Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Lao động nữ mang thai.
- Lao động nữ sinh con.
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Đối với trường hợp lao động nữ mang thai, Luật này cũng chỉ ghi nhận 2 trường hợp được hưởng thai sản như sau:
- Chế độ khi đi khám thai: Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày.
Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
- Chế độ khi sảy thai, nạo, hút thao, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý.
Theo quy định trên, trường hợp thai yếu phải nghỉ việc để dưỡng thai không thuộc trường hợp được hưởng chế độ thai sản theo quy định hiện hành.
Mặc dù không quy định quyền lợi riêng biệt cho các thai phụ thai yếu, động thai phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sỹ nhưng cũng có những ưu ái nhất định với đối tượng này khi hưởng chế độ thai sản lúc sinh con.
Cụ thể, lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh.
Như vậy, thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng thì nay chỉ cần đóng 3 tháng, lao động nữ nghỉ dưỡng thai đã được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Pháp luật đã tạo những điều kiện thuận lợi nhất giúp họ nghỉ dưỡng thai nhưng vẫn được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định.
Hoàng Mai