Truyền thuyết về mối tình bi kịch
Men theo đê sông Cầu, chúng tôi tìm về đền Vọng Nguyệt (làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh) để hỏi thăm về danh tính vị công chúa bí ẩn. Sau nhiều lần hỏi đường, chúng tôi cũng tìm gặp được cụ Ngô Xuân Lập (thủ từ đền Vọng Nguyệt). Cụ Lập kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện hấp dẫn về vị công chúa bí ẩn này. Chuyện kể rằng, thời vua Lý Huệ Tông, các vùng đất xa được chia làm nhiều lộ để tiện bề quản lý. Lúc bấy giờ, nước ta được chia làm 24 lộ và cắt cử các công chúa đến đó trông giữ. Vùng đất làng Vọng Nguyệt xưa được gọi là Ngột Nhì, thuộc một trong 24 lộ đó và dưới quyền cai quản của công chúa Lý Nguyệt Sinh.
Lúc bấy giờ, trong làng có một người trai trẻ tên Chu Đình Dự, vốn là người tài hoa, giỏi văn thơ võ nghệ, lại là một thợ rèn nổi tiếng. Tiếc thay, chàng Dự chỉ là một người bình thường, không phải con nhà gia thế. Công chúa thầm yêu, rồi lấy cớ muốn có một thanh kiếm tốt nên nhờ Chu Đình Dự làm giúp mình một thanh kiếm, nói rằng để mang về kinh dự hội thi võ. Khi triều đình mở cuộc thi, kỳ lạ thay, trong muôn vàn binh khí, thanh kiếm này nổi bật lên, đánh gãy tất cả những binh khí khác. Vua lấy làm lạ bèn hỏi nguyên do và tên người thợ làm ra nó. Nguyệt Sinh công chúa thấy thế liền thưa lại mọi chuyện với vua cha, nói rằng, thanh kiếm này là tín vật trao tình của hai người. Tuy nhiên, do chênh lệch về gia thế, phép nước lại nghiêm nên chuyện tình duyên của họ còn chờ xin ý kiến vua cha. Vua Huệ Tông nghe xong cảm động, liền phá lệ cho phép công chúa kết hôn với chàng trai nghèo làng Vọng Nguyêt.
Ảnh minh họa.
Sau nhà Lý mất ngôi về tay nhà Trần, hai vợ chồng công chúa Lý Nguyệt Sinh dấy binh chống lại. Đến niên hiệu Kiến Trung thứ 2 nhà Trần (tức đời vua Trần Thái Tông), công chúa cất quân báo thù tại trận địa thuộc trấn Thái Nguyên, chiến đấu tại khu vườn Can xứ, trồng rất nhiều chuối. Khi thất trận, công chúa trốn vào vườn chuối. Quan quân tìm mãi không thấy bèn phạt cả vườn chuối để tìm cho bằng được. Công chúa Nguyệt Sinh phải tuẫn tiết, hóa thành một thân cây chuối lớn. Lúc bấy giờ trời nổi một trận mưa to, gió lớn làm ngập cả vườn chuối, thân cây chuối trôi theo dòng sông Cầu từ Thái Nguyên về tới xã Mai Thượng, huyện Hiệp Hòa (thuộc tỉnh Bắc Giang ngày nay) ven sông phía bờ Bắc. Bấy giờ, dân làng Vọng Nguyệt thấy một thân cây chuối lớn cứ quẩn quanh ở khu vực này mãi không trôi đi.
Linh ứng báo mộng cho hương lão làng ra vớt lên, làm lễ mai táng tại khu Vườn Nương thuộc địa phận xã Mai Thượng (nay thuộc thôn Mai Thượng, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Tương truyền rằng, khi các hương lão của làng Vọng Nguyệt vớt cây chuối đó lên, từ thân cây phun ra một thứ nước đỏ như máu, máu phun đến đâu thì đất Vọng Nguyệt đến đó. Nơi đó, sau được gọi là Vọng gia. Mỗi một gia đình trong làng phải cử một người sang đó sinh sống, giữ đất và tiếp tục việc thờ cúng. Cũng từ sự kiện này mà dân làng Vọng Nguyệt lập đền thờ Nguyệt Sinh công chúa và tôn làm phúc thần đại vương.
Hay là truyền thuyết về anh hùng phá giặc Tống
Thế nhưng, chuyện về mối tình giữa Nguyệt Sinh công chúa với chàng trai nghèo Chu Đình Dự còn có một thuyết khác nữa. Thuyết này chép rằng, công chúa Nguyệt Sinh là cong gái vua Lý Thánh Tông (hiện chưa tra khớp với sử liệu chính thống), có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược. Thuyết này kể rằng, Nguyệt Sinh công chúa là một cô gái đầy cá tính. Năm mười tuổi, Nguyệt Sinh đã xin với vua cha cho đi theo nghiệp võ, bỏ qua việc khâu vá, thêu thùa. Nàng theo học võ một người thanh niên trẻ họ Chu người làng Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Lâu ngày, hai người phát sinh tình cảm. Khi đến tuổi cập kê, nàng được chọn gả cho hoàng tử Chăm sang cầu hôn, nhưng nàng từ chối vì đã trót gá nghĩa với người thanh niên họ Chu kia. Vua cha tức giận vì cô con gái lỗi đạo hiếu nghĩa, định xử tội chết. Nhưng vua thương tình người con gái tính cách mạnh mẽ, nên giáng cho làm thường dân. Nàng bèn về quê chồng ở làng Vọng Nguyệt, Yên Phong, Bắc Ninh làm nghề canh cửi, tằm tơ.
Khi Lý Thường Kiệt vâng mệnh vua Lý Nhân Tông đi xây dựng chiến tuyến sông Cầu và tổ chức dân binh ở các hương thôn Yên Phong để chống quân Tống, Nguyệt Sinh đã tìm đến, xin ông cho đảm nhiệm công việc đánh giặc. Ông đã giao cho Nguyệt Sinh trông coi xây dựng toàn bộ dân binh ở các hương dọc chiến tuyến sông Như Nguyệt. Đồng thời, Lý Thường Kiệt cũng tấu trình nhà vua xin khôi phục lại tước hiệu cho Nguyệt Sinh công chúa. Vua chuẩn lời, lại còn sắc phong cho Chu Đình Dự là phò mã. Trong trận chiến với giặc Tống xâm lược, vợ chồng công chúa Nguyệt Sinh góp công lớn khi chặn đường lui của giặc phương Bắc. Trong trận đánh giáp lá cà giữa quân Đại Việt và quân Tống tại phòng tuyến Như Nguyệt, quân Tống buộc phải rút qua cầu phao để trở lại doanh trại của mình ở bờ Bắc. Giữa lúc đó có tiếng thét kinh hoàng của những tên giặc Tống: "Cầu phao đã bị cắt". Tiếng thét đó khiến cho quân Tống có mặt ở bờ sông hoặc đang cầm cự ở trên các cánh đồng rã rời chân tay, chỉ tìm cách chạy thoát thân và thành mồi của những cung nỏ của Lý Thường Kiệt từ trên chiến lũy bắn xuống. Trận tấn công của quân Tống bị thất bại thảm hại. Người chỉ huy đoàn quân phá cầu phao ở đây chính là vợ chồng công chúa Nguyệt Sinh. Dân làng sau này tưởng nhớ công ơn nên lập đền thờ bà.
Thực hư câu chuyện này ra sao?
Ông Lê Viết Nga (Giám đốc bảo tàng tỉnh Bắc Ninh) trong bài viết nghiên cứu của mình về truyền thuyết Nguyệt Sinh công chúa tại làng Vọng Nguyệt có phân tích như sau: “Theo nội dung văn bia mới tìm được tại làng có chép về Nguyệt Sinh công chúa, chúng tôi xác định đó là nội dung được khắc lại dựa theo truyền thuyết của nhân dân địa phương, cộng với sắc phong sự tích ở đền Vọng Nguyệt. Việc xác định nhân vật Nguyệt Sinh trưởng công chúa và Phò mã thượng hầu cũng chỉ căn cứ chủ yếu vào nội dung văn bia này và sắc phong sự tích ở đền. Trong các tài liệu chính sử, chưa thấy tài liệu nào ghi chép rõ hơn về hai nhân vật trên. Ở địa phương trong thời gian gần đây - từ khi xếp hạng di tích đền Vọng Nguyệt, có một vài người và tư liệu mới cho rằng: Nguyệt Sinh trưởng công chúa, Phò mã thượng hầu là Lý Nguyệt Sinh và Phò mã đô úy Chu Đình Dự (người địa phương), tham gia vào kháng chiến chống Tống năm 1077 là không có căn cứ khoa học đủ sức thuyết phục các nhà nghiên cứu lịch sử và đông đảo nhân dân địa phương. Vì theo văn bia thì Nguyệt Sinh trưởng công chúa tử trận năm 1226 (trong cuộc chiến chống lại nhà Trần), còn kháng chiến chống Tống diễn ra vào năm 1077 - cách nhau 149 năm.
Ông Lê Viết Nga cũng cho rằng, tuy nội dung bia đá chép lại cũng như những truyền thuyết vẫn được người dân lưu truyền chưa có tính chính xác cao về mặt khoa học, lịch sử... nhưng đó là di văn của một thế hệ khoa bảng quê hương nơi đây.
Phạm Thiệu