Trước thông tin phản ánh trên báo chí về vụ việc, tổng cục Thuế (bộ Tài chính) đã chính thức lên tiếng. Theo tổng cục Thuế, ngày 25/5, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin về vụ việc. Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản số 2150/TCT-VP ngày 25/5/2020 chỉ đạo Cục trưởng cục Thuế tỉnh Bắc Ninh khẩn trương rà soát, phối hợp kịp thời với đoàn thanh tra của bộ Tài chính.
Để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ nội dung sự việc, cũng trong ngày 25/5, tổng cục Thuế đã có công hàm gửi cơ quan thuế Nhật Bản để trao đổi thông tin trên cơ sở quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế 2 nước Việt Nam - Nhật Bản theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Bên lề hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí về nghi vấn công ty Nhật hối lộ để né thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định cơ quan chức năng sẽ làm rõ, công khai, minh bạch về sự việc, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nếu có vi phạm. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Việc này rất quan trọng, về đối ngoại, liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh; về đối nội, đây là việc phòng chống tham nhũng đặc biệt là trong 2 lĩnh vực mà người ta nói là ăn vặt".
Công ty Nhật hối lộ 5 tỷ đồng để được miễn giảm gần 420 tỷ đồng tiền thuế đang là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây không phải lần đầu xảy ra vụ việc nghi vấn hối lộ liên quan đến cán bộ ngành thuế và hải quan. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra làm rõ có hay không chuyện công ty Nhật “lót tay” cán bộ thuế, hải quan Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện lại dấy lên những nghi ngại về chính sách “lobby đen” và những thỏa thuận “hoa hồng” có lợi cho đối tác nhưng lại gây thất thu thuế.
Trên thực tế, ở một số nước phát triển hoạt động lobby mang tính chính trị- xã hội sâu sắc và có tác động nhất định đến việc hình thành nên các chính sách đối nội, đối ngoại thậm chí các dự án kinh tế lớn… Ở Việt Nam, loại hình này đã hình thành, lobby ở nước ta từ lâu trên nhiều góc độ khác nhau và tại nhiều lĩnh vực của xã hội mà thường gọi theo nghĩa đen là chạy “cửa sau”.
Cũng từ sự việc, dư luận nhắc đến nguy cơ “đi đêm, hối lộ, chạy cửa sau” vì lợi ích cá nhân nhưng lại khoác áo tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Những việc như vậy gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước. Để có tình trạng như vậy, nhiều ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân cũng do cơ chế hậu kiểm thiếu sức mạnh cần thiết dẫn đến những việc đi đêm và chỉ khi đối tác lên tiếng thì mọi sự mới được đưa lên bàn cân mổ xẻ. Vai trò cán bộ thực thi công vụ là vô cùng quan tọng, nếu không vững vàng thì dễ mắc sai lầm, vi phạm. Dư luận cho rằng, phải giám sát cán bộ một cách chặt chẽ để tránh lợi dụng quyền lực và nhận hối lộ.
Liên quan đến vụ việc được cho là rất nghiêm trọng này, trao đổi với báo chí, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra, nếu có việc hối lộ như báo chí phản ánh phải xử lý nghiêm khắc, nhanh nhất và đúng pháp luật để tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng. "Cả thế giới đang chống tham nhũng, chúng ta đang phấn đấu để có môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nên không thể nào để những sự việc này xảy ra", ĐBQH Quốc hội Đỗ Văn Sinh nói.
Cùng quan điểm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng của Việt Nam cần vào cuộc xem xét, làm rõ vì sự việc nêu trên ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam và Nhật Bản. Sau vụ việc này, Bộ trưởng bộ Tài chính phải rà soát lại và có giải pháp để xử lý, tuyệt đối không để xảy ra những sự việc như vậy trong tương lai.
N.G