Kẻ si tình tàn ác và những chuỗi ngày đen tối
Ngày 24/2/2013 đã trở thành một ngày kinh hoàng trong cuộc đời của cô sinh viên sư phạm Nguyễn Thị V.C.. Khoảng 16h chiều ngày 24/2, Đặng Trung Hiếu (SN 1994, trú tại tổ 6, khu Vĩnh Phú, thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều) đến nhà C. để nài nỉ nối lại tình yêu. Thấy C. và mẹ cùng cho rằng cả hai còn quá trẻ phải tập trung vào việc học, lại sẵn có người bạn nói rằng C. đã có người yêu khác nên mới bỏ mình. Trong cơn cuồng ghen, Hiếu đã về nhà lấy súng, lạnh lùng nhằm thẳng mặt người yêu bóp cò.
"Lúc đó, sau một tiếng nổ chát chúa vang lên, tôi thấy bỏng rát ở mặt và bầu trời bỗng nhiên tối sầm, khi tỉnh lại thì chỉ thấy một màu đen và cảm giác đau đớn không thể nào tả xiết" - C. tâm sự. Sau hành động dã man của mình, Hiếu bỏ trốn nhưng được người thân vận động ra đầu thú. Ngày 16/8, gã người yêu tàn ác của C. đã bị TAND tỉnh Quảng Ninh kết án 20 năm tù giam với tội danh giết người.
Những tháng ngày sau đó đối với C. đã trở thành địa ngục khi cô biết rằng đôi mắt của cô đã bị mù vĩnh viễn. Không những thế, nó không còn có thể cấy ghép để thay thế được vì đạn đã phá hủy hết các tổ chức của mắt nên cô phải chấp nhận sống phần đời còn lại mà không thể nhìn thấy ánh sáng. Được biết, C. đã trải qua hàng chục lần phẫu thuật trên mặt, não, cổ và mắt. Lúc đầu C. được đưa vào bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, nhưng sau do vết thương quá nặng, các bác sỹ chuyển cô lên cấp cứu ở bệnh viện Việt Đức để gắp đạn khỏi khuôn mặt, thế nhưng có 4-5 đầu đạn nhỏ đang ở trong não vẫn chưa được gắp ra. Ưu tiên vùng mắt bị tổn hại nghiêm trọng, nên thời gian này, các bác sỹ lại chuyển cô lên bệnh viện Mắt Trung ương để tập trung điều trị mắt. Thế nhưng, nguy cơ tụ máu, ảnh hưởng hệ thần kinh do đạn nằm trong não vẫn đang đe dọa sức khỏe, tính mạng của C. từng ngày. Và rồi liên tiếp những ca phẫu thuật được thực hiện trên cơ thể của cô…
V.C. sau phiên tòa
Tưởng chừng như đã chết đi sống lại trong bệnh viện khi không thể nhìn thấy ánh sáng, nhưng nỗi đau thể xác không thể nào so sánh với nỗi đau tinh thần mà V.C. đã phải trải qua. Cô không bao giờ có thể ngờ rằng Hiếu lại có thể làm như thế với cô. Những ngày đầu nhập viện, C. không nói gì do tinh thần hỗn loạn, nhưng khi đã cảm nhận được số phận khoác nỗi bất hạnh lên mình thì C. vừa khóc vừa nói với các bác của mình: "Cho đến bây giờ, cháu vẫn không thể tin Hiếu lại làm như vậy. Hiếu không phải người có dã tâm, Hiếu vốn rất hiền. Bây giờ cháu hận Hiếu bao nhiêu thì cháu cũng đau đớn bấy nhiêu...".
Dù người lớn xua tay mỗi khi C. nói tốt về Hiếu, nhưng C. vẫn một mực cho rằng bản chất của Hiếu không xấu. Đôi mắt bị tổn thương nghiêm trọng, khi khóc, nước mắt là hai làn nước đỏ, đau đớn và... thất vọng. V.C. cho biết đã rất nhiều lần cô nghĩ tới cái chết khi nằm trong bệnh viện vì biết rằng mình đã trở thành người tàn phế, nhưng nghĩ tới mẹ và những người thân yêu, cô gồng mình vượt qua nỗi đau khủng khiếp để tiếp tục sống.
Ước mơ giản dị
Có thể khuyết tật thể xác chứ không khuyết tật tâm hồn Chia tay C. ra về, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu nói đầy nghị lực của cô: "Mình bị mù nhưng mình muốn sống như một người bình thường. Mình khuyết tật thể xác chứ không khuyết tật tâm hồn". Hy vọng rằng những ước mơ của V.C. sớm trở thành hiện thực. |
Được các bác sỹ cho ra viện, với đôi mắt đã bị mù, tổn hại 92% sức khỏe, phải khó khăn lắm C. mới hòa nhập được vào cuộc sống thường ngày. Nhưng trước đám đông, dường như nụ cười trên gương mặt C. không bao giờ tắt. V.C. là một cô gái lạc quan, sau tất cả những khó khăn, những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, em gượng mình đứng dậy. Lúc đầu, tất cả các hoạt động sinh hoạt cá nhân của C. đều phải nhờ đến bàn tay người mẹ.
C. chia sẻ: "Cứ nghĩ đến mẹ cả ngày phải ở bên em để giúp em thay quần áo, vệ sinh cá nhân, là em lại ứa nước mắt. Nhà em đã khánh kiệt từ khi em gặp tai nạn, mọi sinh hoạt phí của cả nhà chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của bố em, em đã không thể làm được gì mà lại phải mất thêm một người nữa ở bên cạnh trông nom. Gánh nặng dồn hết cả vào vai bố thì bố em biết phải xoay xở thế nào. Quyết không để bố mẹ phải buồn lòng thêm nữa, nên em bắt đầu học cách sống tự lập. Buổi đầu tiên, em tự mình làm vệ sinh cá nhân, lần mò mãi em cũng đến được nhà vệ sinh nhưng khi với tay lấy chiếc khăn rửa mặt, em bị trơn, ngã sõng soài xuống nền nhà, đau điếng. Mẹ em biết chuyện, cứ bắt em phải ngồi một chỗ, nhưng em không chịu... Ra viện đã được 2 tháng, bây giờ em có thể giúp mẹ làm tất cả các việc vặt trong nhà...".
Đến thăm cháu, chị Nguyễn Thị T. (cô ruột C. chia sẻ): "Con C. nó nghị lực lắm, lúc đầu gia đình ai cũng lo là nó khó có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường. Nhưng khác hẳn với suy nghĩ của mọi người, ngay từ trong bệnh viện nó cũng không để gia đình phải lo lắng nhiều. Phẫu thuật đau đớn là thế nhưng nó lúc nào cũng cười. Nó chưa bao giờ tỏ thái độ tự ti là mình tàn tật. Xuất viện về nhà, nó khăng khăng tự mình làm lấy tất cả các việc cá nhân. Mà nó làm được thật. Những đầu đạn trong não chưa được gắp ra làm con bé thường xuyên bị đau và chảy máu mũi, cứ mấy hôm là cháu lại phải vào viện cấp cứu, nhưng cháu nó chưa bao giờ bi quan. Lúc rảnh rỗi là nó lại nghe nhạc. Mấy hôm trước nó có nhờ bạn mang đến cho một tập chữ gì đó, tôi nghe nói là loại chữ dành riêng cho người mù...".
Khi được hỏi về những dự định tương lai sau này, mắt C. ánh lên niềm hy vọng. C. nhỏ nhẹ: "Em muốn học tiếp để có một công việc có thể phụ giúp bố mẹ và tự trang trải cuộc sống sau này. Em biết để tự lo cho mình với một người bình thường đã khó, với một đứa con gái tật nguyền và sức khỏe kém như em sẽ khó khăn bội lần, nhưng nghĩ đến bố mẹ ở nhà phải vất vả vì em, em thương lắm. Trước đây, em đã học xong học kỳ 1 - lớp sư phạm mầm non. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho em bảo lưu kết quả. Bây giờ em đang học chữ nổi. Năm học tới, khi ổn định về sức khỏe, em sẽ đến trường học tiếp. Em muốn làm cô giáo để dạy những em bé khuyết tật như em…".
HỒNG THANH HÀ