11 tuổi vẫn chưa được đi học
Mới đây, báo Người Đưa Tin đã phản ánh về sự việc nghi vấn bé gái bị mẹ ruột bạo hành, giam nhốt không cho đi học mặc dù đã 11 tuổi.
Theo thông tin xác định người mẹ là chị Trần Thị Hồng Nh. (SN 1973, HKTT tại TT6, Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim, TP. Hà Nội), con gái là bé Võ Thu H. (SN 2005). Hai mẹ con cùng sống tại phòng 714 của chung cư Nơ 1A (KĐT bán đảo Linh Đàm, Hà Nội).
Theo nhiều người dân sống xung quanh cho biết, chuyện chị Nh. bạo hànhcon mình, người dân ở chung cư này ai cũng biết, tuy nhiên mọi người mọi người chỉ nghe thấy tiếng khóc thét của đứa trẻ, nhất là vào buổi tối và chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy chị Nh. đánh đập con.
Bản thân cháu H. cũn có những biểu hiện bất thường, ít giao tiếp với mọi người xung quanh, mặc dù đã 11 tuổi nhưng đi đâu cũng có mẹ kèm theo. Đáng nói, đến nay, H. cũng chưa được đi học qua trường lớp nào.
Xoay quanh sự việc này, PV đã trao đổi với Luật sư Vũ Quang Bá - Công ty Luật TNHH Khải Hưng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để cùng có những nhìn nhận sâu sắc dưới góc độ pháp lý.
Vấn đề nhức nhối, cần có hướng xử lý phù hợp
Luật sư Bá cho biết: "Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội, các hành vi không chỉ dừng lại ở việc vi phạm quy chuẩn đạo đức của xã hội, mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đi ngược lại chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và phát triển trẻ em.
Với sự việc trên để kịp thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cháu H. cũng như kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm của chị Nh. nếu có trên thực tế trước hết cần có sự vào cuộc của chính quyền sở tại cũng như cơ quan quản lý và bảo vệ trẻ em cũng như việc xác định rõ nguyên nhân sự việc để có giải pháp khắc phục triệt để".
Các nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái cũng như việc xác định các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và phát triển trẻ em đã được ghi nhận trong nhiều các văn bản pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 69, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ đối với con cái:
“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. 2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên…”.
Tại Điều 2, Điều 8, Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 cũng đã quy định nghiêm cấm các hành vi bạo lực gia đình, như: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng đối với các thành viên trong gia đình.
Theo Điều 7, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng đã quy định về việc nghiêm cấm thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ em hay cản trở việc học tập của trẻ em.
Như vậy, nếu trên thực tế có căn cứ xác định chị Nh. có hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ cũng như không cho cháu H. đi học thì đó là các hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện nay theo quy định của pháp luật hiện hành, với các hành vi vi phạm đến việc thực hiện nghĩa vụ cha mẹ đối với con cũng như việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và phát triển trẻ em người vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính với các mức và hình thức tương ứng với mức độ và hành vi vi phạm.
Theo đó, đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình tại khoản 1, 2 Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt đối với hành vi này ở mức phạt tiền từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. Hoặc phạt tiền từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình.
Ngoài ra, nếu hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp, người phạm tội có thể bị truy cứu TNHS về "Tội cố ý gây thương tích" (Điều 104 BLHS) hoặc "Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình" (Điều 151 BLHS).
Bên cạnh đó, tình tiết phạm tội đối với trẻ em cũng được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội (Điểm h khoản 1 Điều 48 BLHS).
Với hành vi cấm, ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp gỡ người thân, bạn bè nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó, có thể bị áp dụng mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 ngàn đồng (điểm a khoản 1 Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Về nghi vấn không cho cháu H. đi học, nếu sự việc là có thật thì với hành vi này, chị Nh. có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền từ 1 triệu – 3 triệu đồng (Điều 30 Nghị định 144/2013/NĐ-CP).
Luật sư Bá cũng lưu ý thêm: "Trong trường hợp có căn cứ xác định chị Nh. có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu H. thì người thân thích của cháu H. hoặc các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em như Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các cấp… có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của mẹ đối với cháu H..
Ngoài ra hành vi của chị Nh. chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần xem xét việc áp dụng các biện pháp như giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định Luật phòng, chống bạo lực gia đình".
Dương Nhung