Ngay khi đoàn TTVN công bố danh sách 519 tuyển thủ, người ta có thể mừng vì điền kinh lần đầu tiên có thể cử một lực lượng đông đảo lên tới 43 người thì cũng choáng với thực sự vì môn có số lượng đông thứ 3 lại là... bi sắt. Con số 28 bi thủ thậm chí còn vượt xa những “mỏ vàng” truyền thống như vật, bắn súng hay những môn đang lên như bơi lội và thậm chí hơn cả một đội bóng đá.
Bi sắt không giành nổi HCV nào tại SEA Games 27
Quả thật lạ vì bi sát không phải môn thế mạnh hàng đầu, càng không có trong chương trình ASIAD hay Olympic. Thậm chí, ngay cả tại SEA Games, có lần bi sắt cũng đã bị cắt. Càng lạ hơn nữa, đội đông như vậy mà chỉ đặt mục tiêu 1-2 HCV. Với 28 con người mà đặt chỉ tiêu như vậy thì quá thấp, thấp đến mức khó chấp nhận nổi.
Đánh giá, phân tích bình thường, chẳng thấy nguyên do nào hợp lý để bi sắt phải cử đi lực lượng đông đảo đến thế. Tìm hiểu rộng ra thì mới biết, tất cả là vì nước chủ nhà đưa vào nhiều nội dung thi hỗn hợp từ 3-4 người và một khi muốn đáp ứng chỉ tiêu đề ra, đội Việt Nam buộc phải tăng quân số theo.
Câu chuyện bi hài chưa dừng lại ở đó, mà phơi bày rõ ràng nhất ở thực tế cuộc tranh tài. Các bi thủ Việt Nam hầu hết đều thua liểng xiểng, kể cả các nội dung thế mạnh để rồi chẳng thu về nổi HCV nào. Bi sắt không phải môn duy nhất không hoàn thành chỉ tiêu. Thậm chí nếu xét thuần túy việc đăng ký thành tích, môn này còn “nhẹ” hơn nhiều so với bóng đá nam hay canoing.
Nhưng ở đây, thành tích không phải điều đáng bàn, mà là cách thức tham dự.Với diện trung bình yếu, lẽ ra bi sắt chỉ nên cử khoảng 10 VĐV tham dự, vậy mà lại góp số lượng đông đảo đến 28 người. Không biết trong số ấy, có ái là “người ngoài”, được “ké” vào để đi du lịch hay không? Quả là một sự lãng phí to lớn.
Hạnh An