Nghịch cảnh trâu bò được vỗ béo bằng nước mắt người nông dân

Nghịch cảnh trâu bò được vỗ béo bằng nước mắt người nông dân

Hà Thị Hằng

Hà Thị Hằng

Chủ nhật, 25/02/2018 13:58

Trong khi nhiều nơi đang thiếu rau xanh, sử dụng nguồn không an toàn... thì nhiều vùng quê ở Quảng Ngãi, người dân đang phải thu hoạch rau sạch cho gia súc ăn.

Thông lệ mỗi năm, những ngày cận và sau Tết, giá rau xanh tăng gấp nhiều lần so với thông thường. Thế nhưng, Tết năm nay, hàng trăm người dân của các xã nghèo ở TP.Quảng Ngãi ngậm ngùi thu hoạch rau sạch cho bò ăn vì giá rớt "chạm đáy". 

Hiện tại, những cánh đồng chuyên canh cây rau tại xã Tịnh Long, Tịnh An, Nghĩa Dũng... thuộc TP.Quảng Ngãi rơi vào tình cảnh vắng lặng. Chưa kịp vui mừng vì giá tăng vào những ngày trước Tết, người dân nơi đây lại đang điêu đứng vì các loại rau đột ngột rớt giá thê thảm, báo Quảng Ngãi đưa tin. 

“20kg đậu ve chưa mua nổi tô bún. Hái về cho bò ăn, khỏi mất công đi cắt cỏ”, chị của Nguyễn Thị Minh Hòa, trú ở xóm 6, thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An buồn bã chia sẻ.

Vụ này chị Hòa trồng 1 sào rau các loại, trong đó có 0,5 sào trồng rau ăn lá và 0,5 sào trồng đậu cô ve. Vụ rau Tết năm ngoái, lũ lụt, thời tiết bất lợi, phần lớn diện tích hư hại, đậu cô ve có giá cao “kỷ lục”, dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/kg, còn năm nay nó là loại có giá thấp nhất.

Tiêu dùng & Dư luận - Nghịch cảnh trâu bò được vỗ béo bằng nước mắt người nông dân

Chị Hòa đổ đậu cho bò ăn vì giá xuống quá thấp. Ảnh: Phạm Linh/báo VnExpress

Chị Hòa cho biết, trước ngày 27 Tết, giá đậu cô ve dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, thì từ ngày 28 Tết đến nay chỉ còn vài nghìn đồng. "Đến thời điểm này, thương lái ở Quảng Nam, Đà Nẵng thu mua với giá 500 - 700 đồng/kg tại ruộng. Hiện, giá rau muống là 1.000 đồng/kg, dưa leo 500 - 1.000 đồng/kg, mồng tơi và các loại cải chỉ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Mặc dù, giá đã xuống rất thấp nhưng để bán được hàng không dễ nên nhiều người bỏ cho rau già ngoài đồng", chị Hòa nói.

Ngán ngẩm nhìn 2 thửa rau cải xanh mướt, bà Nguyễn Thị Chẩm, trú tại xã Tịnh An rơm rớm nước mắt: "Mấy năm trước, mùng 2 Tết đã bắt đầu bán rau nhộn nhịp, còn năm nay, người dân Tịnh Long bỏ luôn ngoài ruộng không thèm bán vì giá thấp quá".

Tiêu dùng & Dư luận - Nghịch cảnh trâu bò được vỗ béo bằng nước mắt người nông dân (Hình 2).

Bà Nguyễn Thị Chẩm ngậm ngùi thu hoạch cải về cho bò ăn vì không có người mua. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.

"Năm trước, rau cải rổ có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, bây giờ chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg. Giá rẻ như cho vậy, mà thương lái đến mua còn chê lên, chê xuống, đem ra chợ bán cũng không có người mua. Nhìn ruộng rau mà tiếc đứt ruột nhưng cũng đành phải cắt về cho heo, bò ăn", bà Chẩm ngao ngán trả lời trên báo Dân trí.

Được biết, xã Tịnh Long, Tịnh An, Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng ở TP.Quảng Ngãi là vựa rau lớn nhất tỉnh, cung cấp cho các chợ lớn nhỏ ở địa phương, cạnh tranh với rau từ Đà Lạt và những nơi khác nhập về. Dù giá thấp, nhưng rau ở chợ này vẫn ế ẩm.

Bà Trần Thị Hòa, tiểu thương có thâm niên 15 năm buôn rau cho biết, chưa bao giờ giá rau xuống thấp như năm nay. "Giá thấp mà chúng tôi đem đến chợ vẫn không có người mua. Chuyện này chưa từng thấy, rất khó lý giải", bà Hòa nói. 

Tiêu dùng & Dư luận - Nghịch cảnh trâu bò được vỗ béo bằng nước mắt người nông dân (Hình 3).

Những túi mồng tơi không bán được bị vứt bỏ bên bờ sông Trà Khúc. Ảnh: Phạm Linh.

Một số tiểu thương cho rằng, nhiều người dân tự trồng rau ăn Tết có thể là một phần nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ rau ở chợ giảm.

Theo sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, vụ Đông Xuân, toàn tỉnh có 1.000ha đất trồng rau. Ông Phạm Bá, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt tỉnh Quảng Ngãi cho rằng năm nay thời tiết thuận lợi, rau phát triển tốt nên "được mùa, mất giá".

Ông cho hay rau sản xuất trong tỉnh phần lớn bán ở chợ, diện tích trồng rau an toàn chỉ khoảng vài chục hecta.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Âu, Chủ tịch Hội đồng thành viên một công ty sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch ở Quảng Ngãi cho biết, do giá thành sản xuất cao, rau xanh an toàn của công ty vẫn giữ giá, nhưng cũng rơi vào tình trạng khó tiêu thụ.

Ông Âu cho rằng, để giữ được thị trường ổn định và đảm bảo đời sống cho người dân ở các vùng chuyên canh rau, nhà nước cần quản lý, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc rau để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

"Nếu việc này được làm tốt sẽ giúp các thương hiệu thực phẩm nói chung và rau đứng vững. Người nông dân sẽ thấy cần thiết phải tham gia vào các hiệp hội, hợp tác xã quản lý việc truy xuất nguồn gốc để sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn", ông Âu nhận định trên báo VnExpress. 

Nhìn thành quả, mồ hôi công sức của mình và gia đình sau quãng thời gian vất vả giờ mang ra cho gia súc, gia cầm ăn, nhiều người dân nghèo nơi đây không cầm được nước mắt xót xa.

Hà Giang (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.