Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh để lắng nghe những chia sẻ, giải đáp của ông.
Luật sư Thanh cho biết, về trách nhiệm hình sự, do người duy nhất thực hiện hành vi phạm tội đã chết nên theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án. Vấn đề này được quy định tại Điều 157 Bộ luật này, cụ thể như sau:
"Điều 157. Không khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác".
Về trách nhiệm dân sự, nếu người phạm tội còn sống, người đó có nghĩa vụ bồi thường mọi chi phí liên quan đến việc mai táng người chết, chữa trị cho người sống, tiền bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của họ. Tuy nhiên trong trường hợp này người phạm tội đã chết nên nếu người đó có tài sản để lại, những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường.
Đồng quan điểm, luật sư Cao Văn Tỉnh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, trong án hình sự, về nguyên tắc, cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm hình sự của người đã chết nhưng vẫn có quyền xem xét nghĩa vụ dân sự mà họ để lại chứ không thể “chết là hết” được. Về vấn đề này, trong Bộ luật Dân sự đã quy định, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên trong vụ án này, do người phạm tội cũng đã chết nên để có thể lấy được tiền bồi thường, trước hết gia đình nạn nhân cần liên hệ với người thừa kế tài sản của người phạm tội, như bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con của người phạm tội... để yêu cầu họ bồi thường. Nếu họ không tự nguyện bồi thường, gia đình nạn nhân phải thực hiện việc khởi kiện những người thừa kế đó tại Tòa án nhân dân quận, huyện nơi họ cư trú để đề nghị Tòa án buộc họ phải bồi thường.
Nguyễn Lâm