Không màng công danh, tư lợi, với lòng nhiệt huyết cống hiến, ông chỉ mong sao tìm ra thật nhiều khoáng sản cho đất nước những năm đầu khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc.
Băng rừng, vượt suối gian nan
Chàng kỹ sư địa chất Nguyễn Đức Cảnh (SN 1935), ở ngõ 255, Lĩnh Lam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Vốn là học sinh tập kết ra Bắc, Nguyễn Đức Cảnh quê gốc ở TP. Vinh, Nghệ An.
Chàng trai trẻ chưa học xong năm cuối của trường trung cấp kỹ thuật II, nhưng do yêu cầu của nhiệm vụ, ông và đồng nghiệp lại xách ba lô lên đường bắt đầu cuộc tìm kiếm và thăm dò khoáng sản cho công cuộc xây dựng đất nước.
"Những năm miền Bắc bắt đầu được giải phóng, cách mạng về tiếp quản Thủ đô. Cũng giống như những người lính, họ cầm súng bảo vệ đất nước, dân địa chất cũng xách ba lô lên đường đi thăm dò và tìm kiếm những quặng khoáng sản cho đất nước.
Hồi ấy, chúng tôi không nghĩ đến danh lợi, không quan tâm nhiều đến tư lợi mà chỉ vì đam mê và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi chọn theo địa chất bởi ngành này chứa đựng ước mơ được đi đây đi đó, khám phá đất nước" ông Cảnh chia sẻ.
Có lẽ, sở thích và đam mê khám phá khắp "hang cùng xó hẻm" của đất nước mà chàng trai trẻ có nhà và bố mẹ, anh chị em đều ở Hà Nội nhưng vẫn dứt áo ra đi. Chính vì thế mà chuyện của những chàng trai địa chất cũng rất hấp dẫn, lãng mạn.
Hồi ấy, những chàng trai địa chất rất "có giá" trong mắt của nhiều cô gái "ham tài" bởi họ đẹp trai, tài giỏi và cũng rất lãng mạn. Đợt đi thăm dò ở Tây Bắc cũng khó quên, con gái Thái đẹp và rất trắng khiến dân địa chất chúng tôi "mê" lắm, nhưng cấp trên đã khuyến cáo thì ai dám, kỷ luật ngay.
Một chuyện rất thú vị, một cô gái Thái rất "kết" một cậu trong đoàn. Nửa đêm đang ngủ cô gái này "mò đến", chàng trai không thể chối từ, sau khi hai người "nếm trái cấm", cô gái dậy đốt đuốc rồi hú già làng và mọi người trong bản kéo đến. Anh chàng ngỡ ngàng không biết điều gì đang xảy ra. Kết quả là cậu này bị đuổi ra khỏi ngành và phải lấy cô gái đó làm vợ.
Kỹ sư địa chất Nguyễn Đức Cảnh luôn tâm niệm sẽ "lao động" đến phút cuối cùng.
Ngày qua ngày, đoàn địa chất xuyên rừng vượt suối để tìm kiếm quặng than đá, thăm dò địa chất để lập bản đồ báo cáo cấp trên. Có những đợt thăm dò kéo dài và điều đó cũng là những ngày dài các anh phải dựng lán trại, ăn ngủ tại chỗ.
"Đoàn của tôi chuyên về thăm dò than đá nên phải đi vào những cánh rừng già, lâu năm và lội qua các con suối để tìm kiếm vỉa than lộ thiên. Chiếc búa địa chất, la bàn, bản đồ là những vật bất ly thân của dân địa chất, đến đâu cũng đập đập và gạy gạy rồi phân tích.
Đôi giày của Tiệp Khắc cũng không thể thiếu, lội suối xong lên bờ một lúc là khô ngay và rất bền. Mỗi ngày chia theo nhóm, nhóm nào lội suối thì phải đi từ dưới ngược lên thượng nguồn cho dù đến đêm cũng phải hoàn thành. Cứ như thế khi đoàn phát hiện vỉa nham thạch thì lấy mẫu và ghi lại tọa độ, tối về đánh dấu trên bản đồ. Tổng hợp cả một vùng như thế sau đó vẽ ra bản đồ.
Bước đầu đó là tìm kiếm sơ bộ, sau đó mới là thăm dò. Thăm dò có hai bước, thăm dò sơ bộ và thăm dò tỉ mỉ. Thăm dò sơ bộ tức là đoàn sẽ khoan những mũi khoan sâu khoảng 150m, còn thăm dò tỉ mỉ sâu đến 1.200m. Như vậy, qua hai bước thăm dò này cơ bản biết được trữ lượng khoáng sản là bao nhiêu, có bao nhiêu lớp, đường kính rộng bao nhiêu...”, ông Cảnh cho biết thêm.
Ký ức kinh hoàng chốn "rừng thiêng nước độc"
Dù trên tay có bản đồ, la bàn, nhưng nhiều nhà địa chất vẫn bị lạc đường. Đặc biệt là những khu rừng sâu nước độc vào thì dễ ra thì vô cùng khó khăn, nhiều người thậm chí đã bỏ mạng, còn chuyện bị sái chân sái tay là chuyện bình thường như cơm bữa.
"Có lần đoàn của tôi đến Nho Quan, Ninh Bình, thăm dò khoáng sản sang tận Hòa Bình. 5h sáng, anh em đã lên ba lô bắt đầu công việc của một ngày mới. Tôi làm nhóm trưởng nên phân công mỗi người đi một hướng để tìm cho nhanh và hẹn nhau ở đầu đường mòn thì hú. Trời đã bắt đầu tối dần mà vẫn chưa đến điểm hẹn, tôi biết mình đã bị lạc nên cũng hơi sợ, bởi những năm 57- 58 khu vực này có nhiều thú dữ lắm, có cả hổ.
Đi mãi đến 12h đêm, bụng thì đói, chân mỏi thì bỗng nghe có tiếng chó sủa xa xa, biết là sẽ có người nên tôi tìm đến đó. Đến nơi lúc đó khoảng hơn 2h sáng, thấy một nhóm người Mường đang tụ tập ăn uống, hát hò. Tôi vào trình giấy tờ nói là bị lạc nhưng họ không biết tiếng Kinh, họ tưởng biệt kích nên không tin. Cuối cùng, tôi dở tất cả giấy tờ dụng cụ họ mới tin và cho tôi ăn cơm gạo đỏ và muối lau, sáng hôm sau, họ đưa tôi về trạm tiền phương của đoàn" ông Cảnh bộc bạch.
Nhiều năm đi khắp các vùng Tây Bắc, Sơn La, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang... chàng trai trẻ Nguyễn Đức Cảnh cứ đi biền biệt mấy tháng trời như thế, kết thúc mỗi ngày hành trình vất vả, ngồi bên suối ăn một nắm cơm muối vừng xong bao nhiêu mệt mỏi, vất vả xua tan hết, tinh thần lại tràn đầy sức sống, lòng nhiệt huyết.
Mấy tháng trời sống trong rừng rú rồi các kỹ sư địa chất mới trở về Hà Nội tập kết, một lần thăm bố me, nhưng tất cả đều vui mừng và tự hào vì công việc có ý nghĩa của mình phục vụ cho đất nước. "Hồi ấy, những người dấn thân vào địa chất như tôi chỉ biết đi và đi thôi, chẳng nghĩ nhiều đến bản thân. Còn lương thấp lắm, nhưng không ai nghĩ gì bởi lúc ấy cái sức trẻ, lòng nhiệt huyết để hoàn thành nhiệm vụ mà Nhà nước đã giao", nhà địa chất Nguyễn Đức Cảnh chia sẻ.
Do đặc thù của công việc mà những chàng trai địa chất là đi nhiều và gặp cũng nhiều con gái đẹp, nhưng nay đây mai đó, chưa kịp bén duyên lại phải lên đường. Chàng kĩ sư Nguyễn Đức Cảnh sau khi người cô người yêu đi lấy chồng, ông luôn coi đó như một kỷ niệm đẹp của mối tình đầu đời, để rồi bước tiếp những tháng ngày dài không biết mệt mỏi.
Cuối những năm 50, ông được biệt phái về liên đoàn địa chất 9 (Quang Ninh) "cắm chốt". Cũng tại đây chàng kỹ sư địa chất điển trai Nguyễn Đức Cảnh gặp gỡ người vợ của mình, rất tình cờ mà nên duyên: "Hồi đó, tôi đưa sinh viên đi thực tập ở các khu mỏ nên về cửa hàng cơm mậu dịch thường muộn và hết giờ bán hàng. Cửa hàng đóng cửa rồi, nhưng cô thu ngân bán cơm vẫn để bớt cho tôi một suất, dần dần tôi cũng quen.
Vì là dân địa chất nên hay bị bệnh dạ dày, tôi được cấp 1,6kg lá khôi để uống chữa bệnh. Tôi dùng thấy đỡ và còn dư một ít, hôm nghe thấy cô ấy bảo anh trai cũng bị đau dạ dày nên tôi biếu. Không ngờ một tuần sau, cô ấy đeo khăn tang, thì ra người anh trai mà tôi cho lá khôi đã chết vì đứt ruột.
Ít ngày sau, tôi đến gặp mẹ cô ấy xin làm con nuôi, dù cái chết của con trai bà không liên quan gì đến tôi. Một hôm, bà nhờ tôi đưa cô ấy lên Hà Nội thăm người anh trai ruột đang làm khá to ở trên đó. Năm đó, tôi cũng 38 tuổi nên bố mẹ cũng muốn tôi lập gia đình. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức đơn giản mà hạnh phúc".
Hiện, kỹ sư địa chất Nguyễn Đức Cảnh, 77 tuổi, vẫn ngày ngày bán những sản phẩm như nước rửa bát, nước tẩy rửa Raven... do chính tay mình làm ra ở một góc số nhà 28, phố Lò Đúc (Hà Nội). Ông bảo: "Về hưu rồi không làm gì cũng buồn, tôi thuê ở đây bán hàng cho vui. Còn ngôi nhà bên Lĩnh Nam cho các cháu nội ngoại ra học đại học và đi làm ở. Vợ và các con tôi vẫn ở Quảng Ninh, có công việc gì tôi mới về vì ở đây tôi vẫn còn mẹ già và trông nom các cháu nội, ngoại học hành".
Ký ức khó quên Cho đến bây giờ đã gần 60 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm về một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết trong tâm trí của chàng trai trẻ Nguyễn Đức Cảnh vẫn không hề phai nhạt. Rời Thủ đô hoa lệ, chàng trai mới ngoài tuổi đôi mươi, gác lại tình riêng, bỏ lại cô người yêu xinh đẹp học ngành Hóa cùng trường. Ông lên đường tìm "vàng đen trong đất" cùng với đồng nghiệp, những người chỉ biết cháy hết mình với đam mê và nhiệt huyết. "Những ngày rong ruổi khắp khu rừng tôi thường bắt bướm và hái hoa ép vào trong cuốn album rất dày để chờ có dịp về Hà Nội sẽ tặng người yêu. Nhưng một ngày cuối tuần, tôi lên chuyến tàu về Hà Nội thì biết được thông tin cô ấy chuẩn bị kết hôn với một anh sỹ quan trong quân đội. Tôi vẫn quyết định nhờ người báo cho cô ấy và chờ ở cổng ký túc xá, nhưng nhất định cô ấy cũng không chịu gặp. Tôi nhờ người chuyển cho cô ấy cuốn album và hôm sau lại bắt tàu ngược lên chỗ làm việc", nhà địa chất Nguyễn Đức Cảnh kể. |
Thiên Vũ