Là một trong số 20 người trẻ nhất trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, với chị đó là niềm vinh dự nhưng cũng là thách thức, cơ hội để khẳng định năng lực của mình.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của huyện Giao Thủy (Nam Định), bố mẹ đều là những người đứng trên bục giảng nên từ nhỏ Phương Thảo đã mơ ước làm giáo viên và nỗ lực không ngừng để biến ước mơ đó thành sự thật. Hiện đại biểu Phương Thảo là Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.Nam Định, tỉnh Nam Định).
Trò chuyện với PV, nữ đại biểu trẻ tự coi mình là cá biệt khi trúng cử ĐBQH mà chưa từng có kinh nghiệm làm chính trị, nhưng chị quan niệm mỗi đại biểu đều có nhiệm vụ chuyên biệt của mình. "Tôi là đại biểu của ngành Giáo dục, vì vậy những vấn đề thuộc giáo dục sẽ là mối quan tâm chính của tôi. Bằng khả năng của mình, tôi sẽ đóng góp tiếng nói của mình về những điều trăn trở trong lĩnh vực giáo dục", chị bộc bạch.
Là một cô giáo ở tỉnh lẻ mà trước mặt Bộ trưởng chủ quản, ngay tại hội trường Quốc hội, chị dám vượt qua "lằn ranh" về cấp trên, cấp dưới, vạch ra những cái sai của ngành một cách thẳng thắn, rành rẽ.
Tôi vẫn nhớ như in, trong phiên thảo luận chiều 3/11/2020, đại biểu Phương Thảo thẳng thắn nêu quan điểm, cần phải xem lại bất cập nổi lên trong sử dụng sách giáo khoa (SGK) lớp 1, điển hình là một số bộ sách có ngôn ngữ thiếu trong sáng, thiếu logic gây dư luận không tốt. Chị đề xuất làm rõ sai sót và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai và đề nghị tạm dừng lưu hành các bộ SGK lớp 1 trên thị trường để thẩm định. Đồng thời, chị đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc, truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả SGK, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, về quyền xuất bản của từng bộ sách.
Với những phát biểu của mình, nữ đại biểu khẳng khái nói: "Tôi là con đẻ của ngành Giáo dục, tôi thừa hưởng sự giáo dục của nền giáo dục Việt Nam và tôi đang công tác trong ngành Giáo dục. 2/3 nội dung trong bài phát biểu của tôi tập trung vào đề xuất giải pháp để cho ngành của mình được tốt hơn, tức là tôi đã phát biểu với tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào vấn đề để phát biểu mang tính chất xây dựng".
Trò chuyện với PV, nữ đại biểu chia sẻ, việc tham gia các kỳ họp của Quốc hội diễn ra hay các hoạt động giám sát, họp các cơ quan chuyên môn của Quốc hội chiếm thời gian khoảng 1/3 năm của bản thân. Đôi khi cũng làm chị lúng túng khó cân đối việc dạy học với công việc của một chính khách. Để làm tốt nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, cần có sự đầu tư, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề xuất phát từ thực tiễn cuộc sống hay tình hình chính trị xã hội của Việt Nam cũng như quốc tế. Trong khi công việc giảng dạy (dù nhiều năm) cũng không tạo được nhiều kinh nghiệm cho công việc này.
Hương Lan