Nghi vấn rau VietGAP "rởm" vào siêu thị: Bộ Nông nghiệp họp khẩn

Nghi vấn rau VietGAP "rởm" vào siêu thị: Bộ Nông nghiệp họp khẩn

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 6, 23/09/2022 14:00

Sau sự việc rau chợ được “phù phép” dán mác rau VietGAP bán vào siêu thị mới được báo chí phanh phui, Bộ Nông nghiệp đã họp khẩn.

Khuyến khích làm VietGAP mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP

Liên quan đến vụ rau VietGAP “rởm” biến hình vào siêu thị, tối 22/9, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn tổ chức cuộc họp khẩn trao đổi về công tác quản lý chất lượng nông thủy sản.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết, về mặt nguyên tắc, việc kiểm soát không chỉ là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước mà của cả người sản xuất, kinh doanh, nguyên tắc đơn vị sau giám sát đơn vị trước để đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn. Đơn vị thu gom sơ chế giám sát đơn vị trồng trọt, phân phối giám sát lại đơn vị sơ chế chế biến. Nhà nước chỉ giám sát bên ngoài xem các hoạt động đó có chuẩn chỉ không.

Toàn cảnh - Nghi vấn rau VietGAP 'rởm' vào siêu thị: Bộ Nông nghiệp họp khẩn

Cơ quan chức năng sẽ tăng cường, kiểm tra đột xuất việc cấp phép tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm đưa vào siêu thị (Ảnh minh họa).

Theo ông Tiệp, muốn giám sát, chuẩn hoá thì phải đưa ra các chỉ số có thể đo lường được, và đó là tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, quản lý sau khi VietGAP chứng nhận lại là bên thứ ba đảm nhận. Các đơn vị chỉ định tổ chức chứng nhận VietGAP và hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP có làm đúng hay không, sản phẩm đưa ra thị trường có đúng chuẩn là VietGAP hay không thì chúng ta chưa làm tốt khâu này.

Ông Tiệp thông tin thêm: “Cục sẽ có chương trình làm điểm trong ba chợ lớn nhất là Tân Xuân, Bình Điền, Hóc Môn để kiểm soát hàng đưa vào chợ, bằng cách lấy mẫu giám sát, xử lý trường hợp vi phạm”.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, đây không phải là trách nhiệm của riêng ai, không ai vô can, trong đó có cả trách nhiệm của Bộ trưởng. Với tư cách người tiêu dùng, nếu chúng ta chấp nhận sự dễ dãi thì người bán hàng cũng sẽ dễ dãi, nhìn rộng ra không chỉ trong lĩnh vực rau sạch mà cả các vấn đề khác của xã hội.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, việc chuẩn hóa chất lượng nông sản cho thị trường trong nước là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, việc chuẩn hoá nông sản cho ngay thị trường trong nước, bắt đầu tư các chợ cóc, chợ truyền thống, sau đó tiến dần lên các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối... Bởi vì, chúng ta không chấp nhận sự dễ dãi từ khâu nhỏ nhất. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ từ nay tới cuối năm.

Toàn cảnh - Nghi vấn rau VietGAP 'rởm' vào siêu thị: Bộ Nông nghiệp họp khẩn (Hình 2).

Mỗi siêu thị sẽ có những quy trình kiểm soát chất lượng, hệ thống kiểm tra, lấy mẫu khác nhau. (Ảnh minh họa)

"Bộ trưởng kêu gọi sự vào cuộc của tất cả hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông để tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng. Chúng ta làm minh bạch, tử tế không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu, mà là phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân trong nước", ông Hoan nhấn mạnh.

Ông Hoan cũng đề nghị các cơ quan thuộc Bộ rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài, xem còn phù hợp hay không, cần sửa cái gì?

Ông Lê Minh Hoan cũng đưa ra một thực tế đáng suy ngẫm đó là: "Đúng là lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP, mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP. Nhưng nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP thì Nhà nước có thể vào cuộc kiểm soát, xử phạt; người tiêu dùng có thể tẩy chay... Nếu có không gian rõ ràng, minh bạch giữa một bên là rau được chứng nhân, với một bên là không được chứng nhận, thì tôi tin người tiêu dùng sẽ có lựa chọn của mình", ông Lê Minh Hoan nói.

Sẽ thanh tra đột xuất sau vụ "rau VietGAP rởm"

Trước đó, tối 21/9, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tp.HCM đã có văn bản khẩn gửi các Đội quản lý thị trường trực thuộc yêu cầu rà soát, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đây là biện pháp mà Cục Quản lý thị trường Tp.HCM triển khai ngay sau thông tin mà báo chí phản ánh về tình trạng nhiều người dân phải trả giá cao để mua "rau an toàn" và “đạt chuẩn VietGAP” tại các siêu thị, nhưng thực tế một số công ty lại đi gom rau ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.

Toàn cảnh - Nghi vấn rau VietGAP 'rởm' vào siêu thị: Bộ Nông nghiệp họp khẩn (Hình 3).

Một số loại rau củ bị đánh tráo nguồn gốc xuất xứ không chỉ được bán ra ngoài chợ lẻ, mà còn bán cho hệ thống siêu thị lớn. (Ảnh minh hoạ)

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tp.HCM yêu cầu người đứng đầu, người được giao quản lý các Đội quản lý thị trường khẩn trương thực hiện rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện, phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Đội quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác theo đúng quy định.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tp.HCM yêu cầu người đứng đầu, người được giao quản lý các Đội quản lý thị trường thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo, báo cáo kết quả thực hiện về Phòng Nghiệp vụ-Tổng hợp theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/9, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có công văn gửi Ban An toàn thực phẩm Tp.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh và sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố về việc điều tra, xác minh nội dung báo chí phản ánh.

Công văn nêu, trong những ngày gần đây, báo chí đăng tải một loạt bài viết với tiêu đề "Rau VietGAP dỏm "biến hình" vào siêu thị" với nội dung phản ánh một số công ty đã thu gom rau ở chợ đưa về đóng gói, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.

"Qua các bài viết của báo nêu cho thấy hiện tượng vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng", Nafiqad nhấn mạnh.

Để ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm nêu trên, Nafiqad đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng. Lưu ý kết hợp kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa trong các hoạt động thẩm định, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.

Tổ chức thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Khi phát hiện vi phạm cần tổ chức điều tra, truy xuất, thu hồi, xử lý hàng hóa vi phạm và các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Riêng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp.HCM và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Nafiqad đề nghị tổ chức điều tra, xác minh nội dung thông tin báo phản ánh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trụ sở đóng trên địa bàn quản lý và truy xuất, thu hồi, xử lý vi phạm theo hướng dẫn. Kết quả triển khai đề nghị gửi báo cáo về Nafiqad trước ngày 5/10.

Siêu thị có tiếp tay lừa khách hàng?

Trước đó, báo chí phản ánh tại cơ sở sơ chế rau đặt tại Công ty TNHH MTV Viager (phường Bình Chiểu, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) trong thời gian từ tháng 8 đến giữa tháng 9 đã "phù phép" rau chợ đầu mối thành "rau sạch Đà Lạt", chuẩn VietGAP.

Từ 6h-8h, nhóm công nhân hoàn tất việc sơ chế, đóng gói, dán tem nhãn để kịp giao cho các shipper (tài xế giao hàng). Tem nhãn được dán lên các bịch/khay/túi lại ghi dòng chữ "Rau củ quả Đà Lạt", kèm thông tin Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods), có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành).

Theo điều tra, rau được lấy từ nhiều nguồn. Tiểu thương cung cấp rau cho cơ sở dán tem Trình Nghi lấy từ Bình Chánh (Tp.HCM), Đà Lạt, Vũng Tàu, Tiền Giang..., tùy thuộc vào giá chỗ nào “mềm”.

Ngày 20/9, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thành lập ngay đoàn kiểm tra đột xuất Công ty Trình Nhi có nhà máy tại xã Phú Hội (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Việc kiểm tra diễn ra vào ngày 21/9 và sẽ có báo cáo vào cuối tuần. Tuy nhiên, theo một số người ra vào công ty cho biết, Trình Nhi không sản xuất hàng tươi (sơ chế rau nông sản - PV) mà sản xuất nông sản sấy khô.

Liên quan đến bài viết rau sạch dỏm "biến hình", cả ba hệ thống phân phối Winmart, Tikingon và 3Sạch đều ngay lập tức rút toàn bộ rau củ quả Trình Nhi trên kệ hàng, đồng thời kiểm tra toàn bộ nguồn hàng.

Đồng thời cả Winmart, Tiki ngon, WinCommerce (WCM, thuộc tập đoàn Masan) đã có phản hồi về sự việc. Theo đó, WinCommerce cho biết đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ và yêu cầu nhà cung cấp Trình Nhi giải trình vi phạm cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm theo hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký kết với WinCommerce.

WinCommerce cũng khẳng định, đây không phải chủ trương kinh doanh của công ty. WinCommerce luôn tuân thủ đầy đủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm với quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa khắt khe nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài làm việc với Trình Nhi, WinCommerce cũng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ các nhà cung cấp rau khác.

Tập đoàn Masan cũng nhấn mạnh, sự việc trên là vi phạm cam kết hợp đồng của nhà cung cấp nhưng WinCommerce nhìn nhận một phần trách nhiệm và sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các nhà cung cấp rau khác. Đồng thời, sẽ rà soát, tăng cường, siết chặt thêm các biện pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh Tikingon cũng khẳng định xin nhận trách nhiệm và cho biết sẽ tiến hành rà soát gắt gao lại một lần nữa chất lượng tất cả nhà phân phối hiện tại. Tất cả mặt hàng rau củ quả của Trình Nhi, đã lập tức bị ngừng kinh doanh trên Tikingon từ ngày 19/9.

Tương tự, chuỗi siêu thị thực phẩm 3Sạch cũng xác nhận có hợp tác với các nhà cung cấp Công ty TNHH Nông sản sạch Hugofarm và Công ty CP ĐT & SX Nông sản Trình Nhi (Trình Nhi Foods, TNFoods). Ngoài việc rút hàng khỏi quầy kệ và ngừng nhập hàng của hai nhà cung cấp nêu trên, đại diện truyền thông 3Sạch cũng chân thành xin lỗi người dùng.

Mặc dù các siêu thị nói trên đều khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan điều tra và tiến hành các thủ tục pháp lý với các nhà cung cấp vi phạm hợp đồng, nhằm làm rõ các hành vi đánh tráo, gian lận nhãn hiệu và hàng hóa, làm mất lòng tin của khách hàng; đồng thời cam kết sẽ tra soát nghiêm ngặt, không để vụ việc này diễn ra trong tương lai. Tuy nhiên, đông đảo người tiêu dùng đặt câu hỏi rằng, sự việc đã diễn ra trong một thời gian dài, liệu có hay không sự tiếp tay, cố tình làm ngơ, đánh lừa khách hàng của các siêu thị này?

Rà soát lại việc cấp chứng nhận

Ngày 22/9, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đã giao cho cục phó ký văn bản gửi cho 12 đơn vị có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận VietGAP do bộ quản lý.

"Trong hôm nay, văn bản sẽ gửi đến 12 đơn vị mà bộ quản lý. Yêu cầu các đơn vị đó trong thời hạn 7 ngày phải báo cáo lại quá trình hoạt động cấp phép của mình. Cục Trồng trọt sẽ lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra đột xuất. Nếu có sai phạm và đúng như báo Tuổi Trẻ phản ánh thì áp theo quy định của nghị định 119/2017, ở khoản 4, điều 21 là phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng; tịch thu giấy phép hoạt động", ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, hiện tại trong lĩnh vực trồng trọt, theo số liệu không đầy đủ, có trên 40 tổ chức công nhận chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực VietGAP. Cục Trồng trọt cấp cho 12 tổ chức, còn trên 30 đơn vị do Bộ Khoa học - Công nghệ hoặc Cục Quản lý chất lượng cấp.

Trong số 12 đơn vị đó, Công ty CP chứng nhận quản lý và chất lượng sản phẩm GreenCert (chi nhánh Yên Thế, quận Tân Bình, Tp.HCM) mà báo Tuổi Trẻ phản ánh, là đơn vị mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, quản lý.

Đây là nơi mà theo nhóm phóng viên Tuổi Trẻ điều tra được, cán bộ thông báo là có cấp chứng nhận "đánh giá online cho nhanh", chỉ cần gửi mẫu (đất, nước, rau của vườn) tới văn phòng, chứ đơn vị không cử nhân viên đến vườn vì "mất thời gian xử lý".

Liên quan đến sự việc trên, theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, để tránh những sự việc đáng tiếc như trên, cần thực hiện quản trị doanh nghiệp nội bộ cho tốt. Các siêu thị cần quản trị chuỗi cung ứng ngắn từ đầu vào cho đến khâu nhập hàng, bảo quản trong kho cho đến sơ chế, tổ chức bán ra và theo dõi khi đến tay người tiêu dùng. Tức là phải phân công, phân nhiệm các nhiệm vụ chịu trách nhiệm, nhất là khâu nhập hàng.

“Và phải luôn luôn lắng nghe người tiêu dùng qua các hòm thư góp ý. Phải xem lại quy chế về trung tâm thương mại, siêu thị mà Bộ Công Thương vừa sửa đổi, đã có quy định về những vấn đề này. Các siêu thị cần chấp hành nghiêm quy chế đó. Tôi đã trao đổi với gần một vạn cán bộ công nhân viên ngành thương mại Hà Nội cách đây nhiều năm là "Hãy bán hàng như bán cho người thân của mình", đừng để mất niềm tin, mất niềm tin là mất tất cả", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, siêu thị hiện mới chỉ phục vụ 15% nhu cầu hàng tươi sống của người dân, nguồn cung chủ yếu vẫn từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Do đó, tăng cường chất lượng phục vụ, vệ sinh toàn thực phẩm tại chợ là yêu cầu quan trọng với ngành công thương các địa phương, bên cạnh việc quan tâm chất lượng thực phẩm tại siêu thị.

Cuối tháng 8/2022, những con số đáng báo động về tỉ lệ ung thư của Việt Nam lại khiến giới chuyên gia không thể ngồi yên. Theo đó, tỉ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), tỉ lệ tử vong tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận của năm 2018. Như vậy cũng có nghĩa, cứ 100.000 người Việt Nam thì có 159 người được chẩn đoán mới mắc ung thư và 106 người tử vong. Mà một trong những tác nhân đã được cảnh báo rất nhiều lần là do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học quá nhiều trong rau củ quả nói riêng và thực phẩm nói chung. Và chiếu theo đó, dư luận lo ngại những thực phẩm “đội lốt” trên không thể vô can trong những con số ung thư “nhảy múa” đáng báo động này!

Minh Vy (Tổng hợp từ Tuổi Trẻ, Vietnam+, Công Thương, Công an Nhân dân)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.