Những phát hiện khiến người dân “chết đứng”
Ông Phạm Xuân Sơn - Đội trưởng đội vệ sinh số 5 (thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Thái Nguyên) đơn vị trực tiếp quản lý và tổ chức xử lý chôn lấp bãi rác Đá Mài cho biết, bãi rác Đá Mài là nơi thu gom tất cả rác của TP.Thái Nguyên, ở đây có hơn 20 nhân công làm tất cả các công việc như phân loại, xử lý, chôn lấp rác.
Cũng theo ông Sơn, cách bãi rác Đá Mài không xa ở phía lưng chừng núi có một nghĩa trang nhỏ diện tích khoảng 40m2 là nơi an nghỉ của 13 hài nhi xấu số được những người làm trong bãi rác phát hiện và đưa về an táng tại đây.
Theo chân ông Sơn, chúng tôi tiến vào bãi rác Đá Mài và đặt chân đến khu nghĩa trang. Khu nghĩa trang 13 hài nhi xấu số nằm cách khu 1 của bãi rác hơn chục mét, lưng chừng núi, được quy hoạch với một vòng tường bao quanh, cao khoảng 40cm, các ngôi mộ được đặt theo hàng gần nhau. Ở giữa nghĩa trang có một ban thờ nhỏ với một tấm bia được ghi dòng chữ “Nơi yên nghỉ của 13 trẻ vô danh”. Trong làn khói mong manh quẩn theo gió núi lập lờ, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện liên quan đến khu nghĩa địa của 13 đứa trẻ không được làm người này.
Theo thông tin từ những người làm việc trong khu bãi rác Đá Mài, xác đứa trẻ đầu tiên được phát hiện là vào năm 2005 và gần đây nhất là tháng 12 năm 2012. Cả nghĩa trang chỉ có 2 ngôi mộ là được ghi tên, đó là của cháu Quỳnh Hoa và cháu Văn Thừa là có tên, còn lại các ngôi mộ khác đều vô danh.
Ông Nguyễn Sơn, Đội phó Đội vệ sinh số 5 cho biết, ngôi mộ phía trên có dòng tên Lê Thị Quỳnh Hoa trong khu nghĩa trang là thi hài bé gái đầu tiên được những người làm trong tổ phân loại rác thải tìm thấy tại bãi rác. Người nhặt được bé gái này là bà Trần Thị Tâm, và bà đã đặt tên cho cháu bé xấu số là Lê Thị Quỳnh Hoa với mong muốn cháu bé có một cái tên để siêu thoát.
Bà Phạm Thị Thủy (SN 1962), công nhân làm trong khu bãi rác Đá Mài nhớ lại lần phát hiện xác hài nhi của mình. Bà Thủy kể, hôm đó vợ chồng bà và anh chị em trong tổ phân loại rác đến bãi rác thải để làm việc, khoảng 9h, chồng bà cào trong đống rác thì thấy một thi hài trẻ sơ sinh được quấn trong một chiếc quần lăn ra, chồng bà hốt hoảng bỏ chạy và gọi mọi người.
Bãi rác Đá Mài nơi phát hiện xác những hài nhi.
Khi đó, mặt mũi chồng bà tái xanh, nói không thành tiếng, mọi người thấy vậy nhào tới hỏi han. Chồng bà nói là tìm thấy một thi thể bé trai, thế nhưng mọi người rảo quanh tìm kiếm thì không thấy, đến khi chồng bà ấy bình tâm và quay trở lại tìm thì thi hài cháu nhỏ nằm ngay chân đống rác, trước mặt mọi người. Chính bà Thủy là người tắm rửa, mặc quần áo cho cháu bé để đi chôn.
Theo ông Phạm Xuân Sơn, đa số các thi hài trẻ sơ sinh nhặt được trong bãi rác đều còn nguyên vẹn chân tay, tuy có một số vết thương do ngoại lực tác động... Trong số 13 hài nhi xấu số ở nghĩa trang có 4 bé gái.
Anh Ngô Văn Quyền - Trưởng nhóm phân loại rác nhớ lại, trước tết năm 2012, như thường lệ vợ chồng anh và những công nhân khác vẫn vào bãi rác làm việc. Lẫn trong đống rác của xe vệ sinh môi trường vừa mới đổ xuống, có bao tải khá to buộc chặt nên anh Quyền vội vàng đi tới tháo miệng túi. Hai vợ chồng anh bàng hoàng khi lẫn trong những bịch rác là một bịch nilon màu đen, vợ chồng anh mở ra thì nhận thấy bên trong túi là một đứa trẻ sơ sinh, trên thân thể có nhiều kiến đang bò và phủ lên người một lớp cát và đất bẩn. Anh Quyền vội báo cho Đội vệ sinh số 5, sau đó cùng những người trong tổ đến giúp chôn cất hài nhi xấu số.
Sau khi chôn cất hài nhi thứ 13, Đội vệ sinh số 5, cùng anh Quyền đã đề nghị những người trong tổ của mình đóng góp công sức tiền bạc, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Thái Nguyên được hơn 10 triệu đồng xây dựng nghĩa trang quy tập các phần mộ của những sinh linh yểu mệnh về an nghỉ.
Và những câu chuyện được đồn thổi
Khi tiếp xúc tìm hiểu thông tin về khu nghĩa trang trong bãi rác Đá Mài, PV báo ĐS&PL cũng được nghe nhiều câu chuyện có phần huyễn hoặc xung quanh câu chuyện những người làm việc tại bãi rác Đá Mài sau khi nhặt xác các hài nhi xấu số đã gặp phải những chuyện đen đủi, gia đình gặp nhiều biến cố.
Tâm sự với chúng tôi, những người làm việc lâu năm trong bãi rác cho biết, họ gắn bó với công việc này từ rất lâu, mới đầu khi gặp phải xác hài nhi thì cũng vô cùng sợ, nhưng dần cũng thành quen. Chính xác là có hơn 13 xác hài nhi được mọi người phát hiện và mai táng, nhưng khi quy tập bị thất lạc.
Bà Phạm Thị Thủy cho biết, trước đây, khu vực nghĩa trang của của 13 hài nhi vô danh rậm rạp, xung quanh cây cối um tùm. Năm 2010, bà và chồng lên khu đất lưng chừng đồi (nơi xây dựng nghĩa trang của các trẻ vô danh- PV) phát cây cối thì hình ảnh một cháu bé trai hiện lên phía trước mặt và đòi đặt tên. “Ban đầu, tôi hoảng hốt vô cùng vì chặt đến bụi cây nào thì cháu bé đó cũng đứng giữa bụi cây và hỏi: “Bà ơi! Cháu chưa có tên”. Vô tình tôi nói ra câu: “Mày là thằng Vô Văn Thừa” và kể từ đó không bao giờ cháu bé hiện lên đòi tên nữa”?- bà Thủy cho biết.
Bà Thủy cho biết thêm, từ khi phát hiện ra thi hài cháu Thừa thì chồng bà luôn bị ám ảnh, hàng đêm mỗi khi ngủ thường giật mình và la lên những câu thất thanh. Khoảng vài tháng sau, thì chồng bà Thủy mất. Không bao lâu sau thì biến cố lại xảy đến với gia đình bà khi người con trai út lại vướng vào vòng lao lý phải đi cải tạo 26 tháng.
Cũng theo những thông tin mà chúng tôi ghi nhận được, bà Trần Thị Tâm sau khi phát hiện ra thi hài cháu Quỳnh Hoa ở bãi rác thì gia đình mâu thuẫn, mọi người ly tán khắp nơi. Người con trai của bà Tâm là anh Lê Trọng H. thường xuyên vào thăm và thắp hương cầu nguyện cho cháu Quỳnh Hoa thì lại làm ăn gặp nhiều may mắn. Ngoài ra còn có anh Phạm Văn Thủy là người đã phát hiện và chôn cất 9 thi hài trẻ xấu số cũng mất năm 2008 khi tuổi đời còn khá trẻ.
Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên
Để xác minh thông tin thực hư về những người phát hiện thi hài trẻ sơ sinh bị bỏ rơi gặp phải những trắc trở, PV đã trao đổi với ông Phạm Xuân Sơn, Đội trưởng Đội vệ sinh số 5, ông Sơn cho biết, việc xây dựng khu nghĩa trang hài nhi trong khu vực bãi rác Đá Mài và quy tập các cháu về đây là việc làm phúc, mọi người ai cũng ủng hộ, không có lý gì mà các cháu lại quấy quả chúng tôi cả.
“Tôi khẳng định, hoàn toàn không có việc những người nhặt được thi hài các cháu bé xấu số bị bỏ rơi mà xảy ra những việc không may mắn, đó chỉ là những tin đồn thất thiệt, được nhiều người thêu dệt gây hoang mang cho dư luận. Chuyện nhiều người gặp những điều không may mắn sau khi nhặt được thi hài các trẻ xấu số bị chết là do họ bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn giao thông, do sơ ý... Trong những lần đó tình cờ có sự trùng hợp, nên người dân nơi đây đã suy đoán thành lời đồn như vậy. Trường hợp của chồng chị Thủy là do anh ấy bị bệnh trong thời gian dài nên đã chết. Còn chuyện tù tội của con chị Thủy là do cậu đó vi phạm pháp luật, điều này công an đã điều tra làm rõ. Còn anh Phạm Văn Thủy thì chết do tai nạn giao thông”- ông Sơn khẳng định.
Vào những ngày rằm, mùng một và các dịp lễ tết, những cán bộ công nhân đội vệ sinh số 5 và những người dân gần đó vẫn thường nhang khói cho các cháu bé xấu số. Ngoài ra, giáo xứ Tân Cương cũng mời cha xứ vào đọc kinh, cầu nguyện cho các cháu được an lành. Khi nhặt được các hài nhi này, do không biết tên tuổi địa chỉ nên có cha xứ cầu nguyện và xin cho các cháu làm con của Chúa, đó là lý do vì sao trên mỗi ngôi mộ của các cháu lại có hình chữ thập.
Quang Sơn