Nghị sỹ New Zealand bị cáo buộc là “tay trong” của Bắc Kinh

Nghị sỹ New Zealand bị cáo buộc là “tay trong” của Bắc Kinh

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 3, 26/09/2017 10:21

Có những cáo buộc cho rằng, Trung Quốc đang muốn can thiệp chính trị vào các quốc gia như Australia và New Zealand trong vài năm trở lại đây.

Trong suốt một tuần qua, Trung Quốc đang trở thành chủ đề gây tranh cãi ở châu Đại Dương khi có những lo ngại, tình báo của nước này đang muốn can thiệp vào chính sách đối nội ở Australia và New Zealand.

Những lo ngại bắt đầu được đưa ra sau khi có thông tin nghị sĩ New Zealand gốc Hoa Yang Jian từng có thời gian đào tạo cho các điệp viên Trung Quốc.

Tiêu điểm - Nghị sỹ New Zealand bị cáo buộc là “tay trong” của Bắc Kinh

Quá khứ của nghị sĩ Yang Jian đang khiến chính trường New Zealand xôn xao.

Các chính khách ở Canberra và Wellington đang kêu gọi Quốc hội hai nước phải có nhiều hơn nữa các biện pháp bảo vệ chính sách trong nước khỏi sự can thiệp từ bên ngoài.

Tuần trước, nghị sĩ Yang Jian - thành viên đảng Quốc gia đang cầm quyền ở New Zealand tiết lộ, ông từng có thời gian dạy tiếng Anh cho các điệp viên Trung Quốc vào những năm 1980 và 1990 tại các trường tình báo quân sự.

Báo chí bắt đầu vào cuộc và đưa ra những nghi ngờ cho rằng, ông Yang có thể là “tay trong” của Bắc Kinh và hiện vẫn giữ mối liên hệ với các điệp viên Trung Quốc đang hoạt động tại Australia và New Zealand.

Ông Yang trở thành nghị sĩ ở New Zealand kể từ năm 2011 và là một chính khách có tiếng ở quốc gia này. Yang bác bỏ cáo buộc ông là một gián điệp nằm vùng và có hành vi phản bội quê hương mới của mình.

Nghị sĩ gốc Hoa không cung cấp tên của ngôi trường ông từng giảng dạy trước khi nộp đơn xin nhập quốc tịch. Ông tuyên bố các cáo buộc là “chiến dịch bôi nhọ” trước cuộc tổng tuyển cử toàn quốc sắp tới chỉ vì ông là một người gốc Hoa. Yang khẳng định, chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ hoạt động tình báo nào và luôn trung thành với New Zealand.

 Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bác bỏ các thông tin về việc giới tình báo nước này có liên kết với ông Yang Jian ở New Zealand, đồng thời phê phán các phương tiện truyền thông cố tình xây dựng các câu chuyện không có căn cứ để làm căng thẳng thêm quan hệ hai nước.

Dù sự thật về các cáo buộc chống lại ông Yang chưa thể kiểm chứng, những lùm xùm quanh sự việc này càng gia tăng thêm sự lo ngại ở Australia và New Zealand về ảnh hưởng mờ ám đến từ cường quốc châu Á.

Học giả Jason Young  từ đại học Victoria ở Wellington - chuyên gia nghiên cứu quan hệ Trung Quốc-New Zealand đánh giá, Bắc Kinh đang vươn bàn tay can thiệp đi khắp nơi trên thế giới. “Quyền lực mềm của Trung Quốc đang gia tăng, và đó là điều mà các nước như New Zealand và Australia có thể là nạn nhân”, ông nhận định.

Ở Australia, sự lũng đoạn của Trung Quốc ngày càng trở nên đáng ngờ hơn trong mắt người dân nơi đây. Trước đó hồi tháng 6, Fairfax Media và ABC Four Corners tuyên bố các tổ chức có liên quan đến Trung Quốc đang cố gắng kết nối với 140.000 du học sinh Trung Quốc ở Australia, qua đó nâng tầm ảnh hưởng về chính trị tại đất nước này.

Tiêu điểm - Nghị sỹ New Zealand bị cáo buộc là “tay trong” của Bắc Kinh (Hình 2).

Australia là quốc gia có lượng du học sinh Trung Quốc đông đảo.

Tuy nhiên, các cáo buộc đã nhanh chóng bị bác bỏ bởi Đại sứ Trung Quốc ở Australia - Cheng Jingye khi ông nói rằng không có động cơ chính trị nào ở đằng sau.

Năm ngoái, chính khách đảng Lao động Australia Sam Dastyari bất ngờ “ngã ngựa” khi bị phanh phui về việc nhận tiền từ Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông sau đó tiết lộ, Dastyari đã nhận khoản tiền lên tới 320.000 USD dưới dạng từ một nhà tài trợ ẩn danh, đổi lại chính khách này sẽ ủng hộ Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, dù điều này trái với chính sách của đảng mà ông là thành viên.

Theo học giả John Fitzgerald từ đại học Công nghệ Swinburne ở Melbourne, trường hợp của nghị sĩ Yang Jian đang cho thấy các lỗ hổng trong hệ thống chính trị ở New Zealand, trong đó thiếu đi các hệ thống rà soát lý lịch và quá khứ của các chính trị gia mang tầm ảnh hưởng lớn ở nghị viện.

Trong khi đó, ở Australia, các quy định tài trợ đối với chính khách lại tương đối lỏng lẻo, khi cho phép các nhà tài trợ nước ngoài ủng hộ tiền không giới hạn.

Merriden Varrall, Giám đốc chương trình Đông Á tại viện Lowy ở Sydney cho biết, Australia có thể thực hiện giải pháp ứng phó trước “âm mưu” của Trung Quốc bằng việc thắt chặt quy định về các nguồn tài trợ có mục đích chính trị từ bên ngoài, đồng thời cung cấp ngân sách lớn hơn cho các tổ chức học thuật trong nước để các cơ quan này có thể phát triển một cách độc lập.

Chuyên gia Fitzgerald cho biết, đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng tới chính sách của Australia và New Zealand từ năm 2008, khi hai nước bắt đầu tăng cường quan hệ rộng mở hơn với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu này cho biết, đây là một kế hoạch chiến lược có quy mô lớn của Trung Quốc trong việc tăng cường hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với người dân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, với vụ bê bối của nghị sĩ Yang Jian lần này, Australia và New Zealand được cho là sẽ thận trọng hơn trước “quyền lực mềm” của Trung Quốc và các hoạt động nâng tầm ảnh hưởng chính trị của nước này.  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.