9 điểm/môn vẫn trượt đại học
Nhiều năm nay, đại học Y Hà Nội luôn nằm trong tốp những trường có điểm chuẩn cao nhất cả nước. Thế nhưng, dư luận hiện nay quan tâm rất nhiều đến việc các sĩ tử thi vào trường này đạt 9 điểm/môn vẫn không có cơ hội đỗ. Các em dùi mài kinh sử 12 năm và đã không ngại khó theo đuổi đam mê làm bác sĩ. Theo đó, thi đại học mỗi môn đạt 9 điểm là kết quả khá cao, nếu những tài năng ấy không được nhận vào học là điều đáng tiếc.
Trao đổi với PV, lãnh đạo trường đại học Y Hà Nội cho biết, sơ bộ tính đến thời điểm này thì những em có kết quả thi đạt 27 điểm không có hy vọng đỗ. Cách đây 7, 8 năm tình trạng này cũng xảy ra tại đại học Y Hà Nội. Điểm chuẩn năm đó là 27,5. Mấy năm vừa rồi cũng không xảy ra tình trạng này.
Lãnh đạo nhà trường cũng lý giải về câu chuyện 27 điểm không đỗ đại học: "Hiện ngành y đa khoa của đại học Y Hà Nội có chỉ tiêu 550 em. Trong đó có 80 em được tuyển thẳng còn lại hơn 10 em xét tuyển. Như vậy, chúng ta cứ nói gọn lại là số vào thẳng và xét tuyển là 100 em. Vậy, nếu xét điểm chuẩn ở mức 27,5 thì có 568 em đạt, xét điểm chuẩn từ 27 trở lên thì có 718 em đạt. Theo đó, nhóm y khoa này hầu như gọi bao nhiêu thì các em đều vào hết. Điểm thi và kết quả thực tế như thế, chúng tôi không thể lấy thừa. Về chỉ tiêu, thứ nhất là do bộ GD&ĐT giao, thứ hai do năng lực đào tạo của nhà trường cũng đã gần đến mức tối đa. Chỉ tiêu này của trường ổn định trong 4 năm nay".
Mỗi môn thi 9 điểm vẫn trượt đại học (Ảnh minh hoạ)
Được biết, năm nay trường đại học Y Hà Nội có 17 thí sinh cùng đạt mức 29,5 điểm (đã tính làm tròn điểm của thí sinh), không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối. Năm 2012, điểm chuẩn vào ngành cao nhất của trường là bác sĩ Đa khoa 26 điểm, bác sĩ Y học cổ truyền 21,0, bác sỹ Răng Hàm Mặt 24,0… Có thể thấy, trước những điều mà dư luận tạm gọi là đáng tiếc xảy ra tại đại học Y Hà Nội thì một số chuyên gia giáo dục cũng kiến nghị thay đổi về diện thí sinh được tuyển thẳng. Trước đây, bộ GD&ĐT quy định những thí sinh đoạt giải nhất quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào đại học. Thế nhưng, từ năm 2013, cả những thí sinh đạt giải nhì, giải ba quốc gia đều được vào thẳng. Trong đó, riêng môn Sinh học đã có tới 141 giải quốc gia, mà chủ yếu đăng ký tuyển thẳng vào đại học Y Hà Nội.
Theo kết quả điểm thi mới công bố gần đây, đại học Y Dược TP.HCM cũng có điểm chuẩn tăng so với năm trước. Riêng ngành Y đa khoa, những thí sinh đạt 27 điểm cũng đang lo ngay ngáy vì sợ trượt. Ngành Y đa khoa có chỉ tiêu là 400 thí sinh. Khi chưa tính chỉ tiêu xét tuyển các đối tượng ưu tiên và tuyển thẳng đã có hơn 400 thí sinh đạt từ 27 điểm. Điểm chuẩn ngành này năm ngoái là 25,5 điểm, dự kiến năm nay sẽ tăng từ 1 - 2 điểm.
Đề xuất mở lớp ngoài ngân sách
Quá tải bệnh viện không phải do thiếu bác sĩ GS. Thuyết phân tích, chuyện quá tải bệnh viện, thiếu y, bác sĩ và việc các em thi đạt 9 điểm/môn vẫn không đỗ vào trường Y cũng có phần nghịch lý nhưng việc đào tạo bác sĩ hiện nay không hẳn không đủ cho các bệnh viện. Vấn đề quá tải bệnh viện là do chúng ta không có đủ cơ sở vật chất, không có thêm số phòng, số giường, không có thêm các bệnh viện ở các nơi. Chúng ta không có tiền để làm bệnh viện, mở thêm phòng, tăng thêm giường là chính chứ không phải chỉ vì không đủ bác sĩ. |
Lãnh đạo đại học Y Hà Nội cũng bày tỏ sự đáng tiếc cho những em có kết quả thi đạt 27 điểm. Theo đó, có một phương án, tạm gọi là giải pháp mà phía đại học Y Hà Nội đã báo cáo lên bộ Y tế và được đồng tình ủng hộ. Ngày 2/8, lãnh đạo nhà trường cũng đã làm công văn báo cáo tình trạng này lên bộ GD&ĐT kèm theo phương án hợp lý giải quyết tình trạng 27 điểm vẫn không được vào học.
"Đại học Y đề xuất xin điểm chuẩn vào trường là 28 trở lên đối với chuyên ngành bác sĩ đa khoa, như vậy 27,5 vẫn không được vào học. Theo đó, chúng tôi xin bộ GD&ĐT cho trường chúng tôi mở một lớp ngoài ngân sách. Lớp này sẽ nhận 150 em vào học và lấy điểm từ mức 26 đến 27,5. Lớp ngoài ngân sách này dành cho những em có nhu cầu, gia đình có khả năng cho con theo học", lãnh đạo trường đại học Y nói.
Khi được hỏi có sự khác nhau nào giữa lớp y khoa đào tạo bằng ngân sách và lớp y khoa ngoài ngân sách nếu được mở, lãnh đạo trường khẳng định không có bất cứ sự khác biệt nào trong đào tạo. Các em ở hệ y khoa đào tạo bằng ngân sách chỉ phải nộp học phí theo qui định hiện nay của bộ GD&ĐT. Còn việc giảng dạy sẽ như nhau. Cách đây vài năm, đại học Y Hà Nội cũng có lớp đào tạo ngoài ngân sách nhưng 3 năm nay bộ GD&ĐT đã không cho phép làm. Năm nay, trước tình trạng này cùng sức ép dư luận xã hội, chúng tôi lại muốn mở lại lớp.
Cùng nhìn nhận về tình trạng trên, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm, việc các sĩ tử thi có đến ba điểm 9 mà vẫn không đậu thì cực kỳ đáng tiếc, vì những em làm được bài tốt như thế cũng không phải dễ. Dĩ nhiên, điểm thi còn phụ thuộc vào đề ra dễ khó thế nào, dù đề ra dễ mà đến ba điểm 9 vẫn là cao. Về phía nhà trường, chỉ tiêu tuyển sinh có hạn nên phải xếp chọn các em theo điểm từ cao đến thấp.
"Tôi khuyên các em nên chuyển sang một trường khác thích hợp. Trên cả nước có nhiều trường Y, các em có thể nộp đơn nguyện vọng 2 các trường khác để người ta xem xét tuyển. Tôi cũng từng nghe nhiều ý kiến quanh chuyện có nên tăng chỉ tiêu để giải quyết tình trạng này. Thế nhưng, tăng chỉ tiêu phải căn cứ vào điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của trường. Xem trường có bao nhiêu giảng viên, cơ cấu giảng viên như thế nào, diện tích phòng học, trang thiết bị giảng dạy, khả năng đào tạo của trường. Trên cơ sở đó mới có thể nói được về chỉ tiêu", ông Thuyết nhấn mạnh.
Yến Dương