Nhà thầu “quên” tính trượt giá
Như Người đưa tin đã đăng tải , mới đây, Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp thuộc HUD có văn bản yêu cầu làm rõ một số vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp và phần vốn nhà nước tại Tổng công ty đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN).
Yêu cầu này xuất phát từ việc trước đó, ngày 23/7/2012, Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán tại VIWASEEN trước khi doanh nghiệp này cổ phần hóa.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, chi phí SXKD dở dang của một số công trình đã có quyết toán của chủ đầu tư, kết chuyển doanh thu nhưng chưa kết chuyển hết chi phí số tiền hơn 19 tỷ đồng (tròn số) “có thể là một khoản lỗ của DN dẫn tới giá trị DN và giá trị phần vốn Nhà nước tại công ty mẹ VIWASEEN bị giảm khi đơn vị thực hiện quyết toán nội bộ”. Trong đó, chiếm phần lớn nhất trong số tiền khổng lồ này chính là khoản tiền chưa được kết chuyển hết của công trình cải tạo nhà máy nước Cầu Nguyệt (Kiến An, Hải Phòng), khoảng hơn 14 tỷ đồng.
Trả lời PV báo Người đưa tin, kỹ sư Trần Việt Cường, phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Hải Phòng – chủ đầu tư dự án cải tạo nhà máy nước Cầu Nguyệt (Kiến An, Hải Phòng) cho biết: Tổng giá trị dự án là 185,901 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của ngân hàng Quốc tế (WB), công suất 40.000m3/ngày đêm.
Kỹ sư Trần Việt Cường nói: “Con số này gần với con số VIWASEEN yêu cầu chúng tôi phải bù thêm vì các yếu tố phát sinh trong quá trình thi công, đặc biệt do vấn đề trượt giá. Tuy nhiên, vì hợp đồng mà nhà thầu ký với chúng tôi là loại hợp đồng trọn gói nên yêu cầu đó không được đáp ứng”.
“Chúng tôi cũng có công văn trao đổi, thỏa thuận với nhà thầu, tuy nhiên phía WB không đồng ý với khoản kinh phí phát sinh mà VIWASEEN đưa ra. Tôi khẳng định, số tiền 14 tỷ đồng trên phía nhà thầu không được thanh toán”, ông Cường nói.
Kỹ sư Trần Việt Cường: "Đây là một khoản lỗ của VIWASEEN"
Ông Cường đặt giả thuyết, có thể khi ký hợp đồng, phía VIWASEEN nghĩ trong quá trình thực hiện sẽ được điều chỉnh giá, tuy nhiên thực tế họ không được chấp nhận.
“Có thể hiểu đây là khoản lỗ mà phía VIWASEEN phải chịu do không tính toán trượt giá ngay từ đầu”, ông Cường nhận xét.
Dự án không được điều chỉnh giá
“Ban đầu, họ gửi công văn nói chi phí phát sinh khoảng 30 tỷ đồng, sau đó họ rút ngắn lại còn khoảng gần 20 tỷ. Tôi nghĩ, họ đang đề nghị thu hồi khoản tiền trên, tuy nhiên trên thực tế họ không thể thu hồi được vì chúng tôi không nợ họ. Bản thân chúng tôi cũng quên chuyện này từ lâu lắm rồi”, ông Cường nói thêm.
Vị phó tổng giám đốc cũng cho biết, với tư cách đơn vị đầu mối thẩm định, điều phối các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã ghi nhận những ý kiến từ phía Việt Nam và trao đổi với WB. Trên cơ sở đó, WB đã có văn bản chính thức trả lời nhà thầu và chủ đầu tư.
Trong công văn gửi Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng về việc đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng xây lắp dự án cấp nước Kiến An, vay vốn WB, Bộ KH&ĐT ghi nhận những khó khăn do nhà thầu VIWASEEN cũng như các nhà thầu khác đã gặp phải trong thời gian vừa qua do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, Bộ này khẳng định, hợp đồng mà nhà thầu VIWASEEN ký với chủ đầu tư vào thời gian tháng 12/2006 là loại hợp đồng trọn gói, vì vậy không thuộc đối tượng được điều chỉnh giá theo quy định của WB.
Công văn trên được Bộ KH&ĐT trả lời sau khi Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng cùng có công văn đề nghị Bộ này cho ý kiến về việc điều chỉnh giá trị hợp đồng xây lắp dự án cấp nước Kiến An (Hải Phòng) thuộc dự án Phát triển cấp nước đô thị Việt Nam, vay vốn WB.
VIWASEEN: “Tô hồng” giá trị doanh nghiệp Bà Bùi Kim Ngân – Trưởng phòng nghiệp vụ kế toán – thuế, Công ty dịch vụ kế toán VBP cho biết: VIWASEEN có thể muốn “tô hồng” giá trị của doanh nghiệp. “Nếu việc giấu giếm này trót lọt sẽ làm công ty có vẻ có giá trị hơn, kinh doanh hiệu quả hơn trong mắt nhà đầu tư, dễ thành công hơn khi lên sàn. Nhất là trong bối cảnh toàn thị trường đều lỗ, một công ty lãi thì sẽ rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu hạch toán trên vẫn được chấp nhận, đến lúc cổ phần hóa, phần thua lỗ này các cổ đông mua cổ phiếu của công ty sẽ phải chịu mặc dù đó là do kết quả của giai đoạn trước”, bà Ngân cho biết. Bà Ngân bày tỏ nghi ngờ VIWASEEN muốn giữ uy tín của mình, không muốn qua việc đầu tư thua lỗ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của mình tại công ty. |
Nhóm PV Kinh tế