Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí với việc ban hành Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp.HCM. Đặc biệt, khi Tp.HCM luôn được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Theo đại biểu, vừa qua tốc độ phát triển của Tp.HCM cũng gặp vấn đề nhất định. Vì thế, tháo gỡ những cơ chế, chính sách cho Tp.HCM, kế thừa các Nghị quyết trước thì sẽ thực sự tháo gỡ cho Tp.HCM. Từ đó, tạo ra bứt phá không chỉ cho Tp.HCM mà còn cho cả nước.
Đại biểu Sơn cũng chỉ ra, qua khảo sát tại Tp.HCM nhận thấy có một số điểm nghẽn nếu giải quyết cho Tp.HCM sẽ là một ví dụ tốt để sau này tháo gỡ những cơ chế, chính sách, luật pháp nói chung.
Đại biểu cho rằng, qua khảo sát có thể xem xét đưa vào trong dự thảo Nghị quyết một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
Liên quan đến giáo dục, đại biểu Sơn cho rằng trong quy hoạch không có quy hoạch trường liên cấp mà chỉ có quy hoạch trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
“Nhưng, bây giờ mô hình trường liên cấp lại rất phổ biến. Vì thế, nên cần phải có thay đổi quy định có quy hoạch đất cho trường liên cấp, tránh tình trạng quy hoạch đất cho các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Cuối cùng, xây dựng trường liên cấp phải sửa lại quy hoạch”, đại biểu Sơn nói.
Thêm nữa, ông Sơn cho hay theo quy định các trường không được xây dựng quá 3 tầng. Tuy nhiên, cả Hà Nội, Tp.HCM nếu không được nâng tầng sẽ gây ra quá tải, hạn chế số lớp và sẽ phải mở thêm trường… như thế, sẽ gây ra nhiều khó khăn.
Do đó, đại biểu đề nghị cần có những tháo gỡ để có thêm tầng cho các trường ở các khu vực đông dân cư, có thêm lớp để dạy...
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng nhất trí với việc cần có cơ chế đặc thù cho Tp.HCM và cho rằng cần tạo ra những khuôn khổ pháp lý riêng để Tp. HCM phát huy được điểm mạnh này.
Song ông Cường cũng rất băn khoăn với câu chuyện Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói một năm Tp. có hơn 500 văn bản xin ý kiến. “Điều này thể hiện Tp. không còn một chút nào là năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm”, ông nói và cho rằng Nghị quyết mới cần tạo ra môi trường để Tp.HCM lấy lại được tinh thần.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, trong dự thảo Nghị quyết có một số cơ chế được đánh giá đặc thù rất cần nhấn mạnh.
Đầu tiên là cơ chế thực hiện các dự án BT bằng tiền, đại biểu cũng bày tỏ mong muốn cơ chế này thực hiện. Bởi, trước đây đã phải bỏ BT vì thanh toán bằng đất dẫn đến không ngang giá, "vật đổi vật" sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Còn BT bằng tiền đây là cơ chế hoàn toàn đúng với điều kiện phát triển.
“Nếu làm tốt BT bằng tiền thì sẽ tiến dần đến chỗ có cơ chế đặt hàng Chính phủ cho các nhà đầu tư để đầu tư vào nhiều công trình công, dự án công, các sản phẩm tạo ra được nhiều ngành nghề, tập đoàn mạnh bằng nguồn lực được Chính phủ đặt hàng…”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay và kỳ vọng sẽ trở thành cơ chế rộng khắp trên cả nước.
Thứ hai là mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư-PV), theo đại biểu mô hình thí điểm đô thị TOD không chỉ riêng Tp.HCM mà Hà Nội sau này cũng vậy sẽ tạo nên đô thị văn minh, hiện đại.