Những “anh nuôi” của sinh viên nghèo
Được nghe nhiều sinh viên khen quán cơm sinh viên trên đường Nguyễn Quý Đức, (Thanh Xuân, Hà Nội), tôi quyết định "mục sở thị" để biết thực hư thế nào. Có mặt ở đây vào tầm 11h trưa, tôi nhận thấy quán cơm đông kín người vào ăn. Bẩy chàng trai, chủ cửa hàng luôn tay luôn chân, người thì luộc thêm nồi rau, người xới cơm, người gắp thức ăn cho khách... Không muốn làm phiền bảy "anh nuôi", tôi đành ngồi một chỗ lặng lẽ quan sát.
Sinh viên rất hài lòng với quán cơm này.
Có thể dễ nhận thấy khách của quán đa phần là sinh viên các trường đại học trong khu vực và những bệnh nhân cùng người nhà của họ ở bệnh viện Xây dựng gần đó. Một em sinh viên chọn rất nhiều món, mỗi món chỉ một ít, anh chàng chủ quán tươi cười "của em 10 nghìn". Một bà cụ nhìn đã luống tuổi, mặc chiếc áo xanh có in chữ người nhà bệnh nhân lặng lẽ bước vào quán, nhìn ánh mắt tần ngần của cụ bà, cũng đôi phần đoán được vị khách hàng này đang đắn đo điều gì. Như hiểu được suy nghĩ của bà, chàng thanh niên tươi cười "Bà yên tâm, bà cứ gọi các món bà ăn hợp, cháu giảm giá cho bà mà". Tôi quan sát thấy bà chọn một khúc cá sốt cà chua, một ít lạc rang và rau muống xào tỏi. Suất cơm ấy có giá là 5 nghìn đồng, kèm theo miếng dưa hấu tráng miệng. Như không tin vào tai mình, cụ già hỏi lại rồi trả tiền, không giấu nổi ánh mắt mừng rỡ.
Đang chìm vào nụ cười của bà lão kia, tôi giật mình vì có một người đặt phịch đĩa thức ăn ngay gần mặt mình. Nhìn tôi chưa có gì trên bàn, cô nhanh nhảu "chị chưa chọn à, nay quán có món thịt gà rim lá chanh thơm lắm ạ". Tôi nói đang đợi người em ra ăn cùng rồi chuyện trò với cô. Cô còn trẻ quá, đôi mắt trong veo, cho hay tên là Nguyễn Thị Hương ở Hà Giang là sinh viên khoa Văn trường ĐH KHXH&VN, hiện đang ở trong kí túc xá Mễ Trì.
Cô tâm sự thật thà, cho cô đi học đã là chuyện khó với một gia đình làm nông nghiệp mà có tới năm người con. Vì thế cô không dám đòi hỏi gì nhiều từ bố mẹ. Cô tiết kiệm mọi thứ, và chỉ chi cho những sinh hoạt thiết yếu. Ở trong ký túc xá không được nấu cơm, nhưng ăn ở quán cơm bụi mỗi suất từ 25 -30 nghìn thì chỉ tiền ăn đã hết số khoản tiền ít ỏi bố mẹ cho. Cũng một vài lần toan nấu trộm cơm trong kí túc xá, nhưng vì không muốn phải "ăn trong sợ hãi", nữ sinh viên này dành cả một ngày dò tìm địa chỉ quán cơm ngon, bổ, rẻ.
Kể từ khi biết tới quán cơm này, tài chính của cô bớt phần căng thẳng hơn. "Cơm ở đây rất ngon chị ạ, xào nấu rất vừa vặn. Có những hôm em chỉ còn 5 nghìn đồng trong túi vậy mà các anh ấy cũng bán, lúc nào cũng thấy các anh ấy vui, nói chuyện rất hóm hỉnh. Đặc biệt ở đây còn tư vấn dinh dưỡng miễn phí để mọi người có bữa ăn đủ chất ".
Nguyễn Văn Xuân một thành viên trong nhóm quán cơm nghĩa tình.
"Chúng em cũng đã từng rất khốn khó"
Đến chừng 3h chiều, khách hàng đã vãn gần hết, bẩy chàng trai mới ngồi cùng nhau và ăn bữa cơm trưa. Người nào cũng đầm đìa mồ hôi và nặng mùi dầu mỡ. Nguyễn Văn Xuân, một thành viên trong nhóm vừa xới cơm cho mọi người vừa cười rất tươi. "Ngày nào chúng em cũng dậy từ 4h sáng để đi chợ, nấu ăn và giờ này mới được nghỉ. Mệt nhưng vui chị ạ".
Xuân cho biết hiện đang là sinh viên trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Ngoài Xuân ra thì sáu “ông chủ” còn lại của quán đều rất trẻ. Người lớn nhất cũng chỉ 25 tuổi, người trẻ nhất chỉ mới tròn đôi mươi. Có người đang là sinh viên cũng có người đã đi xuất khẩu lao động, người là bí thư chi đoàn xã Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Họ chung nhau ở một điểm là thương những hoàn cảnh khó khăn và hiểu rằng sinh viên và những người nghèo mắc bệnh tật rất khó khăn về tài chính.
"Bếp trưởng" Đặng Hải Phong (SN 1988, quê Nam Đàn, Nghệ An) tâm sự, anh đã từng đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Trong thời gian ấy anh hiểu thế nào là sự vất vả cơ hàn của người lao động. Chính vì thế ngoài thời gian làm chính, Phong tranh thủ học cách nấu ăn. Phong có ước nguyện sau khi đi lao động ở xứ người được chút tiền sẽ góp cùng những bạn bè khác để mở quán cơm. Trước là tạo việc làm cho mình và anh em sau cũng là để chia sẻ với mọi người trong thời buổi kinh tế khó khăn, cái gì cũng đua nhau tăng giá. Nghĩ là làm, sau nhiều năm tích cóp và học hỏi, cuối cùng quán ăn sinh viên của Phong và các bạn cũng ra đời.
Còn chàng sinh viên trẻ mặc chiếc áo có dòng chữ "I love Nghệ An" Nguyễn Văn Xuân thì cho biết: "Hầu hết, sinh viên đều phải sống chắt chiu vì số tiền bố mẹ ở quê gửi ra không nhiều. Từ thực tế của em, đầu tháng bố mẹ gửi tiền lên thì "ăn uống xông xênh", nhưng đến cuối tháng chỉ còn cách ăn mỳ tôm, thậm chí nhịn đói. Thời buổi khó khăn, cái gì cũng tăng giá chỉ có tiền của bố mẹ gửi ra thì vẫn vậy. Chính từ mong muốn của bản thân em, có một quán ăn rẻ mà đảm bảo vệ sinh nên em đã cùng mọi người mở quán ăn này". Xuân còn cho biết, từ mong muốn giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh khó khăn như mình, nhiều thành viên của quán ăn làm việc nhưng không nhận lương.
Một thành viên khác của quán kể, có lần mẹ phải vào bệnh viện chữa bệnh dài ngày. Tiền chữa bệnh cho mẹ đã khó khăn mà chi phí ăn, ở, sinh hoạt cũng tốn không kém. Sức khỏe của mẹ em đã yếu lại phải dùng đồ ăn ở cổng bệnh viện vừa đắt vừa không đảm bảo vệ sinh khiến em rất lo lắng. Những ngày dài chăm sóc mẹ ốm là những ngày em hiểu được hết những vất vả khó khăn mà người nghèo gặp phải. Chính vì thế khi có người bạn rủ em tham gia quán cơm này, em không hề ngần ngại.
Thay lời muốn nói Một thành viên bùi ngùi chia sẻ: "Mong sao quán cơm của em chia sẻ được một phần khó khăn mà những em sinh viên và người nhà bệnh nhân gặp phải. Chúng em sức nhỏ chỉ làm được những việc nhỏ, mong sao những doanh nghiệp và đơn vị lớn hơn cũng có những cách làm chia sẻ khó khăn với người dân, đừng vì cái lợi trước mắt mà làm hại đến sức khỏe của đồng bào mình". |
Thành Huế