Ví như ông không bao giờ dùng quyền lực hay ảnh hưởng của mình xây cho quê hương một cây cầu hay một ngôi trường. Cũng chẳng có quan chức nào nhờ “bóng” ông để thăng tiến…
Thế nhưng tất thảy mọi người dân Quảng Bình đều yêu mến, kính trọng, tự hào về ông, biết ơn ông và chờ đợi giây phút ông trở về.
Việc về quê của ông trở thành điều tất yếu.
Tất yếu bởi sau gần một thế kỉ biền biệt xa quê phụng sự Tổ quốc, đã đến lúc ông về với làng quê của mình.
Ông về để sống với đất, với rừng quê hương nơi ông gắn bó từ thủa thiếu thời.
Ông về với bà con, anh em, bạn bè, họ hàng, tiên tổ đang chờ đón ông.
Ông về với dòng sông Kiến Giang, với lúa đồng và với hàng cây dâm bụt giản dị, thân quen nơi đầu ngõ.
Ông về còn để báo cáo với quê hương, với tổ tiên sau bao năm xa cách những gì ông đã làm cho Tổ quốc non sông.
Ông về với những người nông dân lam lũ thôn quê đang ngày đêm mong mỏi được chiêm ngưỡng, dù chỉ là vong linh người con ưu tú của quê nhà.
Ông về quê mẹ bởi ông là người Việt Nam, dù đi đâu về đâu thì quê hương “mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”.
Ông về quê vì ông xứng đáng nhận được sự chờ đợi của quê hương hay nói cách khác, bởi ông đã làm rạng danh cho quê hương mình.
Ông về quê còn như một thông điệp với thế hệ tương lai rằng mỗi con người dù đi đâu và làm gì khi mất đi hãy ngẩng mặt về với quê hương.
Ông về để được nằm trong đất đai quê mình, nơi có dãy Trường Sơn hùng vĩ và Biển Đông luôn dậy sóng.
Ông về quê bởi linh hồn tiên tổ đang đợi ông về.
Ông về quê còn bởi để những người dân nghèo khổ được đến thăm viếng ông không phải đường xa dặm thẳm.
Ông về quê còn bởi khúc ruột miền Trung vốn thuận tiện cho con đường Nam – Bắc.
Ông về bởi ông thuộc về nhân dân cả tinh thần và thể xác.
Vâng, có lẽ những điều suy nghĩ trên chỉ là phỏng đoán nhưng việc ông về quê, sống với Nhân dân là tất yếu bởi ông là ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN.
Ngay cả khi không còn đập nữa, trái tim Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thuộc về Nhân dân.
Theo Dân trí