Nghi án “phân thân”
Trách nhiệm của nữ hộ sinh trưởng Hoàng Thị Thủy và trưởng khoa Phụ sản khi phớt lờ Nghị định 21/2006/NĐ-CP, để diễn ra tình trạng cho phép quảng cáo sữa, bán sữa và bình bú cho trẻ sơ sinh ngay tại khoa Phụ sản đang chờ kết luận cuối cùng từ bệnh viện Bạch Mai và Bộ Y tế. Liên quan đến nữ hộ sinh trưởng Hoàng Thị Thủy, chuyện đi học của vị này cũng đang được Bộ GD&ĐT vào cuộc làm rõ.
Bản chấm công (từ 4/3 - 15/3/2010) có chữ ký của phó trưởng bộ môn.
Theo Bảng chấm công của Khoa Phụ sản (có chữ ký của tổ trưởng, và trưởng khoa) lưu tại Phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Bạch Mai cho thấy: Bà Thủy gần như đi làm đầy đủ trong suốt quá trình đáng lẽ phải học tập trung tại ĐH Điều dưỡng Nam Định. Thế nhưng hồ sơ lưu ở trường lại đang chứng minh điều ngược lại, bà Thủy đi học khá đầy đủ, điểm thi rất cao, môn thấp nhất đạt 8 điểm.
Cụ thể trong Bảng chấm công lưu tại Bệnh viện: tháng 2/2010 bà Thủy đi làm đủ; tháng 3/2010 đi học 4,5 buổi; tháng 4/2010 đi học 5,6 buổi. Thế nhưng sổ điểm danh những môn học tại thời gian trên lại cho kết quả rất khác: Môn triết học Mác - Lê nin (học từ 2/3/2010 - 10/3/2010) nghỉ 1 buổi; Môn Y tế cộng đồng (học từ 12/3/2010 - 26/3/2010) nghỉ 0 buổi; Bộ môn Sản 1 (học từ 4/3/2010 - 15/3/2010) nghỉ 0 buổi; môn Điều dưỡng ngoại (học từ 26/3/2010 - 19/4/2010) nghỉ 0 buổi...
Cũng cần phải nói thêm, hệ tại chức tập trung 1,5 năm nơi bà Thủy đang theo học được dạy vào ban ngày, và khoảng cách từ nơi làm và nơi học là khoảng trên 100 km. Vậy nếu bà Thủy trung thực, câu chuyện lạ trên chỉ còn một cách giải thích: bà Thủy có khả năng "phân thân" làm đôi, vừa đi học vừa đi làm (!?). Nếu không, liệu có việc thuê người đi học hoặc vì lý do nào đó, cán bộ trường ĐH Điều dưỡng Nam Định đã "phù phép" làm đẹp hồ sơ về quá trình học tập cho bà Thủy?
Trường “né” nhiều vấn đề
Trao đổi với PV chiều 22/4/2011, ông Phạm Thanh Sơn - Hiệu Phó trường ĐH Điều dưỡng Nam Định khẳng định: Sinh viên Thủy có nghỉ một số buổi nhưng theo quy chế đã được học bù nên vẫn đủ điều kiện dự thi. Khi được hỏi một tháng đi học có 4 - 5 ngày, nếu có bù thì làm sao bù đủ thì ông Sơn "né" câu trả lời và chỉ sang ông Nguyễn Hùng Minh (phó trưởng phòng công tác HSSV) đề nghị chúng tôi làm việc với ông này. Khi PV hỏi tiếp: "Bà Thủy học như vậy liệu điểm số như thế có là quá cao?" thì ông Sơn lại trả lời ngay: "Điểm số như vậy là rất thấp nếu so với mặt bằng chung của trường" (?).
Ông Phạm Thanh Sơn, phó hiệu trưởng ĐH Điều dưỡng Nam Định
Khi làm việc với PV, ông Minh cũng không trả lời trực tiếp mà liên tục "xin khất". Ông Minh nói rằng nhà trường cũng đang trong quá trình điều tra nên chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên ông này cũng cho biết trường có một quy chế rất thoáng trong việc học bù. Để khẳng định lại điều này, bà Đỗ Thị Tuyết Mai - cán bộ phòng đào tạo khẳng định chắc nịch: "Sinh viên học tại trường được phép học bù, vắng buổi nào bù buổi ấy. Một mình một lớp, một trò một thầy cũng bù" (!?).
Theo công văn mới nhất, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường ĐH Điều dưỡng Nam Định làm báo cáo gửi Bộ trước ngày 1/5/2011. Người đưa tin sẽ thông tin đến bạn đọc ngay khi sự việc này có những diễn biến mới nhất.
P.V