như: Xin làm công nhân đào cống, đội đất vác đá, phục vụ bưng bê... để mong vơi bớt gánh nặng trên vai mẹ. Thế rồi, sau 3 năm điều trị bệnh, năm 2006 bố anh qua đời.
Sau khi bố mất, anh em của anh Minh cũng tìm được công việc ổn định như đúng nghề đã học, có công ăn việc làm ổn định các con động viên mẹ nghỉ hưu ở nhà hưởng tuổi già.
Anh Minh nhớ lại về ngày khủng khiếp đã xảy đến với mình, khiến anh từ người lành lặn trở thành người tật nguyền: “Một ngày cuối năm 2011, giữa không khí náo nức nhà nhà chuẩn bị đón Tết, thì định mệnh đời tôi lại rẽ sang một hướng bi thương. Khi đó, tôi cùng các bạn đón taxi xuống phố xem hoa Tết thì tai nạn đã xảy ra, khiến xe bị lật ngược. Tai nạn khốc đã khiến tôi bị đa chấn thương toàn cơ thể: Chấn thương vùng bụng; Gãy 8 xương sườn; Xương chọc vào phổi làm tràn dịch màn phổi; Gãy 2 tay, tay trái gãy 2 đoạn, mẻ xương khuỷu tay và xương vai phải.
Nhưng, đau đớn nhất là bị vỡ 2 đốt cột sống lưng D9 và D10 dẫn đến liệt nửa thân dưới. Từ rốn xuống chân không còn cảm giác, mất khả năng vận động vĩnh viễn. Tôi đã nằm điều trị một năm trời trong bệnh viện, tôi rơi vào trạng thái stress, trầm cảm nặng, không muốn nói chuyện với ai và chỉ muốn chết”.
Mỗi lần nghĩ đến cái chết là anh Minh lại nhớ đến hình ảnh của mẹ tần tảo, vất vả lo chăm sóc anh từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhânn khiến anh không thể nào tự kết liễu đời mình một cách cực đoan như vậy.
“Thương mẹ, tôi muốn làm gì đó để mẹ bớt gánh nặng vì đứa con trai tật nguyền. Một ý chí quyết tâm trở thành người “tàn nhưng không phế” đã khiến tôi có động lực để vượt qua”, anh Minh kể.
Vẽ tranh là niềm vui, là động lực
Ban đầu, anh Minh đã nhờ anh trai mua cho quả tạ tay 2kg để tập tay, từ cầm nắm những vật nhỏ để cử động các khớp tay. Cứ thế, anh Minh đã tự chống tay để ngồi dậy được, tự xoay người được và sau đó là tự di chuyển sang xe lăn để đi lại. Mất gần 3 năm sau sức khỏe anh Minh mới ổn định lại.
Sau khi đã tự phục vụ được bản thân, anh Đỗ Minh nghĩ mình không thể là gánh nặng mãi cho gia đình, anh muốn làm điều gì đó từ chính đôi tay của mình.
Nói về cơ duyên đến với công việc vẽ tranh, anh Đỗ Minh kể: “Tôi bắt đầu vẽ tranh vào khoảng tháng 2/2014. Khi đó, tôi tình cờ vào facebook và thấy một bức tranh chân dung chì của một bạn sinh viên kiến trúc vẽ. Tôi thấy đẹp quá và đặt câu hỏi trong đầu là tại sao bạn ấy lại vẽ được như vậy. Sau đó, tôi nhắn tin hỏi bạn ấy và được trả lời là học qua mạng.
Sau đó tôi tự tìm hiểu qua mạng, tự học vẽ tranh chân dung chì, mình sáng tác chất liệu màu acrylic và theo đuổi chất liệu này cho đến nay. Sau bao ngày khổ luyện, tôi đã có thể vẽ thành công các tác phẩm trên chính đôi tay của mình”.
Theo lời chia sẻ của anh Minh, công việc vẽ tranh cũng giúp anh có được chút tiền trang trải cuộc sống, ít nhất là mua thuốc và những vật dụng sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Với anh đó là niềm vui, là động lực để anh có thể sống tiếp.
“Tranh tôi vẽ được nhiều người đặt hàng, ủng hộ để tôi có thể kiếm tiền trên đôi tay còn lại của mình. Tôi vô cùng biết ơn những tấm lòng vàng đó, họ giúp tôi tìm được lẽ sống sau những ngày rơi vào bi kịch cuộc đời”, anh Minh nghẹn ngào.
Kết thúc cuộc trò chuyện với PV, anh Đỗ Minh cho rằng mong muốn lớn nhất của anh bây giờ là có một sức khỏe ổn định để có thể tự lo cho bản thân, đồng thời cho mẹ bớt lo lắng về mình. Còn với công việc vẽ tranh, anh Minh bảo: “Còn sức khỏe, tôi sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê vẽ tranh của mình”.
Vân Anh