Tôi nghĩ là không có gì bất thường. Chuyện chi tiêu ngân sách lãng phí, gây thất thoát cả trăm tỷ đồng, cả nghìn tỷ đồng, thậm chí biến “của công thành của ông” thì ở một số nơi, một số chỗ đã từng xảy ra rồi. Huống hồ, số tiền 269 tỷ đồng kia lại mới chỉ là khoản dự chi của thành phố Cảng.
Tôi nghe thông tin ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng chia sẻ trên báo điện tử Người Đưa Tin mà… mừng quá. Hải Phòng quả không hổ danh là thành phố “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”, với hàng loạt những con số đáng ngưỡng mộ về chi an sinh xã hội.
Cụ thể: “Tết Nguyên đán vừa rồi, Hải Phòng đã chi cho mỗi một gia đình có công 4.000.000 đồng, hộ nghèo 1.200.000 đồng, hộ cận nghèo 1.000.000 đồng, trên toàn quốc, có địa phương nào làm được hơn Hải Phòng không?
Dịch Covid-19, Hải Phòng cũng thực hiện việc phát khẩu trang miễn phí đến các trường học từ bậc mầm non đến THCS. Việc cách ly người đi từ vùng có dịch trở về cũng được thành phố quan tâm triệt để, người cách ly được hưởng chế độ ăn 150.000 đồng/người, cao nhất toàn quốc”, lời ông Phó Chủ tịch đăng đàn trên mặt báo.
Ông Lê Khắc Nam còn nói: “Quà tặng từ tiền thuế của dân, có trích ra một tý đem lại quyền lợi cho dân, dân được hưởng lợi sao lại nói là lãng phí?”.
Được biết, tiền dự chi đã được cả một tập thể lãnh đạo bàn bạc và tính toán rất kỹ lưỡng “từ cấp ủy Đảng đến HĐND”; được sự đồng thuận cao của những con người “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.
Thực tế, để biết người dân có đồng tình hay không, chỉ cần làm một cuộc khảo sát nhỏ là sẽ thấy. So với ngân sách của một thành phố năng động và phát triển như Hải Phòng thì 269 tỷ đồng có thể không là gì cả, nhưng so với mức sống của người dân, chất lượng sống mà người dân thành phố này đang thụ hưởng thì số tiền ấy không hề nhỏ.
269 tỷ đồng, nếu làm một phép tính đơn giản, nó có thể xây được hàng chục trường học, nhiều bệnh viện khang trang phục vụ bệnh nhân tốt hơn, hàng chục cây cầu kết nối giao thông đi lại thuận tiện, hàng chục căn nhà tình nghĩa ấm áp tình người…
Tất nhiên, không thể so sánh một cách khập khiễng khi mà thành phố đã có “khoản nào đi khoản đấy”, chi tiêu một cách khoa học do thu ngân sách lớn.
Thành phố phát triển, đất nước phồn vinh, điều ấy ai ai cũng mong và mừng.
Thế nhưng, điều mà dư luận cần là tính toán chi tiêu một cách hợp lý, không gây lãng phí, không tạo môi trường cho tiêu cực phát sinh.
Điều mà dư luận lo ngại là lợi dụng việc làm nhân văn để “vơ vét”, “đục khoét”, gọi tên sang chảnh nhưng chi tiêu “ăn mảnh”, trục lợi cho một số cá nhân.
Mọi thứ phải được minh bạch, rõ ràng.
Thưa rằng, 269 tỷ đồng là một số tiền không hề nhỏ như “một tý ngân sách đâu ạ! Đã là tiền ngân sách – thứ tiền từ từng đồng thuế của nhân dân đóng góp mà có được, thì nên định lượng và sử dụng một cách hợp lý.
Ngay sau khi được Quốc hội bầu vào chức vụ người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một thông điệp rất mạnh mẽ là “Cần có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân”.
Nếu hàng trăm tỷ đồng mà ông Phó Chủ tịch thành phố chỉ coi nó là “một tý”, để rồi chi tiêu không phải nghĩ, tôi e khó thuận lòng dân.
Các cụ có câu, “của cho không bằng cách cho”, dù là 500.000 đồng hay là 5.000 đồng thì cái cách mà một vị quan chức Thành phố đã “thuyết trình” trước dư luận, nó giống như một sự thách thức.
Tôi nhớ câu, dân là gốc của mọi việc thành bại trên đời. Thách thức dư luận là một cách lấy dây tự buộc mình. Thách thức dư luận là cái cách nhanh nhất mà một người “công bộc” muốn rời xa người dân, đứng trên những nguyện vọng và ý muốn của nhân dân.
Như thế, tôi e, sự khó thành!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!