Theo khảo sát của cánh PV, đa phần các quán bún ốc, cá, riêu, lẩu,... tại Hà Nội đều đông nghẹt khách trong những ngày đầu năm mới, nhất là các quán mở hàng xuyên Tết.
Bát bún ốc ngày Tết dù bán với giá đắt hơn ngày thường nhưng chủ quán vẫn phải phục vụ không ngơi tay, hầu hết đều tiêu thụ cả tạ ốc mỗi ngày. Cá biệt, có quán bún ốc ở phố Nguyễn Siêu phải nhập 1,5 tấn ốc/ngày mới đảm bảo phục vụ, theo Khám phá.
“Quán đóng cửa nghỉ Tết nhưng mồng 1, mồng 2 đã có khách đến hỏi. Mồng 4 gia đình tôi mở cửa mọi người cứ đổ xô đến như thời bao cấp, phải thu tiền trước rồi gửi khách bún sau. Phục vụ Tết, gia đình tôi phải dậy từ 2h làm hàng, đó chưa kể phải chuẩn bị, đặt trước ốc, rau để có đồ tươi, ngon.
Trung bình mỗi ngày Tết, cửa hàng phải nhập 3 tạ ốc, 4 tạ bún và 10 thúng rau sống để đáp ứng nhu cầu. Mặc dù giá tăng cao hơn ngày thường 10 nghìn đồng (tức vào khoảng 50 nghìn đồng/bát) nhưng khách hàng vẫn rất hài lòng. Đó cũng là niềm vui của tôi”, chủ một cửa hàng bún ốc ở Khương Thượng chia sẻ trên Khám phá.
Trước đó, theo phản ánh của một số thực khách, giá cả ở hàng quán ngày Tết đều có xu hướng leo thang, đôi khi không xứng tầm chất lượng. Có những bát bún lõng bõng nước, nhạt nhẽo, lèo tèo vài ba miếng thịt mà giá "cắt cổ". Lại có quán vỉa hè "chém" 150.000 đồng một bát bún ốc "không vớt được con ốc nào".
Không chỉ bị "chặt chém", nhiều thực khách còn cảm thấy bức xúc vì thái độ phục vụ của chủ quán hoặc nhân viên các quán bún, phở... vỉa hè trong dịp Tết; chẳng hạn như việc người phục vụ tại một quán bún hải sản ở phố Ngũ Xã (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã “chửi bậy, mắng cả khách, sồn sồn chửi người khác trong khi cả nhà họ đang ăn uống”, theo Emdep.
Nhiều người cho rằng, việc hàng quán tăng giá ngày Tết vẫn ở trong ngưỡng có thể chấp nhận được vì giá nguyên liệu đầu vào, thuê nhân viên ngày Tết đều cao hơn ngày thường; tuy nhiên, chất lượng món ăn cũng phải được nâng tầm cùng giá cả.
N.H (tổng hợp)