Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng vào rạng sáng 29/11, lần đầu tiên kể từ tháng Chín, chính là hậu quả những hành động khiêu khích từ Washington, Nghị sĩ Nga Kosachev cho biết.
“Có một thực tế rằng trong hai tháng qua, Triều Tiên đã thể hiện sự kiềm chế và tạm ngừng các hành động gây chấn động. Bình Nhưỡng mong muốn có sự kiềm chế tương tự từ phương Tây, cả trong lời lẽ lẫn hành động”, nghị sĩ Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Nga phát biểu.
Ông Kosachev cho biết thêm, phương Tây dường như không quan tâm đến việc làm dịu căng thẳng. Do đó, hành động thử tên lửa của Bình Nhưỡng chính là lời nhắc nhở Washington cho thấy sự kiên nhẫn của họ đã chấm dứt.
Một quan chức Nga khác, ông Frants Klintsevich, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nga, nhận định: “Tôi không biết nguyên nhân chính của vụ thử vừa qua là gì. Tôi không loại trừ khả năng hành động này là một “phép thử” để xem phản ứng của phía đối phương. Tôi hy vọng Washington sẽ đủ khôn ngoan để kiềm chế bất kỳ hành động trả đũa nào trước hành động phô diễn sức mạnh của Bình Nhưỡng. Về phần mình, Nga luôn sẵn sàng chống lại bất kỳ nỗ lực nào gây căng thẳng hơn nữa đối với an ninh toàn cầu mà không cần biết điều ấy đến từ đâu”.
Bên cạnh đó, ông Kosachev nhận định, thông qua việc khiêu khích quân sự và công kích nhau qua những lời lẽ tiêu cực, phương Tây và Triều Tiên đang thể hiện sự thất bại của ngoại giao.
Ông nhấn mạnh, đề xuất của Trung Quốc và Nga nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên chính là biện pháp duy nhất thay thế cho một “thảm hoạ, nơi sẽ không có bất kỳ người chiến thắng hay kẻ thua cuộc nào”.
Theo đề xuất này, Hoa Kỳ và đồng minh phải ngừng các cuộc tập trận chung quy mô lớn mà họ thường tổ chức gần bờ biển Triều Tiên, làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng hiện tại và Bình Nhưỡng sẽ chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của mình.
Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị Washington bác bỏ, với việc tháng Chín vừa qua, Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố kế hoạch này là một “sự xúc phạm”. Hoa Kỳ kiên quyết cho rằng hoạt động quân sự của Seoul ở khu vực không thể so sánh với những hành động của Bình Nhưỡng.
Vụ phóng tên lửa diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước tài trợ khủng bố và tuyên bố sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với nước này.
Động thái này đã bị ông Kosachev chỉ trích là “một biện pháp khác để gây áp lực lên Bình Nhưỡng” với một mục tiêu duy nhất là bóp nghẹt Triều Tiên.
Đầu tháng này, Triều Tiên đã bác bỏ khả năng đàm phán với Hoa Kỳ và cho biết, các cuộc tập trận quân sự của Washington gần biên giới của họ là những chính sách thù địch công khai.
Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạt nhân với khả năng tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ “nếu Mỹ và các lực lượng thù địch tiếp tục đe dọa sử dụng vũ lực”.
Quân đội Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã thông báo hôm 29/11 rằng Triều Tiên đã bắn loại tên lửa đạn đạo liên lục địa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis cho biết, tên lửa này bay cao hơn bất kỳ tên lửa nào trước đó của Triều Tiên.
Theo quân đội Hàn Quốc, nó đã bay khoảng 960 km, đạt đến độ cao 4.500 km ở điểm cao nhất.
Xem thêm: Syria: IS sụp đổ, al-Qaeda trỗi dậy với những âm mưu thâm độc
Văn Quyền