"Căng như dây diều"
Có lẽ, đó là cụm từ miêu tả chính xác nhất quan hệ ngoại giao giữa Bolivia và Brazil gần hai tuần qua. Bolivia đang yêu cầu phía Brazil giải thích vì sao chính khách cánh hữu Roger Pinto có thể trốn khỏi Bolivia qua Brazil một cách dễ dàng mà không được phép chính thức từ cả hai bên. Trong cuộc chất vấn của Chính phủ Brazil, đại diện bộ Ngoại giao Bolivia cho rằng, có thể, một nhà ngoại giao Brazil đã "tổ chức một cuộc ra đi lén lút" cho Pinto.
Roger Pinto - nghị sỹ khuấy đảo ngoại giao Bolivia - Brazil.
Theo tin tức trước đó, hồi cuối tháng 8, sau hơn một năm trốn tránh trong Đại sứ quán Brazil ở La Paz và Pinto được bộ Ngoại giao Brazil cho phép tị nạn chính trị, với lý do gia đình Pinto đã nhận được những cú điện thoại dọa lấy mạng bởi ông này tố cáo Chính phủ Tổng thống Bolivia Evo Morales tham nhũng.
Liên quan đến việc Pinto tố Tổng thống Morales tham nhũng, ngày 28/5/2012, Pinto - Thủ lĩnh đảng cánh hữu đối lập Convergencia ở Quốc hội Bolivia đã xông thẳng vào Đại sứ quán Brazil ở Thủ đô La Paz và cho biết, các quan chức Chính phủ Bolivia tham nhũng, có quan hệ với bọn buôn lậu ma túy và ngược đãi nhân quyền.
Thậm chí, ông ta còn nhấn mạnh, gia đình ông này đã nhận nhiều lời dọa giết nhưng lấp lửng khi được hỏi chi tiết về các cuộc gọi. Pinto còn tố cáo Chính phủ Bolivia "khủng bố" ông bằng cách vu cáo cho Pinto có hành vi vi phạm khoảng 20 tội được quy định ở Bộ luật Hình sự.
Khi đó, dù được cấp giấy phép tị nạn nhưng Pinto chỉ có thể "trú chân" tại Brazil khi có sự chấp thuận của Chính phủ Bolivia. Nếu không được phép, Pinto chỉ có hai lựa chọn: Một là từ bỏ quyền tị nạn và rời khỏi Đại sứ quán; hai là tiếp tục thường trú dài hạn trong Đại sứ quán.
Tuy nhiên, Tổng thống Morales quyết không mở "hành lang an toàn" cho Pinto ra đi bởi ông ta đang phải đối mặt với các tội danh hình sự, trong đó có tội tham nhũng. Tổng thống Morales cho rằng, việc Brazil cho Pinto tị nạn là một "sai lầm". Trong khi đó, đại diện bộ Ngoại giao Brazil tuyên bố, quyết định cho Pinto tị nạn hoàn toàn phù hợp luật quốc tế và Hiến pháp Brazil.
Pinto còn cung cấp một chi tiết đáng lưu ý, đó là việc ông này bị tra tấn dã man, buộc phải nhận tội. Chính phủ Bolivia thì một mực phủ nhận thông tin Pinto nói. Họ tố cáo Pinto mới là kẻ tham nhũng, cần bị truy tố hình sự vì gây tổn thất kinh tế cho đất nước khi Pinto giữ chức Thống đốc bang Pando ở miền Bắc Bolivia, giáp biên giới Brazil. Phía Bolivia nhấn mạnh, Pinto là kẻ trốn tránh công lý và đáng bị dẫn độ.
Nhân vật cấp cao bị tố liên quan đến ma túy
Đến thời điểm hiện tại, nhân vật cao cấp nhất bị Pinto tố cáo là cựu Bộ trưởng Nội vụ Sacha Llorenti và phó Tổng thống Alvaro Garcia. Cả hai người này đều nắm rõ những hoạt động buôn lậu ma túy qua Chile vào Mỹ của cựu tướng cảnh sát Rene Sanabria, bị bắt tại Panama hồi tháng 2/2011 và đang thụ án 15 năm tù tại Mỹ. Vụ án này đặt dấu hỏi về tầm cỡ tham nhũng liên quan đến ma túy trong chính phủ Bolivia.
Sanabria từng là một nhân vật có thế lực, chỉ huy cục Phòng chống ma túy cho đến năm 2009. Khi bị bắt, ông ta đang chỉ huy cánh tình báo trong bộ Nội vụ. Sanabria đã hợp tác với cơ quan điều tra Mỹ, có những lời khai dường như để "chống lưng" cho các tố cáo của Pinto: Một số thành viên Chính phủ Bolivia có "móc nối" với bọn buôn lậu ma túy.
Bằng chứng rõ nhất cho việc này là hồi tháng 5/2012, Sanabria gửi cho kênh truyền hình Univision ở Miami (Mỹ) một lá thư tố cáo Chính phủ Bolivia từ chối mở cuộc điều tra các sỹ quan an ninh dính líu buôn lậu ma túy và Bộ trưởng Llorenti có nhiệm vụ cực kỳ đặc biệt là "nhấn chìm" cuộc điều tra này. Bản thân Pinto đã phản ứng bằng cách đề nghị Quốc hội lập một ủy ban để điều tra nội dung lá thư ấy.
Về phía kênh truyền hình Univision, họ cũng từng thông báo (trước khi Sanabria bị tuyên án) rằng, các tập đoàn buôn lậu ma túy ở Mexico, Colombia và Brazil có "liên kết" với khoảng 40 người Bolivia, bao gồm các sỹ quan cảnh sát, luật sư, doanh nhân... nhưng bộ Nội vụ lại "làm ngơ" chứng cứ tham nhũng này theo "lệnh" của Bộ trưởng Llorenti.
Ngay sau khi thông tin trên tràn lan, Llorenti tố cáo Pinto làm lộ tài liệu quốc gia cho Univision. Tuy nhiên, Pinto đã phủ nhận việc mình cung cấp tài liệu cho kênh truyền hình, chỉ trình Chính phủ đơn tố cáo mà thôi. Nhưng dù các vị quan cao cấp có cố tố ngược lại nhau thì Văn phòng Liên Hiệp Quốc phòng chống tội phạm và ma túy (UNODC) đã hết sức quan tâm tới thông tin của Univision. Univision tiết lộ, Chính phủ Bolivia nên điều tra và lưu ý tới việc thu nhập buôn lậu ma túy đã đóng góp từ 3-5% vào GDP của nước này.
Từ lâu, người ta đã biết, Bolivia có nhiều thành viên các lực lượng an ninh dính líu đến buôn lậu ma túy nhưng không ngờ rằng, ngay cả các quan chức chóp bu cũng bị tố cáo có dính líu đến việc này. Ngay đến cảnh sát Bolivia vốn được cho là không dính líu đến các vụ buôn lậu cũng bị nghi ngờ kể từ sau vụ Sanabria.
Tổng thống Bolivia Evo Morales.
Cuộc chạy trốn lạ kỳ
Sau sự việc đó, Pinto nói, gia đình Pinto liên tiếp nhận được những lời đe dọa, bởi vậy, Pinto đã chọn con đường sang nước khác tị nạn, cụ thể là Brazil. Luật sư của Pinto cho biết, việc Pinto qua được Brazil là một điều kỳ diệu, chỉ có trong cổ tích. Vị luật sư này kể, ông Eduardo Saboia, một cán bộ cấp cao của Đại sứ quán, đã lái xe chở Pinto suốt 22 giờ trên con đường 1.600km từ La Paz đến biên giới Brazil, sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao để không bị kiểm tra ở các chốt cảnh sát. Một nguồn thông tin khác còn nêu thêm, một chiếc xe chở lính thủy đánh bộ Brazil đã đi theo hộ tống.
Luật sư của Pinto còn nhấn mạnh, cuộc chạy trốn đó thật thần kỳ bởi khi ấy, sức khỏe Pinto đang rất yếu nhưng Pinto không muốn vào bệnh viện Bolivia vì ông sợ rằng, mình sẽ bị bắt, do ông đã bị tuyên án 12 tháng tù về tội tham nhũng. Pinto sợ bị chèn ép do đã tỏ thái độ chống Tổng thống Morales. Theo chính phủ Bolivia, Pinto đối diện 14 tội danh, gồm tội vu khống.
Sau khi Pinto trốn thoát trót lọt, Saboia lập tức bị triệu hồi về nước để giải trình về hành động này. Trong khi đó, bộ Ngoại giao Brazil đang điều tra vì sao Pinto có thể qua được Brazil một cách dễ dàng như thế. Nhưng, vụ trốn thoát thần kỳ này cũng không tránh khỏi một "quả tạ rơi xuống". Ngoại trưởng Antonio de Aguiar Patriota (59 tuổi) của Brazil phải nộp đơn từ chức với lý do "nhân viên dưới quyền không nghe lệnh".
Saboia đã nhận trách nhiệm giải cứu Pinto vì thấy Pinto bị "nhốt" trong Đại sứ quán đang suy nhược thần kinh, thường nghĩ đến chuyện tự tử. Saboia phát biểu trên kênh truyền hình Globo: "Tôi chọn cuộc sống, tôi chọn bảo vệ một người, một chính khách bị chèn ép như khi Tổng thống Dilma từng bị tra tấn". Ý ông là nữ Tổng thống Dilma Rousseff từng bị giam và bị tra tấn thời độc tài quân sự nắm quyền ở Brazil. Saboia nói, chỉ mỗi mình giúp Pinto và khi được hỏi có sợ bị kỷ luật hay không, ông khẳng định: "Tôi chỉ sợ Chúa. Nhiều đồng nghiệp vẫn ủng hộ tôi".
Đến nay, bộ Ngoại giao hai nước vẫn đang trong quá trình điều tra. Dù vậy, Bolivia và Brazil vẫn cố gắng hạn chế tổn thất ngoại giao. Brazil lập một đoàn điều tra sự việc, Chính phủ Bolivia cho hay, vụ Pinto không làm ảnh hưởng mối quan hệ song phương "dài hơi" giữa hai nước. Patriota mất chức Ngoại trưởng nhưng được Tổng thống Roussef cử làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, thay Luiz Alberto Figueiredo nhậm chức Ngoại trưởng.
Thỏa thuận quốc tế bị vi phạm
Pinto hiện đang tạm thời tị nạn ở Thủ đô Brasilia. Ngoại trưởng David Choquehuanca của Bolivia nhận định, vụ giải cứu này cho thấy những thỏa thuận quốc gia và quốc tế bị vi phạm, đòi Brazil phải giải thích rõ cho Bolivia và cộng đồng biết. Nhưng một quan chức Chính phủ Brazil đã xuất hiện trên kênh O Globo giải thích: "Bolivia và Brazil đã thỏa thuận cho Pinto đến Brazil, nhưng không bảo đảm an toàn cho Pinto".
Hồng Nhung (Theo BBC)